Bất ngờ doanh nghiệp logistics có doanh thu lúa gạo hàng ngàn tỷ đồng

date
28/04/2025 13:01

Bất ngờ doanh nghiệp logistics có doanh thu lúa gạo hàng ngàn tỷ đồng

Là một doanh nghiệp được biết đến trong lĩnh vực vận tải - logistics, CTCP TCO Holdings (TCO) đã công bố tái cấu trúc doanh nghiệp từ 2023 với định hướng kinh doanh trong ngành lúa gạo, logistics và cho thuê văn phòng. Đến năm 2024, TCO đã bắt đầu định vị trong ngành với doanh thu từ mảng lúa gạo vượt trội cả những doanh nghiệp lâu năm trên sàn.

Chặng đường tái cấu trúc

TCO trước đây được biết đến là CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 2009 và chính thức lên HOSE từ năm 2012. Đến năm 2023, TCO công bố tái cấu trúc doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục thoái vốn tại CTCP Logistics Tasa Duyên Hải từ tháng 10/2023 và chính thức đổi tên thành CTCP TCO Holdings từ tháng 11/2023. Công ty cũng đã triển khai thương hiệu và bộ nhận diện mới.

Theo chiến lược tái cấu trúc mới này, TCO định hướng hoạt động kinh doanh trong ba lĩnh vực lúa gạo, logistics và cho thuê văn phòng. Công ty đã thành lập ba công ty con trực tiếp trong ba lĩnh vực gồm CTCP TCO Agri, CTCP TCO Logistics và CTCP TCO Real Estate và ba công ty con gián tiếp là Công ty TNHH MTV TCO Logistics, CTCP Tập đoàn Nam An (hiện TCO đang bán phần vốn góp tại đây) và Công ty TNHH Đầu tư Enterprise.

Đến gần cuối năm 2024, TCO đã hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu từ 187 tỷ lên 313 tỷ đồng. Theo công bố từ Báo cáo thường niên, tầm nhìn của TCO Holdings hướng đến trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành, lấy nông nghiệp và logistics làm trọng tâm, cung cấp các giải pháp tối ưu, các sản phẩm chất lượng cao và bền vững với môi trường.

Hiện thực hóa chiến lược với doanh thu mảng gạo vượt trội trong ngành

Chỉ trong thời gian ngắn sau tái cơ cấu, đến năm 2024, TCO đã đạt được cột mốc mang tính lịch sử với doanh thu hợp nhất đạt 3,538 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ mảng lúa gạo, vượt xa nhiều gương mặt lâu năm trong ngành.

Doanh thu 2024 của một số doanh nghiệp ngành gạo trên sàn
Tỷ đồng

Trên sàn giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo như VSF (Tổng công ty Lương thực Miền Nam - VinaFood II), LTG (CTCP Lộc Trời), TAR (CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An), AGX (CTCP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn), AGM (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang), LAF (CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An)... và gương mặt mới TCO Holdings. Trong đó, các doanh nghiệp trên UPCoM như VSF đạt doanh thu lớn nhất với 21,477 tỷ đồng, TAR 4,236 tỷ đồng, AGX 1,568 tỷ đồng (riêng LTG chưa công bố BCTC 2024). Còn trên HOSE, TCO đứng đầu về doanh thu so với các công ty trong ngành gạo với 3,538 tỷ đồng, vượt xa LAF (466 tỷ đồng) hay AGM (241 tỷ đồng).

Đây cũng là năm đầu tiên TCO ghi dấu ấn thành công trong lĩnh vực tái cơ cấu với doanh thu từ mảng gạo chiếm tỷ trọng 95.8% tổng doanh thu, bên cạnh đó là vận tải 3.7% và cho thuê văn phòng 0.5%. Hiện Chủ tịch HĐQT của TCO là ông Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch HĐQT CTCP Chế biến Lương thực Sao Mới.

Cơ cấu doanh thu của TCO
Triệu đồng

Cũng theo thông tin từ BCTN 2024, TCO cho biết doanh thu thuần tăng đột biến so với năm 2023 chủ yếu đến từ mảng kinh doanh lúa gạo. Đặc biệt là việc triển khai thương vụ mua nhà máy xay xát lúa gạo tươi với công suất 400 tấn lúa tươi/ngày và sau đó nâng cấp công suất lên 1,100 tấn/ngày.

Kết quả trong năm 2024, TCO đạt lãi ròng hơn 21 tỷ đồng, tăng 136% so với năm 2023 và đạt 85% kế hoạch. Đánh giá về kết quả đã đạt được, TCO cho biết đang trong quá trình tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhằm hoạt động hiệu quả hơn nên Công ty đã thực hiện một số khoản vay nhằm mục đích mua sắm, đầu tư tài sản cố định khiến cho các khoản chi phí tăng lên và lợi nhuận sau thuế không đạt được như kế hoạch đề ra.

Còn nhiều dư địa để khai thác, TCO xác định gạo là lĩnh vực trọng tâm

Trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 9 triệu tấn gạo, thu về 5.67 tỷ USD (tăng 11.1% về lượng và tăng 21.2% về kim ngạch so với năm 2023). Đây là khối lượng và kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử ngành gạo Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, TCO Holdings đã thích ứng linh hoạt để thực hiện các mục tiêu đề ra với việc hoàn tất tái cấu trúc hoạt động, bộ máy nhân sự cũng như ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với ba trụ cột chính là Nông nghiệp - Logistics, vận tải - Bất động sản.

Năm 2025 được dự đoán sẽ còn nhiều thách thức cho các doanh nghiệp với sự nối tiếp các yếu tố bất lợi từ các năm trước bên cạnh các chính sách thuế quan mới của Mỹ, căng thẳng thương mại được dự báo sẽ tăng cao, cùng với đó là thời tiết diễn biến khó lường tiếp tục phản ánh rõ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 đạt mức kỷ lục 535.8 triệu tấn (tăng 13.7 triệu tấn so với niên vụ trước). Tiêu thụ gạo toàn cầu cũng được USDA dự báo mức kỷ lục 532.1 triệu tấn (tăng 8.6 triệu tấn). Trong Q1/2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2.3 triệu tấn với giá trị 1.2 tỷ USD (tăng 6.5% về lượng nhưng giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước). Trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thế giới do lượng tồn kho cao kỷ lục, giá gạo toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực dù phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Theo nhận định của TCO trong Báo cáo thường niên 2024, lúa gạo vẫn là sản phẩm chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam, là lương thực thiết yếu cho toàn thế giới và thị trường lúa gạo vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển. TCO Holdings xác định đây là lĩnh vực trọng tâm và sẽ đóng góp chính vào các hoạt động kinh doanh chung của Công ty.

Minh Tài

FILI - 11:59:19 28/04/2025