Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt, giảm rủi ro thuế quan

date
28/04/2025 08:45

Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt, giảm rủi ro thuế quan

Tình trạng gia tăng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” để trốn thuế và lợi dụng ưu đãi thương mại khiến cơ quan chức năng phải đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt. Ảnh: LH

Ứng phó với tình trạng gian lận xuất xứ

Trước việc các thị trường nhập khẩu siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa, việc tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra và giám sát xuất xứ là cực kỳ cần thiết để bảo vệ hàng Việt.

Điều này không chỉ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động, nhất là trước quá trình đàm phán thuế quan với Mỹ.

Thực trạng gia tăng các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” để trốn thuế và lợi dụng ưu đãi thương mại, đã khiến các cơ quan chức năng phải đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT nhằm tăng cường quản lý nhà nước về kiểm tra và giám sát xuất xứ hàng hóa. Đây được xem là động thái kịp thời, không chỉ trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu siết chặt quy tắc xuất xứ, mà còn trong thời điểm căng thẳng thương mại leo thang vì chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước củng cố hoạt động sản xuất và phòng chống gian lận xuất xứ, đáp ứng yêu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ hay đối tác FTA. Đây là bước đi chủ động nhằm thích ứng với tình hình mới, hướng đến xây dựng thương mại cân bằng và bền vững.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã có quyết định thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và mã số REX từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo các chuyên gia kinh tế như TS. Huỳnh Thanh Điền, thương mại quốc tế hiện đang diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt khi Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong các cuộc đàm phán về thuế sắp tới, Mỹ sẽ yêu cầu Việt Nam kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét việc giảm thuế.

Hơn nữa, tất cả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang thực hiện yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các loại chứng nhận như C/O, CNM và mã số REX được coi là "hộ chiếu thương mại" của hàng hóa, đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và tuân thủ quy tắc xuất xứ theo các FTA. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn này, hàng hóa Việt Nam có thể bị đối tác nước ngoài đưa vào diện rà soát kỹ lưỡng.

Ông Điền nhấn mạnh rằng VCCI là tổ chức xã hội chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Việc chuyển giao thẩm quyền cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và xác minh xuất xứ hàng hóa. Điều này là cần thiết để ứng phó với tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng tinh vi, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động. Nó giúp giảm thiểu rủi ro về gian lận xuất xứ.

Dù có những lo ngại về việc thủ tục sẽ trở nên phức tạp và tốn thời gian cho doanh nghiệp, nhưng theo TS. Điền, với sự phát triển của công nghệ số hiện nay, doanh nghiệp sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định mới.

Đồng thời, quá trình này cũng sẽ giúp Nhà nước xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, từ đó quản lý tốt hơn vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa, điều này trở nên cấp thiết khi thị trường quốc tế ngày càng siết chặt các quy định về xuất xứ.

"Dù việc này có thể gây chậm trễ cho các doanh nghiệp, nhưng việc quản lý chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hóa là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho ngành dệt may cũng như nhiều lĩnh vực khác", Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex) Phạm Xuân Hồng nói.

Tìm nguyên vật liệu thay thế để tránh rủi ro về thuế

Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt. Ảnh: LH

Việc VCCI mất quyền cấp C/O, CNM có thể tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng hóa với nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện từ các hiệp hội ngành nghề cho rằng đây là bước đi cần thiết trong tình hình hiện nay.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào việc minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đơn cử là Thép Hòa Phát Dung Quất đã không bị áp thuế chống bán phá giá 12,1% từ EU nhờ khả năng chứng minh quy trình sản xuất nội địa hoàn toàn, không liên quan đến các thị trường bị điều tra.

Đối với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Agtex, nhấn mạnh Mỹ đang siết chặt việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa. Những nguyên phụ liệu nào có nguồn gốc từ Trung Quốc đều có thể bị phát hiện. Do đó, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguyên liệu thay thế, nhằm tránh những rủi ro từ chính sách thuế. Như tại Công ty VitaJean, với 35% nguyên liệu đến từ Trung Quốc, đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và nội địa để giảm thiểu rủi ro.

Ông Song Jae Ho, CEO Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), cho biết quyết định của Mỹ nhằm loại trừ sản phẩm có nguyên vật liệu từ Trung Quốc và công ty của ông hiện tự sản xuất từ sợi chứ không mua từ Trung Quốc.

Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng về quản trị nguồn gốc hàng hóa, tương tự như cách chứng minh xuất xứ khi xuất khẩu sang châu Âu. “Việt Nam nên đàm phán để có mẫu riêng cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.

Ngành gỗ có tỷ lệ nội địa hóa hơn 50%, việc này không khó khi nguyên liệu gỗ trong nước chiếm gần 60%,” ông Phương nói và cho rằng:"Ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu chất lượng từ Mỹ để bảo đảm tính hợp pháp".

Các chuyên gia chỉ ra, doanh nghiệp trong ngành gỗ, dệt may, da giày... không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng chiến lược mua nguyên liệu từ các nước khác trong khu vực, ngoài Trung Quốc hoặc tự phát triển trong nước. Yêu cầu minh bạch xuất xứ ngày càng trở nên quan trọng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA và tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Quản lý xuất xứ hàng hóa không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có nhiều biến động, nhận thức rõ ràng và chuẩn mực về vấn đề xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững.

Lê Hoàng

TBKTSG