Châu Âu chuẩn bị đối phó với làn sóng hàng hóa Trung Quốc sau thuế quan của Mỹ

date
04/04/2025 16:59

Châu Âu chuẩn bị đối phó với làn sóng hàng hóa Trung Quốc sau thuế quan của Mỹ

Quan chức EU cần sẵn sàng có các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hàng hóa giá rẻ trong “cơn ác mộng kinh tế”.

Một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm các nguy cơ kinh tế đối với châu Âu do tác động từ thuế quan của Donald Trump.

Tác động trực tiếp từ mức thuế 20% của Tổng thống Mỹ đối với các sản phẩm của EU đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng của các nhà sản xuất trong liên minh, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của Mỹ áp lên ô tô và thép.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của thuế quan mà Trump áp dụng lên các nền kinh tế như Trung Quốc và Việt Nam khiến Brussels hiện đang cảnh giác với việc các sản phẩm châu Á như hàng điện tử, thiết bị máy móc bị chuyển hướng vào thị trường của chính mình. Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị áp dụng các mức thuế khẩn cấp mới để ứng phó, các quan chức cho biết, đồng thời tăng cường giám sát dòng chảy nhập khẩu.

“Cú sốc thương mại ngay lập tức tại châu Á có khả năng sẽ dội ngược lại châu Âu”, Robin Winkler, nhà kinh tế trưởng phụ trách Đức của Deutsche Bank, nhận định. Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cố gắng bán nhiều sản phẩm hơn ở châu Âu và các nơi khác khi họ phải đối mặt với “bức tường thuế quan đáng gờm tại Mỹ”.

Châu Âu chuẩn bị đối phó với làn sóng hàng hóa Trung Quốc sau thuế quan của Mỹ

“Chúng ta sẽ phải áp dụng các biện pháp bảo vệ cho nhiều ngành công nghiệp hơn”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết. “Chúng tôi rất lo ngại rằng đây sẽ là một điểm căng thẳng khác với Trung Quốc. Tôi không kỳ vọng họ sẽ thay đổi mô hình xuất khẩu dư thừa của mình”.

Nhà ngoại giao này bổ sung rằng EU đã áp dụng mức thuế lên đến 35% đối với xe điện từ Trung Quốc và Brussels có thể sẽ phải tăng mức thuế “cao hơn nhiều” đối với sản phẩm khác.

EU và Trung Quốc có xích lại gần nhau hơn?

Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét sự biến động lớn của thương mại toàn cầu sau khi chính quyền Trump gây sốc cho các đối tác thương mại của Mỹ với quy mô và phạm vi của cái gọi là thuế quan “đối ứng”. Các biện pháp này đã đưa mức thuế hiệu quả của Mỹ lên một mức chưa từng thấy kể từ năm 1909, theo Yale Budget Lab.

EU nằm trong số các nền kinh tế phải chịu thuế cao hơn so với mức cơ bản 10% mà Nhà Trắng áp dụng đối với tất cả đối tác, ngoại trừ Canada và Mexico.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chịu tác động nặng nề hơn với mức thuế “đối ứng” 34%, cộng thêm mức thuế 20% đã được Tổng thống Mỹ áp đặt trước đó. Trump cũng nhắm vào các quốc gia mà qua đó các công ty Trung Quốc chuyển hướng sản phẩm sang Mỹ, bao gồm Việt Nam phải chịu mức thuế mới lên tới 46%.

Bắc Kinh đối mặt với mức thuế “đối ứng” 34%, cộng thêm mức thuế 20% đã được Tổng thống Mỹ áp đặt trước đó. Ảnh: AFP/Getty Images

Các nhà phân tích dự đoán biện pháp trừng phạt này có thể thúc đẩy EU và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Brussels nhiều tháng qua vẫn căng thẳng trước nguy cơ các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách tăng thị phần thông qua giảm giá, khi đối mặt với những rào cản khắc nghiệt mà Mỹ dựng lên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng mức thuế cao đối với các quốc gia châu Á có thể khiến họ chuyển hướng năng lực dư thừa sang châu Âu, dẫn đến những “hậu quả nghiêm trọng” cho ngành công nghiệp của lục địa này.

Andrzej Szczepaniak, nhà kinh tế thuộc Nomura, nhận định mức thuế áp lên Trung Quốc “cao hơn nhiều so với dự đoán của chúng tôi”. Kết quả là nguy cơ “bán phá giá hàng hóa tại châu Âu” từ phía Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.

Điều này có thể làm giảm lạm phát, dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất nhanh hơn và nhiều hơn.

EU từng phải đối mặt với áp lực tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Brussels đã áp mức thuế “bảo vệ” 25% đối với nhập khẩu thép vượt hạn ngạch vào năm 2018 sau khi Trump dùng biện pháp tương tự nhằm ngăn sản phẩm từ các nước xuất khẩu như Trung Quốc bị chuyển hướng vào thị trường chung do rào cản tại Mỹ.

Một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Châu Âu nói: “Chúng tôi có thể đóng cửa thị trường do sự gia tăng đột ngột không mong đợi của nhập khẩu”. Ông bổ sung: “Chúng tôi đã làm điều đó với thép trong một thời gian dài và sẽ xem liệu chúng tôi có cần làm điều đó cho các lĩnh vực khác hay không”.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn đối với dược phẩm hữu cơ của EU

Không dễ ứng phó với hàng hóa từ Trung Quốc

Tuy nhiên, kinh nghiệm trước đây cho thấy việc đối phó với sản xuất được trợ cấp của Trung Quốc là vô cùng khó khăn.

Sản lượng thép của EU đã giảm trong năm 2024, trong khi các quốc gia khác tiếp tục mở rộng sản xuất, theo dữ liệu từ OECD. Các số liệu mới nhất cho thấy công suất dư thừa thép toàn cầu dự kiến tăng từ 602 triệu tấn vào năm 2024 lên 721 triệu tấn vào năm 2027 - gấp hơn 5 lần sản lượng thép của EU.

“Tình trạng không bền vững này chỉ ra những thiếu sót trong các biện pháp bảo vệ của EU, khi không giải quyết được sự mất kết nối ngày càng tăng giữa lượng nhập khẩu được phép vào thị trường EU và nhu cầu thực tế” Axel Eggert, Tổng giám đốc nhóm ngành công nghiệp Eurofer, nhận định.

Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Ifo - một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Đức, cho rằng những tác động nặng nề mà Trump dự kiến áp đặt lên Trung Quốc sẽ là “cú đòn kép” đối với ngành công nghiệp Đức. Các quốc gia châu Á sẽ cố gắng bán nhiều hơn ở các thị trường khác, gây thêm áp lực lên các công ty Đức; đồng thời họ cũng có khả năng mua ít hàng hóa sản xuất tại Đức hơn do những khó khăn kinh tế nội tại của mình.

Tất cả điều này xảy ra cùng lúc với mối đe dọa đối với các nhà sản xuất ở Đức và các quốc gia khác. Với nền kinh tế Đức vốn đã trì trệ, rất có khả năng các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể đẩy nước này trở lại tình trạng suy thoái, Fuest bổ sung. “Cơn ác mộng kinh tế tồi tệ nhất của châu Âu vừa trở thành hiện thực”, Carsten Brzeski, Giám đốc Toàn cầu về Kinh tế Vĩ mô tại ING, đánh giá.

Quốc An (Theo FT)

fili - 15:57:59 04/04/2025