Cà phê zero carbon: Doanh nghiệp Việt có giữ vững thị phần EU trước áp lực ESG?
Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi lớn khi các yêu cầu về ESG ngày càng khắt khe, đặc biệt tại thị trường Liên minh châu Âu (EU). Các chính sách như EUDR và xu hướng cà phê zero carbon đặt ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt.
Toàn cảnh thị trường EU và yêu cầu ESG mới đối với ngành cà phê
Với việc áp dụng các chính sách mới về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại EU, Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) được thông qua vào tháng 12/2022 và ban đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12/2024. Tuy nhiên, vào tháng 10/2024, EU đã đề xuất lùi thời hạn thực thi đến ngày 30/12/2025 cho doanh nghiệp lớn và ngày 30/06/2026 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)[1].
EUDR yêu cầu các công ty phải chứng minh sản phẩm của họ không đến từ các khu vực bị phá rừng sau ngày 31/12/2020 và tuân thủ quy định của quốc gia sản xuất[2]. Vi phạm EUDR có thể dẫn đến các hình phạt tài chính lên đến 4% doanh thu hàng năm và tổn hại danh tiếng[3].
Theo Mintel, gần 64% các sản phẩm cà phê mới ra mắt tại châu Âu mang các tuyên bố về môi trường hoặc đạo đức[4]. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng sẵn sàng trả thêm cho cà phê có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận bền vững.
Löfbergs, một trong những nhà nhập khẩu cà phê hữu cơ lớn nhất thế giới của Thụy Điển, đã đổi sang vận chuyển biển không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm 1,800 tấn CO2 mỗi năm[5]. Tương tự, Schneider Electric đã triển khai dự án "Zero Carbon Project" với mục tiêu giảm 50% lượng khí thải carbon của 1,000 nhà cung cấp hàng đầu vào năm 2025, đồng thời hỗ trợ các nhà cung cấp trong việc thiết lập mục tiêu giảm khí thải và chia sẻ các phương pháp tốt nhất[6]. IKEA cũng đã đầu tư hơn 1.1 tỷ USD để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế, nguyên liệu sinh học, giúp giảm thiểu tác động môi trường và ổn định chi phí.
Vị thế và lợi thế hiện tại của doanh nghiệp cà phê Việt tại EU
Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Trong năm 2023, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai của EU về khối lượng và thứ ba về giá trị, với 652,000 tấn cà phê được xuất khẩu sang EU, trị giá 1.66 tỷ USD[7]. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cà phê của EU đã tăng từ 14.9% vào năm 2022 lên 16.1% vào năm 2023[8].
Theo dữ liệu cập nhật từ Eurostat, trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu cà phê của EU đạt gần 15.9 tỷ EUR (tương đương 16.5 tỷ USD), tăng 9.5% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào EU ghi nhận mức tăng 25.5%, đạt 1.60 tỷ EUR (tương đương 1.67 tỷ USD), và thị phần cà phê Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU đã tăng từ 8.8% trong 9 tháng năm 2023 lên 10% trong 9 tháng năm 2024[9].
Lợi thế truyền thống của cà phê Việt là giá rẻ và sản lượng cao. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các yêu cầu về ESG, EUDR, những lợi thế này có thể không còn đủ để cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi sang sản xuất bền vững để đáp ứng nhu cầu của thị trường EU và duy trì thị phần[10]. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và chứng nhận bền vững như Rainforest Alliance và EUDR giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo cơ hội tăng trưởng ở các thị trường yêu cầu cao như EU. Hiệp định EVFTA giảm thuế nhập khẩu xuống 0% và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột, giúp tăng cường cạnh tranh của cà phê Việt tại EU[11].
![]() Ảnh minh họa. |
Cà phê Zero carbon có thành xu hướng?
"Cà phê zero carbon" đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu, với mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon trong toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối. Để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp cần áp dụng các phương pháp sản xuất, vận chuyển và phân phối carbon thấp, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, thu giữ và lưu trữ carbon, tái trồng rừng[12].
Trên thế giới, các sáng kiến như Net-Zero Standard đang được áp dụng để đo lường và chứng nhận carbon trung tính. Ví dụ, zero carbon coffee đã đạt chứng nhận Climate Neutral Certified từ tổ chức Climate Neutral, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập chuyên cung cấp chứng nhận trung hòa carbon cho các doanh nghiệp, bằng cách đo lường lượng khí thải carbon, mua tín chỉ carbon để bù đắp, triển khai kế hoạch giảm phát thải trong tương lai[13]. Starbucks, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, đang hướng tới mục tiêu cà phê carbon trung tính thông qua việc bảo vệ và phục hồi rừng, hỗ trợ nông dân sử dụng công cụ nông nghiệp chính xác để giảm thiểu tác động môi trường[14].
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp như Tám Trình và Simexco đã bắt đầu chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Simexco triển khai các chương trình chứng nhận bền vững như Rainforest Alliance và 4C, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn của EUDR. Các hợp tác xã ở tỉnh Lâm Đồng cũng đang hướng tới sản xuất cà phê bền vững, nhưng cần thêm hỗ trợ về công nghệ và tài chính để đạt được chứng nhận quốc tế[15].
Mặc dù mô hình "cà phê Zero Carbon" tại Việt Nam còn khá mới mẻ và thông tin hạn chế, xu hướng này đang nhận được sự chú ý từ một số doanh nghiệp. Tuy chưa thể xem là bước ngoặt, các doanh nghiệp hiện tại chủ yếu đang thử nghiệm, với động lực cá nhân hoặc chiến lược xây dựng thương hiệu. Để tạo ra thay đổi lớn, ngành cà phê Việt Nam vẫn cần thêm thời gian và sự đầu tư thực chất.
Cà phê Việt đã sẵn sàng cho “cuộc chơi ESG” chưa?
Việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững như agroforestry giúp bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các trang trại cà phê. Agroforestry có thể giúp đa dạng hóa thu nhập cho nông dân, cải thiện chất lượng đất, tạo ra cà phê có hương vị phong phú hơn[16]. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế[17].
Agroforestry (nông lâm kết hợp) là một phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, kết hợp việc trồng cây nông sản (như cà phê) với cây lâm nghiệp hoặc các loại cây khác. Mô hình này giúp bảo vệ, cải thiện chất lượng đất, tăng cường sự đa dạng sinh học, tạo ra một hệ sinh thái ổn định. |
Theo một báo cáo của Sustainalytics, chỉ có 30% doanh nghiệp Việt Nam có báo cáo ESG đầy đủ, trong khi 70% còn lại chưa có hoặc chỉ cung cấp thông tin rời rạc không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế[18]. Các SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, công nghệ để chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Chi phí ban đầu để áp dụng công nghệ xanh, đạt chứng nhận bền vững là rất cao, khiến nhiều SME xem việc thực hiện ESG như một gánh nặng hơn là cơ hội.
Tác động đến hộ nông dân và chuỗi cung ứng cũng là thách thức lớn. Các hộ nông dân cần được hỗ trợ để áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, nhưng việc thiếu thông tin, nguồn lực đang cản trở quá trình này. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế là cần thiết để giúp nông dân, SME vượt qua những khó khăn này và đáp ứng được các yêu cầu ESG ngày càng nghiêm ngặt[19].
Cần làm gì để giữ vững thị phần EU?
Để giữ vững thị phần EU, doanh nghiệp cà phê Việt cần được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA). Một số đề xuất giải pháp như:
Cơ chế tài chính xanh: Các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng, tổ chức tín dụng nên cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, nông nghiệp bền vững.
Tín chỉ carbon: Áp dụng hệ thống tín chỉ carbon để khuyến khích giảm phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ được cấp một lượng tín chỉ carbon nhất định, có thể mua bán tín chỉ này trên thị trường để bù đắp cho lượng khí thải vượt mức cho phép.
Hỗ trợ chuyển đổi: Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức ngành giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. Điều này bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu về vị trí trồng cà phê, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, áp dụng các công nghệ sản xuất carbon thấp.
Triển vọng và mô hình tham khảo
Để tuân thủ EUDR, mặc dù chưa có một kế hoạch quốc gia chính thức được công bố rộng rãi, nhưng các hành động cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho cà phê, cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, đang được Việt Nam triển khai. Điều này giúp ngành cà phê Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu môi trường nghiêm ngặt của EU, đồng thời duy trì thị phần trong bối cảnh thay đổi của thị trường quốc tế.
Việc tuân thủ EUDR góp phần giúp Việt Nam duy trì thị phần cà phê tại EU, tạo cơ hội tăng trưởng bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu và củng cố vị thế ngành bền vững. Mô hình thành công ở Brazil có thể được tham khảo. Brazil đã áp dụng các phương pháp sản xuất cà phê carbon thấp và được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế.
MonteCCer, một hợp tác xã cà phê ở Brazil, đã bán cà phê arabica carbon trung tính với giá cao hơn 100 reais (khoảng 17.89 USD) mỗi bao so với cà phê thông thường. Cà phê của họ được sản xuất ở khu vực Cerrado, nơi các trang trại giảm khí thải carbon, có chứng nhận carbon trung tính[20].
[1] https://evea-conseil.com/en/news/article/eudr-european-deforestation-regulation
[2] https://www.cbi.eu/market-information/coffee/tips-become-eudr-compliant
[3] https://www.live-eo.com/article/eudr-non-compliance-penalties
[4] https://www.mintel.com/press-centre/coffee-conscience-half-of-all-global-coffee-launches-are-sustainable/
[5] https://www.worldcoffeeportal.com/Latest/News/2024/February/Lofbergs-reduces-carbon-footprint-with-100-fossil
[6] https://www.environmental-finance.com/content/awards/sustainable-company-awards-2022/winners/supply-chain-initiative-of-the-year-global-schneider-electric.html
[7] https://vietnamnews.vn/economy/1653505/viet-nam-eu-s-second-biggest-coffee-supplier-in-2023.html
[8] https://vietnamagriculture.nongnghiep.vn/the-european-coffee-market-reaching-4788-billion-in-2024-d381164.html
[9] https://moit.gov.vn/upload/2005517/fck/files/B___n_tin_Th____tr_____ng_NLTS_T___ng_h___p_qu___VI_ra_ng__y_30_12_2024_9b5fe.pdf
[10] https://www.koltiva.com/post/turning-challenges-into-opportunities-vietnam-s-coffee-industry-gears-up-for-eudr-regulation-compli
[11] https://asemconnectvietnam.gov.vn/default.aspx?ID1=2&ZID1=8&ID8=140658
[12] https://www.balmforthandco.co.uk/how-to-support-carbon-zero-coffee/
[13] https://www.comunicaffe.com/zero-carbon-coffee-has-officially-achieved-climate-neutral-certified-status/
[14] https://sustainabilitymag.com/supply-chain-sustainability/starbucks-the-journey-to-carbon-neutral-green-coffee
[15] https://asianfarmers.org/vietnam-vnfu-sustainable-coffee-production-in-lam-dong-province/
[16] https://incofin.com/womens-day-spotlight-how-ngoc-anh-dao-is-transforming-vietnams-coffee-sector/
[17] https://www.koltiva.com/post/turning-challenges-into-opportunities-vietnam-s-coffee-industry-gears-up-for-eudr-regulation-compli
[18] https://asemconnectvietnam.gov.vn/default.aspx?ZID1=8&ID8=141687&ID1=2
[19] https://www.koltiva.com/post/turning-challenges-into-opportunities-vietnam-s-coffee-industry-gears-up-for-eudr-regulation-compli
[20] https://www.green.earth/news/brewing-prosperity-brazilian-carbon-neutral-coffee-redefines-the-market
Nguyễn Nhiều Lộc