Lối đi nào cho châu Á trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc?

date
27/03/2025 11:19

Lối đi nào cho châu Á trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc?

Triển vọng kinh tế của châu Á đang trở nên ảm đạm trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng. Theo dự báo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3.3% vào năm 2024 xuống còn 3.1% vào năm 2025. Đây là tin không mấy tích cực cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á.

Tuy nhiên, thách thức không chỉ mang tính chu kỳ. Sự thay đổi của toàn cầu hóa và dịch chuyển các hành lang thương mại toàn cầu đang cho thấy những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu kinh tế ở châu Á, đặc biệt là quá trình phi công nghiệp hóa nhanh chóng của các nước đang phát triển. Điều này đặt ra tình thế khó xử cho một khu vực vốn từ lâu dựa vào xuất khẩu sản xuất để tiến tới nhóm các quốc gia có thu nhập cao.

Xu hướng “phi công nghiệp hóa sớm” không phải mới. Tương tự như các khu vực đang phát triển khác, tầm quan trọng tương đối của ngành sản xuất tại châu Á, nơi tập trung các nước đang phát triển, được đo lường bằng tỷ lệ việc làm hoặc sản lượng đã đạt đỉnh ở mức thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển hiện nay.

Mặc dù vậy, quá trình phi công nghiệp hóa không diễn ra quá nhanh. Không giống như Brazil, nơi tỷ trọng ngành sản xuất trong GDP giảm mạnh từ hơn 30% vào thập niên 1980 xuống khoảng 12% vào thập niên 2000, các quốc gia công nghiệp hóa sớm tại châu Á như Malaysia, Thái Lan và Indonesia vẫn duy trì nền tảng sản xuất khá lớn, chiếm hơn 20% tổng sản lượng nội địa trong thập kỷ qua.

Nhưng hiện nay, áp lực đang tăng lên. Làn sóng nhập khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang đe dọa việc loại bỏ các ngành công nghiệp địa phương và đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hóa ở châu Á. Giá cả thấp của Trung Quốc phần nào bắt nguồn từ các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các sản phẩm như tấm pin năng lượng mặt trời và tình trạng dư thừa sản xuất trong các lĩnh vực như xe điện và thép. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều không làm giảm đi quy trình sản xuất có tính cạnh tranh cao, vốn lợi thế của Trung Quốc trong sản xuất, khiến các đối thủ cạnh tranh phải vật lộn.

Tại Thái Lan, hơn 3,000 doanh nghiệp đã đóng cửa kể từ năm 2021 do chi phí sản xuất cao hơn, khả năng cạnh tranh kém và tràn ngập hàng hóa Trung Quốc khiến việc sản xuất trong nước trở nên không khả thi ở nhiều lĩnh vực. Ngành thép Thái Lan là một ví dụ điển hình khi tỷ lệ sử dụng công suất chỉ đạt 28%, theo một hiệp hội ngành công nghiệp. Các xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở những nơi khác, từ ngành dệt may của Indonesia đến sản xuất đồ chơi tại Ấn Độ, khu vực này đang đối mặt với tình trạng nhà máy đóng cửa và mất việc làm.

Vấn đề có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi Trung uốc đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng tăng ở phương Tây và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, Trung Quốc có khả năng sẽ hướng nhiều hàng xuất khẩu giá rẻ của mình sang các nước láng giềng châu Á.

Vậy các quốc gia này nên làm gì?

Chấp nhận lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào dịch vụ, hay tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa? Câu trả lời nằm ở giữa hai hướng đi này.

Tăng trưởng dựa vào sản xuất từ lâu được coi là tiêu chuẩn vàng của phát triển kinh tế. Thông thường, khả năng hấp thụ lượng lớn lao động phổ thông từ nông nghiệp và mang lại năng suất cao thông qua tích lũy vốn, tiến bộ công nghệ và quy mô kinh tế là điều mà các ngành dịch vụ thâm dụng lao động không thể có được.

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông cùng sự gia tăng mạnh mẽ của các kênh kỹ thuật số sau đại dịch COVID-19. Thương mại dịch vụ đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, giờ đây phản ánh nhiều đặc điểm của ngành sản xuất: Cạnh tranh cao hơn, khả năng mở rộng, tự động hóa cùng tiềm năng mang lại năng suất cao hơn.

Một công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Bangkok.

Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, các dịch vụ cấp thấp có vị thế tốt để hấp thụ lao động phổ thông và lao động có kỹ năng thấp có mức năng suất thấp. Mặc dù chúng có thể hưởng lợi từ những cải tiến công nghệ, nhưng khó có thể hình dung chúng mang lại mức tăng năng suất tương tự như sản xuất giá trị gia tăng thấp do khả năng tự động hóa và mở rộng quy mô hạn chế.

Thứ hai, các dịch vụ kỹ năng cao có năng suất lớn lại yêu cầu kỹ năng cao cấp mà phần lớn lực lượng lao động tại các nước đang phát triển ở châu Á chưa đáp ứng được. Dù tỷ lệ sử dụng internet tăng nhanh và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản được cải thiện, khu vực này vẫn tồn tại khoảng cách lớn về các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến như 5G và trình độ kỹ thuật số. Ngay cả tại Ấn Độ - nơi nền kinh tế số đã tăng trưởng vượt bậc - lợi ích vẫn chỉ giới hạn ở một phần nhỏ dân số: Chỉ khoảng 1% lực lượng lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông mới có năng suất cao.

Điều này hạn chế khả năng dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính của các nước đang phát triển ở châu Á hiện nay. Khu vực này trước tiên phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và nâng cấp kỹ năng để chuyển đổi hiệu quả sang mô hình tăng trưởng dựa vào dịch vụ. Do đó, việc đầu tư này không nên bị trì hoãn.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào những biện pháp ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng của ngành sản xuất, đồng thời giúp các ngành công nghiệp thích ứng với bối cảnh sản xuất mới. Phản ứng chính sách không nên giới hạn trong các biện pháp can thiệp vào công nghiệp, vốn chỉ là những biện pháp khắc phục tạm thời và có nguy cơ tạo ra sự kém hiệu quả khi không có các điều khoản về thời hạn. Giải pháp bền vững hơn là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự yếu kém trong sản xuất, nhiều trong số đó trùng lặp với các yêu cầu đối với một lĩnh vực dịch vụ mạnh mẽ như tích lũy vốn con người và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nếu không có cách tiếp cận kép này, các quốc gia sẽ đối mặt với nguy cơ những công nhân nhà máy thất nghiệp trở lại các trang trại hoặc chuyển sang công việc tạm thời hoặc các công việc dịch vụ có kỹ năng thấp khác, do đó dẫn đến năng suất và tiền lương trì trệ. Những gì đã diễn ra ở Brazil là lời nhắc nhở rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào dịch vụ có thể làm chậm quá trình phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển nếu lực lượng lao động không được đào tạo tốt.

Dù chủ nghĩa bảo hộ, sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và xu hướng gia tăng vốn trong ngành chế tạo đã làm giảm cơ hội tăng trưởng thông qua công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu, nhưng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vẫn chưa hoàn toàn mất đi các cơ hội này.

Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc cùng sự nổi lên của các ngành công nghiệp xanh và công nghệ mới đã tạo ra cơ hội lớn. Nhiều quốc gia châu Á có thể tận dụng điều này nhằm tăng trưởng nhanh chóng dựa trên sản xuất, ngay cả khi chuẩn bị chuyển sang mô hình dịch vụ. Đây là cơ hội mà nhiều quốc gia không nên bỏ lỡ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Priyanka Kishore, nhà sáng lập kiêm Kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Asia Decoded trên Nikkei Asia.

Quốc An

FILI - 10:17:22 27/03/2025