Bộ Công Thương: Chưa vội điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, tập trung vượt thách thức

date
04/04/2025 21:25

Bộ Công Thương: Chưa vội điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, tập trung vượt thách thức

Trước biến động kinh tế toàn cầu, Bộ Công Thương khẳng định chưa bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất nhập khẩu, mà tập trung vào giải pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2025 của Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 6-7%/năm và nhập khẩu 5-6%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã thông tin tới báo chí về chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: VGP

Xuất khẩu duy trì tăng trưởng hai con số

Theo ông Hải, đến nay Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của chiến lược và về cơ bản, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa dự kiến. "Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt hai con số", ông nhấn mạnh.

Cán cân thương mại cũng được điều chỉnh theo hướng tích cực. Nếu như trước năm 2012, Việt Nam liên tục thâm hụt thương mại, thì trong những năm gần đây đã duy trì thặng dư ổn định. Năm 2024, thặng dư thương mại đạt 24 tỷ USD, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp đạt được kết quả này là sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu hàng hóa. Các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng có giá trị gia tăng cao - chiếm tỷ trọng xuất khẩu ngày càng lớn. Chiến lược đặt mục tiêu nhóm này chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu và hiện tại đang tiến sát mức này.

Về thị trường, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu đạt 16-17%, sang châu Mỹ đạt 32%. Năm 2024, xuất khẩu sang châu Âu chiếm 15,3% và sang châu Mỹ đạt 33.9%, tiệm cận các mục tiêu đặt ra. Ở chiều ngược lại, tỷ trọng nhập khẩu từ châu Âu và châu Mỹ lần lượt đạt 6% và 7%, thấp hơn mức chiến lược đề ra là 8-9% và 10-11%.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh định hướng nhập khẩu, đặc biệt là từ các thị trường cung cấp nguyên liệu quan trọng như ASEAN, Đông Á và Trung Đông, nhằm đảm bảo nguồn cung cho sản xuất công nghiệp và năng lượng.

Đẩy mạnh khai phá thị trường mới nổi, tận dụng FTA

Ở khía cạnh xúc tiến thương mại, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận định nhiều thị trường truyền thống đang chững lại, thậm chí tiềm ẩn rủi ro suy giảm nhu cầu nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chủ động tìm kiếm thị trường mới nổi, thị trường ngách hoặc thay thế trở thành yêu cầu cấp thiết.

"Chúng tôi đặc biệt chú trọng khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việc tận dụng hiệu quả các FTA không chỉ giúp giảm thuế, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế và tái cấu trúc chuỗi cung ứng", ông Tài nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, kết hợp truyền thống với công nghệ số. Các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến với Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… được đẩy mạnh. Hội chợ ảo, hội thảo online B2B hay đón các đoàn mua hàng quốc tế đến Việt Nam theo mô hình kết hợp online - offline giúp tiết kiệm chi phí, mở rộng phạm vi tiếp cận.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch tổ chức hai đợt cao điểm xúc tiến thương mại quốc gia trong năm 2025. Đợt một dự kiến triển khai vào giữa năm (tháng 6 - 7/2025), đợt hai diễn ra vào cuối năm, gắn với chu kỳ tiêu dùng cao điểm, mùa lễ hội và du lịch.

Các hoạt động trong khuôn khổ hai đợt này bao gồm tổ chức hội chợ triển lãm hàng Việt tại các thị trường chiến lược, kết nối giao thương xuất khẩu theo ngành hàng, kích cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định thời điểm này, Chính phủ chưa bàn đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu xuất khẩu, nhập khẩu hay mục tiêu GDP 8%.

"Tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ, chúng ta cần bình tĩnh xử lý tình huống một cách tổng thể và toàn diện, thay vì vội vàng điều chỉnh mục tiêu", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tùng Phong

FILI - 20:23:04 04/04/2025