Apple thoát khỏi bờ vực khủng hoảng nhờ quyết định miễn thuế từ Trump
Apple vừa tránh được cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ thời điểm đại dịch - ít nhất là tạm thời.
Mức thuế 125% mà Donald Trump áp đặt lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng của Apple nghiêm trọng không kém gì những gián đoạn do COVID-19 gây ra cách đây 5 năm. Vào tối ngày 11/04, Tổng thống Mỹ đã trao cho Apple một chiến thắng quan trọng, miễn thuế cho nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến bao gồm iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirTag.
Một thắng lợi nữa: Mức thuế đối ứng 10% đánh vào hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng đã được bãi bỏ đối với những sản phẩm này.
Mặc dù một loại thuế ngành mới với mức thấp hơn có thể vẫn được áp dụng cho hàng hóa có chứa chất bán dẫn - và thuế 20% từ Trung Quốc vẫn còn - sự thay đổi này đánh dấu một chiến thắng lớn cho Apple và ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng vốn vẫn phụ thuộc nặng nề vào quốc gia châu Á này.
"Đây là một phao cứu trợ lớn cho Apple", nhà phân tích Amit Daryanani của Evercore ISI đã nhận định trong một báo cáo vào ngày 12/04. "Thuế quan sẽ đẩy chi phí tăng lên đáng kể". Ông dự đoán cổ phiếu công ty sẽ tăng vào ngày 14/04, sau khi đã giảm 11% trong tháng này.
Trước khi có lệnh miễn thuế mới nhất, "táo khuyết" đã chuẩn bị một kế hoạch: Điều chỉnh chuỗi cung ứng để sản xuất thêm iPhone dành cho thị trường Mỹ tại Ấn Độ, nơi sẽ chịu mức thuế thấp hơn nhiều. Các giám đốc điều hành Apple tin rằng đây sẽ là giải pháp ngắn hạn để tránh mức thuế "cắt cổ" từ Trung Quốc và ngăn chặn việc tăng giá đáng kể.
Với năng lực sản xuất iPhone ở Ấn Độ đang trên đà đạt hơn 30 triệu chiếc iPhone mỗi năm, việc sản xuất từ quốc gia này có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu của người Mỹ. Hiện nay, Apple bán khoảng 220-230 triệu iPhone hàng năm, với khoảng 1/3 trong số đó đến tay người dùng tại xứ sở cờ hoa.
Tuy nhiên, một sự chuyển dịch như vậy khó lòng diễn ra suôn sẻ, đặc biệt khi công ty đã gần đến giai đoạn sản xuất iPhone 17, mẫu điện thoại sẽ được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc. Trong các bộ phận tài chính và tiếp thị của Apple, nỗi lo về tác động đến đợt ra mắt điện thoại mới vào mùa thu ngày càng tăng và tạo ra bầu không khí căng thẳng.
Chỉ trong vài tháng, công ty đáng lẽ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn là chuyển nhiều hoạt động sản xuất iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc nơi khác. Họ có thể đã phải tăng giá - điều vẫn có thể xảy ra - và phải thương lượng gay gắt với các nhà cung cấp để có biên lợi nhuận tốt hơn. Bộ máy tiếp thị nổi tiếng của Apple cũng sẽ phải vắt óc thuyết phục người tiêu dùng rằng tất cả những điều đó là đáng giá.
Nhưng cảm giác bất ổn vẫn còn đó. Chính sách của Nhà Trắng có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và Apple có thể cần theo đuổi những thay đổi quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ít nhất là hiện tại, ban lãnh đạo đang thở phào nhẹ nhõm.
Một mối lo khác đang hiện hữu. Nếu Apple chuyển thêm nhiều hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh chóng, liệu đất nước tỷ dân sẽ trả đũa thế nào? Apple tạo ra khoảng 17% doanh thu từ Trung Quốc và vận hành hàng chục cửa hàng, khiến họ trở thành ngoại lệ trong số các công ty có trụ sở tại Mỹ. Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về vấn đề này.
Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra cạnh tranh đối với các công ty Mỹ và có thể gây khó dễ cho Apple thông qua quy trình hải quan riêng của họ. Trong những năm gần đây, họ cũng đã cấm iPhone và các thiết bị do Mỹ thiết kế khác trong đội ngũ công chức Chính phủ. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ siết chặt kiểm soát đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc.
iPhone là sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn nhất của Apple, và khoảng 87% số iPhone được sản xuất ở Trung Quốc, theo ước tính từ Morgan Stanley. Khoảng 4 trong 5 chiếc iPad cũng được sản xuất tại quốc gia này, cùng với 60% máy Mac.
Tỷ trọng doanh thu từ các sản phẩm của Apple ![]() |
Tính cả thảy, những sản phẩm này chiếm khoảng 75% doanh thu hàng năm của Apple. Tuy nhiên, hiện nay công ty sản xuất gần như toàn bộ Apple Watch và AirPods ở Việt Nam. Một số iPad và Mac cũng được sản xuất tại quốc gia này, và việc sản xuất Mac đang mở rộng ở Malaysia và Thái Lan.
Công ty tạo ra khoảng 38% doanh số iPad ở Mỹ, cũng như khoảng một nửa doanh thu từ Mac, Apple Watch và AirPods, theo ước tính của Morgan Stanley.
Việc rời hoàn toàn với Trung Quốc - trung tâm sản xuất của Apple trong nhiều thập kỷ - gần như không thể xảy ra. Mặc dù Trump đã thúc đẩy Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, việc thiếu hụt nhân tài kỹ thuật và sản xuất trong nước sẽ khiến điều đó gần như bất khả thi trong ngắn hạn.
Quy mô và tầm vóc của các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc khiến nước này không có đối thủ về tốc độ và hiệu quả. Sản xuất tại Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với doanh số của Apple tại các thị trường ngoài Mỹ. Công ty có trụ sở tại Cupertino, California này thu về gần 60% doanh thu từ bên ngoài châu Mỹ.
Kể từ khi một loạt thuế quan được công bố vào ngày 02/04, các nhóm vận động hành lang từ Apple và các công ty công nghệ khác đã liên tục thúc đẩy Nhà Trắng ban hành lệnh miễn thuế.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trở nên cấp bách hơn trong những ngày gần đây sau một loạt các hành động trả đũa qua lại giữa Washington và Bắc Kinh, dẫn đến mức thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tác động tiềm tàng càng trở nên rõ rệt hơn sau khi Trump tạm dừng áp dụng thuế cao hơn đối với các quốc gia khác. Điều đó có nghĩa là đối thủ của Apple là Samsung Electronics Co., công ty sản xuất điện thoại bên ngoài Trung Quốc, sẽ có được lợi thế cạnh tranh không nhỏ.
Apple và các công ty khác đã nhấn mạnh với chính quyền Trump rằng - mặc dù họ sẵn sàng tăng đầu tư vào Mỹ - việc chuyển khâu lắp ráp cuối cùng sang Mỹ mang lại rất ít lợi ích. Thay vào đó, họ lập luận, Mỹ nên tập trung vào việc đưa trở lại những công việc có giá trị cao hơn và khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực then chốt như sản xuất chất bán dẫn.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)