Thương chiến đến gần, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì?

date
28/02/2025 19:55

Thương chiến đến gần, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì?

Trong tháng 4, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý bởi Việt Nam có thể là đối tượng được nhắc tên trực tiếp trong quyết định thuế quan của Trump. Thị trường do đó sẽ có nhịp rung lắc, tuy nhiên sẽ là cơ hội tốt. Trong năm nay, đôi lúc việc đánh thuế sẽ không tác động nhiều đến thị trường như các yếu tố nội tại là đầu tư công, đầu tư cá nhân và tiêu dùng nội địa.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phương Tuấn - Phó Phòng Tư vấn đầu tư Agriseco Miền Trung trong chương trình Vietstock LIVE ngày 28/02 với chủ đề "Chứng khoán Việt giữa Thương chiến toàn cầu".

Ông Nguyễn Quang Minh (trái) và ông Nguyễn Thanh Phương Tuấn (phải) tại chương trình Vietstock LIVE ngày 28/02 với chủ đề "Chứng khoán Việt giữa Thương chiến toàn cầu"

Vẫn là Trump nhưng bối cảnh đã có nhiều thay đổi 

So sánh giữa hai nhiệm kỳ "Trump 1.0" và "Trump 2.0", ông Tuấn cho rằng hiện tại tốc độ đi đến các dự luật đã được đẩy nhanh hơn, đánh thuế trở nên đa dạng, linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới cũng như Việt Nam đã có sự thay đổi. Cụ thể, trong nhiệm kỳ đầu vào năm 2018, VN-Index từng vượt mốc 1,200 điểm, nhưng khi xuất hiện các đợt đánh thuế thì nhịp điều chỉnh mạnh đã diễn ra, cho thấy sự bị động với các chính sách thuế quan và chiến tranh thương mại. Còn trong nhiệm kỳ thứ hai này, thị trường đã chủ động hơn.

Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ. Các quốc gia khác như Trung Quốc, Canada và Mexico đều đã bị đánh thuế, Đức ở vị thế đồng minh EU cũng nằm trong diện có thể bị đánh thuế.

Một vấn đề khác là chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đang sụt giảm về mức thấp nhất kể từ giai đoạn COVID-19.

Về lợi ích của Việt Nam, rõ ràng nhất là giá trị xuất khẩu tăng mạnh từ 2018 đến nay và thị phần xuất khẩu sang Mỹ tăng lên, trong khi từ Trung Quốc giảm sâu. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cũng đang tăng tốc.

Đối mặt với những thay đổi, tâm lý vững vàng là yếu tố then chốt

Áp dụng vào câu chuyện đầu tư thực tế, ông Tuấn lưu ý về việc mỗi khi tiếp nhận một vấn đề nào đó, nhà đầu tư nên bóc tách kỹ lưỡng, đánh giá từng trường hợp, ngành, doanh nghiệp theo từng thời điểm khác nhau, phù hợp với điều kiện thị trường.

"Điển hình như câu chuyện Mỹ áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, bản chất thông tin này tích cực đối với nhóm xuất khẩu sang Mỹ của thép Việt Nam, vì chúng ta đã bị đánh thuế từ trước đó, từ đó sẽ hướng tới môi trường cạnh tranh công bằng hơn khi các thị trường khác bị tăng thuế lên 25%" - ông Tuấn chia sẻ.

Về nhóm ngành, bất động sản khu công nghiệp có nhiều cơ hội tích cực hơn nhờ gia tăng đầu tư FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện năng lực sản xuất trong nước, thay vì phụ thuộc quá lớn vào nguồn doanh nghiệp FDI này.

Nhóm tiện ích sẽ hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu điện gia tăng nhằm đáp ứng sự gia tăng của FDI, tuy nhiên sẽ có biến động theo triển vọng của nhóm khu công nghiệp.

Đối với nhóm xuất khẩu, thép sẽ hưởng lợi từ môi trường kinh doanh cải thiện nhờ thuế công bằng. Ngoài ra, còn một ngành khác cũng có triển vọng tích cực là dệt may.

Trong khi đó, ông Tuấn đánh giá những ngành có triển vọng ở mức trung tính sẽ là công nghệ, săm lốp, cao su và thủy sản.

Ngược lại, ngành gỗ lại chịu tác động tiêu cực. Hiện tại, Mỹ chiếm 50% giá trị xuất khẩu của ngành này cộng với việc thông tin thuế không rõ ràng sẽ là thách thức lớn của ngành gỗ. Ngoài ra, nhu cầu ngành gỗ cũng đang bị ảnh hưởng bởi thu nhập nhìn chung giảm xuống và niềm tin người tiêu dùng thấp hơn.

Theo ông Tuấn, trong tháng 4, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý bởi Việt Nam có thể là đối tượng được nhắc tên trực tiếp trong quyết định thuế quan của Trump. Thị trường do đó sẽ có nhịp rung lắc, tuy nhiên sẽ là cơ hội tốt. Trong năm 2025, đôi lúc việc đánh thuế sẽ không tác động nhiều đến TTCK như các yếu tố nội tại là đầu tư công, đầu tư cá nhân và tiêu dùng nội địa.

Ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư trong thời gian tới nên phân bổ 30 - 40% danh mục vào kênh chứng chỉ quỹ mở, bởi sẽ thay phần đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản trên thị trường, bên cạnh tỷ suất sinh lời cũng rất tốt, hoàn toàn có thể đạt được mức 20 - 30%.

Còn lại 50 - 60% danh mục sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp có câu chuyện tích cực, tuy nhiên cần phải tập trung vào phân tích dài hạn, tránh để biến động trong ngắn hạn ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Phù hợp nhất là thực hiện theo phương pháp top-down. Một số ngành có thể hướng đến là đầu tư công, bán lẻ, bất động sản dân sinh, nhóm liên quan đến xuất nhập khẩu như thủy sản và dệt may.

Những vấn đề vĩ mô quan trọng

Nhận định về yếu tố vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, ông Tuấn cho rằng có hai yếu tố có thể kỳ vọng là gỡ bỏ pháp lý cho bất động sản dân sinhkích thích tiêu dùng nội địa.

Với bất động sản dân sinh nói riêng và những nhóm ngành liên quan đến pháp lý nói chung, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, các yếu tố gỡ bỏ đã bị chậm trễ trong năm 2024 vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng năm 2025 sẽ có những động thái rõ ràng hơn. Trong vài tháng gần đây, câu chuyện gỡ bỏ pháp lý đã diễn ra rất nhiều tại các dự án bất động sản.

Còn theo ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock, nhà đầu tư nên tập trung vào vấn đề tỷ giá. Nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thành công trong việc kiểm soát tỷ giá sẽ giúp củng cố thêm niềm tin cho thị trường. Trường hợp tỷ giá còn biến động mạnh và theo chiều hướng tiêu cực, có thể ở góc độ nào đó, sẽ kích thích việc khối ngoại bán ròng mạnh và ảnh hưởng lớn đến TTCK.

Huy Khải

FILI - 18:53:36 28/02/2025