3 ngàn tỷ USD "bốc hơi", Phố Wall choáng váng trước cú sốc thuế quan thế kỷ của Trump
Trên khắp thế giới, khi các lệnh bán sáng rực màn hình tại các sàn giao dịch từ Tokyo đến London và New York, một thực tế phũ phàng đã hiện hữu: Donald Trump thực sự nghiêm túc về việc lật đổ hệ thống thương mại toàn cầu. Và dường như nỗi lo về một vụ sụp đổ thị trường chứng khoán cũng không thể ngăn cản ông, ít nhất là tại thời điểm này.
Nước Mỹ phải gánh chịu phần lớn đợt bán tháo lan rộng qua các thị trường tài chính vào ngày 03/04, với chỉ số S&P 500 trải qua ngày tồi tệ nhất trong 5 năm. Đó là sau khi Trump công bố mức thuế quan cao nhất trong hơn một thế kỷ, đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng, làm chậm tăng trưởng và khơi dậy lạm phát.
Nhìn tổng thể mà nói, phản ứng của thị trường báo hiệu rằng: Nỗ lực của ông nhằm đảo ngược hàng thập kỷ toàn cầu hóa gần như chắc chắn sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế toàn cầu.
Tại Mỹ, tình hình này đẩy áp lực lên Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đang đối mặt với bài toán khó giải: Cân bằng giữa nền kinh tế Mỹ đang chậm lại và nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại. Đồng thời, chính quyền Trump đang tiến hành cắt giảm chi tiêu mạnh tay và loại bỏ hàng chục ngàn việc làm liên bang dưới sự chỉ đạo của nhóm DOGE của Elon Musk, làm dấy lên lo ngại về khả năng thất nghiệp tăng cao.
"Thuế quan thực sự tồi tệ cho tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu, đồng thời nó còn làm tăng nguy cơ lạm phát", Tracy Chen, quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management nói. "Tôi không nghĩ Fed có thể cắt giảm lãi suất lúc này khi vẫn còn quá nhiều bất ổn".
Vào ngày 04/04, Powell dự kiến sẽ đưa ra phát biểu đầu tiên kể từ khi Trump thông báo về thuế quan – động thái đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu choáng váng và tháo chạy vào các kênh trú ẩn an toàn.
Chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ số S&P 500 giảm 4.8% trong khi Nasdaq 100 chủ yếu là công nghệ lao dốc 5.4%, xóa sổ khoảng 3 ngàn tỷ USD vốn hóa thị trường. Đồng thời, đồng USD lao dốc mạnh nhất trong ít nhất hai thập kỷ, trước khi giảm bớt đà giảm, khi các nhà đầu tư rút tiền mặt khỏi Mỹ và chuyển sang trái phiếu Chính phủ - đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm xuống dưới 4% lần đầu tiên kể từ khi Trump được bầu.
Sự hỗn loạn này cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc về tâm lý thị trường chỉ sau 2 tháng Trump nhậm chức. Ban đầu, các nhà giao dịch lạc quan rằng ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cắt giảm thuế và quy định, bỏ qua những phát ngôn cứng rắn về thương mại trong chiến dịch tranh cử. Niềm tin đó đã đẩy cổ phiếu Mỹ tăng mạnh vào cuối năm ngoái, thúc đẩy một trong những đợt tăng giá mạnh nhất kể từ thời bùng nổ internet những năm 1990.
Nhưng lo ngại bắt đầu dâng cao vào tháng trước khi Trump bắt đầu tăng thuế quan, đảo lộn các liên minh toàn cầu, và quyết liệt cắt giảm chi tiêu liên bang. Rồi vào ngày 02/04, ông tung ra kế hoạch thuế quan đã khiến thị trường lo lắng trong nhiều tuần, bao gồm mức tăng chóng mặt đối với Trung Quốc – hiện phải đối mặt với thuế quan trên 50% đối với nhiều mặt hàng – cũng như Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Việt Nam.
Trừ khi đàm phán song phương giảm bớt mức thuế đề xuất, các biện pháp này có thể làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp và đẩy giá tiêu dùng tăng cao, từ đó hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Fed nếu nền kinh tế đình trệ.
'Vòng lặp suy thoái lớn hơn'
Kết quả là, một số nhà kinh tế đã bắt đầu đẩy lùi thời gian dự kiến cho đợt giảm lãi suất tiếp theo, ngay cả khi các nhà giao dịch đang gia tăng đặt cược rằng Fed sẽ can thiệp.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley trước đó kỳ vọng động thái tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6. Nhưng sau thông báo của Trump, họ dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 3/2026.
"Động thái này chắc chắn quyết liệt hơn những gì mọi người đang mong đợi", Brad Bechtel, Trưởng bộ phận ngoại hối tại Jefferies Financial Group Inc. ở New York cho biết. "Đó là một vòng lặp suy thoái lớn hơn cho phần còn lại của thế giới".
Thị trường đã căng thẳng về kế hoạch thuế quan của Trump trong nhiều tuần, khiến các nhà phân tích Phố Wall bối rối trong việc dự đoán tác động. Nhưng những gì họ nhận được là kịch bản tồi tệ nhất: Các biện pháp quyết liệt đi kèm với những câu hỏi về cách xác định mức thuế mới và liệu chúng sẽ duy trì hay được đàm phán giảm xuống.
Trump và các cố vấn tỏ ra tự tin rằng chương trình của họ cuối cùng sẽ hồi sinh nền kinh tế Mỹ bằng cách đưa việc làm sản xuất trở lại. Họ xem nhẹ mọi tác động tiêu cực ngắn hạn như một "sự điều chỉnh tạm thời". Trump thậm chí còn bình thản trước phản ứng tiêu cực của thị trường.
"Tôi nghĩ mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp - giống như ca phẫu thuật lớn trên một bệnh nhân", Trump nói với các phóng viên. "Các thị trường sẽ bùng nổ".
Tuy nhiên, bằng cách đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao, chính sách thương mại của Trump đã làm suy giảm niềm tin tiêu dùng và đe dọa tới chi tiêu - vốn là động lực chính của nền kinh tế. Việc triển khai thiếu nhất quán cũng khiến doanh nghiệp lưỡng lự giữa việc thích nghi ngay lập tức hoặc chờ đợi xem liệu Trump có thay đổi hướng đi hay không.
Trên thị trường tương lai, các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm nay, hồi sinh cái gọi là "Fed put" – niềm tin rằng ngân hàng trung ương sẽ can thiệp với chính sách tiền tệ nới lỏng nếu thị trường chứng khoán gặp khó khăn. Họ dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn 3 lần trong năm nay (mỗi lần 0.25%), thậm chí có thể có đợt cắt giảm thứ tư.
Điều này làm tăng kỳ vọng vào báo cáo việc làm hàng tháng sắp công bố vào ngày 04/04. Các chuyên gia kinh tế dự báo thị trường lao động sẽ chậm lại trong báo cáo lần này. Cùng ngày, ông Powell sẽ phát biểu về triển vọng kinh tế tại một cuộc họp báo quan trọng.
"Khi bị dồn vào chân tường, Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản", Vineer Bhansali, Giám đốc đầu tư và người sáng lập Longtail Alpha nhận định. "Nếu thị trường tiếp tục sụp đổ, họ sẽ chuyển hướng ngay cả khi lạm phát cao".
Ngay cả trước đợt giảm mạnh ngày 03/04, nhiều công ty Phố Wall đã trở nên bi quan về triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu Mỹ. Khi đánh giá phạm vi thuế quan của Trump, các nhà kinh tế liên tục hạ dự báo, dự đoán tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn.
"Điều rõ ràng là chúng ta phải tính toán đầy đủ cú sốc tiêu cực ngay từ đầu", Ed Al-Hussainy, Chiến lược gia lãi suất tại Columbia Threadneedle kết luận. "Xét cho cùng, đây là một loại thuế – dù chưa rõ ai sẽ phải gánh chịu – nhưng tôi không thấy nó có thể tích cực cho tăng trưởng theo bất kỳ cách nào. Nó tiêu cực cho tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát trong ngắn hạn".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)