Các công ty châu Âu tích trữ hàng và chuyển dịch sản xuất để đối phó với bão thuế quan
Donald Trump đang tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày và chỉ áp mức thuế tối thiểu 10%. Tuy nhiên, với các loại thuế khác vẫn còn hiệu lực, hoạt động kinh doanh tại Mỹ đang trở nên tốn kém hơn đối với các doanh nghiệp châu Âu.
![]() Các thanh nhôm rắn chuẩn bị được vận chuyển tại Hy Lạp |
Trong bối cảnh không ai nắm chắc tương lai, các công ty đang gấp rút củng cố chuỗi cung ứng và bảo vệ thị trường Mỹ của họ. Một số đang tăng hàng tồn kho tại Mỹ, số khác đang cân nhắc tăng giá, và nhiều doanh nghiệp khác đang chuyển dịch các cơ sở sản xuất. Đồng thời, khi Trump tìm kiếm các nhượng bộ để khoe thành tích, một số công ty đang nắm bắt thời cơ để công bố hoặc mở rộng các khoản đầu tư vào Mỹ mà họ đã lên kế hoạch từ trước.
"Trong bối cảnh đầy bất định này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tập trung vào việc tổ chức đội ngũ quản lý để sẵn sàng phản ứng nhanh", Varun Marya, người đứng đầu mảng công nghiệp tiên tiến của McKinsey & Company cho biết.
![]() Mẫu Audi Q5 |
Hãng xe sang Đức Audi đã tạm dừng nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Sogrape SA, nhà xuất khẩu rượu vang lớn nhất Bồ Đào Nha, sẽ bắt đầu sử dụng kho dự trữ 6 tháng mà họ đã chuẩn bị cho tình huống này. Tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Novartis AG vừa công bố kế hoạch đổ 23 tỷ USD vào hoạt động tại Mỹ trong năm năm tới. Trong khi đó, Stellantis NV, chủ sở hữu của thương hiệu Jeep, sau khi đã dừng sản xuất ở Canada và Mexico, sẽ mở rộng chương trình giảm giá vốn dành cho nhân viên đến cả khách hàng nhằm thúc đẩy doanh số.
Là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của châu Âu, Mỹ đóng vai trò là thị trường sống còn. Quốc gia này chiếm hơn 20% tổng xuất khẩu của EU năm ngoái và thúc đẩy 865 tỷ Euro thương mại xuyên Đại Tây Dương, theo số liệu từ Eurostat - cơ quan thống kê của EU. Ireland gửi gần một nửa xuất khẩu ngoài EU đến Mỹ. Thị trường Mỹ cũng là trụ cột tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn như Đức và Ý.
"Châu Âu không lựa chọn và không có lợi ích gì trong cuộc chiến thương mại này", Niclas Poitiers, Chuyên gia thương mại tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, nhấn mạnh. "Dù thế nào đi nữa, Mỹ vẫn là mối quan hệ kinh tế quan trọng bậc nhất của EU".
Đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Mỹ trở thành thị trường quan trọng hơn bao giờ hết khi doanh số trong những năm gần đây tại EU và Trung Quốc liên tục sụt giảm. Sự ưa chuộng của người Mỹ đối với các dòng xe SUV và bán tải có biên lợi nhuận cao đã giúp các nhà sản xuất vượt qua giai đoạn nhu cầu yếu và áp lực gia tăng về biên lợi nhuận.
Ngay cả với việc Trump hoãn 90 ngày đối với các khoản thuế đối ứng, sự kết hợp giữa thuế cơ sở 10% và thuế 25% đối với thép, nhôm và xuất khẩu ô tô sẽ tác động nghiêm trọng đến ngành này. Ví dụ điển hình là Audi Q5 - chiếc xe bán chạy nhất của hãng tại Mỹ. Với mức thuế mới, công ty đang hoạt động với giả định rằng xe sẽ bị đánh thuế hơn 52% - bao gồm 25% thuế nhập khẩu ô tô, 25% cho hàng từ Trung Quốc, và 2.5% phạt do không tuân thủ hiệp định thương mại tự do mà Trump thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Để tránh chi phí tăng cao, Mercedes-Benz Group AG đang chạy đua nhập khẩu các mẫu xe cao cấp trước khi mức giá tăng dự kiến có hiệu lực, trong khi Volvo Car AB lên kế hoạch tăng sản xuất tại nhà máy ở Nam Carolina. Volkswagen AG đã cảnh báo các đại lý Mỹ rằng họ sẽ cộng thêm phụ phí liên quan đến nhập khẩu vào giá niêm yết của xe - về cơ bản chuyển gánh nặng chi phí sang người mua Mỹ.
Joerg Burzer, người phụ trách sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng tại Mercedes, tiết lộ rằng công ty vẫn đang đánh giá thuế quan để hiểu đầy đủ tác động.
"Chúng tôi đã có một số kế hoạch dự phòng", ông chia sẻ, "nhưng khả năng linh hoạt đang là yếu tố sống còn".
Một số công ty đã chuẩn bị kỹ hơn để thích ứng với thuế quan - hoặc đơn giản là họ gặp may về thời điểm. Clariant AG, tập đoàn hóa chất Thụy Sĩ, sẽ chuyển một phần sản xuất sang nhà máy mà họ sở hữu ở Florida. Trong khuôn khổ chiến lược đang triển khai nhằm sản xuất nhiều hơn tại Mỹ, Novartis đã công bố kế hoạch đầu tư vào 6 cơ sở sản xuất mới tại Mỹ và một trung tâm nghiên cứu ở California. Công ty sản xuất đồ uống protein Applied Nutrition của Anh đã mở rộng hoạt động tại Bắc Mỹ ngay trước khi thuế quan được áp dụng.
"Nếu cần thiết, chúng tôi có thể đẩy nhanh việc ra mắt dây chuyền sản xuất tại Mỹ. Công ty có thể thúc đẩy kế hoạch đó về cơ bản ngay lập tức nếu chúng tôi muốn", Giám đốc điều hành Tom Ryder khẳng định.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp không thể hoạt động bên ngoài quốc gia của họ, các lựa chọn trở nên hạn chế hơn nhiều.
Carl Elsener, Giám đốc điều hành của Victorinox AG - công ty sản xuất dao quân đội Thụy Sĩ nổi tiếng, cảnh báo rằng thuế quan có thể bóp nghẹt lợi nhuận của công ty. Victorinox không có ý định sản xuất dao quân đội Thụy Sĩ bên ngoài Thụy Sĩ, trong khi Mỹ lại là thị trường lớn nhất của họ, chiếm hơn 1/5 tổng doanh số toàn cầu.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng điều chỉnh giá ở mức độ nào mà không mất thị phần đáng kể", Elsener lo lắng.
![]() Dao quân đội của Victorinox |
Ngành công nghiệp vải tweed của Scotland cũng đang trong tình thế tương tự. Đã chịu nhiều tổn thất từ tác động của Brexit đối với doanh số bán hàng châu Âu, các nhà sản xuất giờ đây đang chuẩn bị đối mặt với một đòn giáng mới. Maxwell Alderton, Giám đốc tiếp thị và Chủ tịch khu vực Mỹ của thương hiệu quần áo nam Peter Christian, cho biết công ty đã buộc phải cắt giảm ngân sách tiếp thị ở thị trường Mỹ. Họ cũng áp dụng chương trình giảm giá 10% cho khách hàng tại Mỹ, được quảng cáo khéo léo là "thuế quan ngược".
Renzo Rosso, người sáng lập thương hiệu thời trang Diesel của Ý và chủ tịch công ty mẹ OTB Group PLC, thẳng thắn thừa nhận việc tăng giá tại Mỹ là không thể tránh khỏi.
"Tôi không có nhiều lựa chọn vào lúc này", ông nói. "Người tiêu dùng đang rất do dự trong việc mua sắm".
Tuy nhiên, Ryder, CEO của Applied Nutrition Plc, đã chỉ ra một khía cạnh tích cực tiềm tàng của cuộc chiến thương mại: Nếu các quốc gia đưa ra thuế quan trả đũa đối với sản phẩm Mỹ, các doanh nghiệp châu Âu có thể được hưởng lợi. Công ty của ông đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến trong phân phối tại Canada, và ông kỳ vọng sẽ đạt được thành công tương tự ở Nhật Bản và Trung Quốc.
"Các thương hiệu Anh có thể trở nên hấp dẫn hơn ở những thị trường đó khi sản phẩm Mỹ trở nên đắt đỏ hơn", ông nhận định.
![]() Ngành công nghiệp vải tweed của Scotland |
Trong một số trường hợp, các công ty châu Âu đã hoạt động tại Mỹ thậm chí có thể có lợi thế hơn so với các đối thủ Mỹ nhập khẩu vào nước này. Backmarket, công ty Pháp chuyên bán đồ điện tử và điện thoại thông minh tân trang, chứng kiến doanh số tại Mỹ tăng hơn gấp đôi chỉ trong vài ngày qua, theo chia sẻ của CEO Thibaud Hug de Larauze.
Nguyên nhân là do kỳ vọng tăng giá từ các công ty như Apple, vốn chịu tác động kép của thuế quan khi họ lắp ráp nhiều sản phẩm ở Trung Quốc sử dụng linh kiện sản xuất tại Mỹ, sau đó vận chuyển chúng trở lại Mỹ.
"Nếu đặt mình vào vị trí của một người tiêu dùng Mỹ, việc mua đồ tân trang vốn đã rẻ hơn so với mua mới", ông nói. "Bây giờ, khoảng cách đó sẽ trở nên lớn hơn rất nhiều".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)