Chủ tịch BAF nói về mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm: Cạnh tranh là tất yếu, phải làm thật nhanh

date
23/04/2025 20:02

Chủ tịch BAF nói về mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm: Cạnh tranh là tất yếu, phải làm thật nhanh

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức vào sáng ngày 23/04, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) đã giải đáp thắc mắc của cổ đông liên quan đến tình hình cạnh tranh nếu như Doanh nghiệp đạt được mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030.

Kế hoạch nâng tổng đàn lên 10 triệu heo vào năm 2030 đã liên tục được BAF nhắc đến trong các buổi tiếp xúc cổ đông thời gian qua. Ngay trong ĐHĐCĐ 2025, Doanh nghiệp thêm một lần nhắc lại mục tiêu này.

Dù vậy, mục tiêu được xem là rất tham vọng nhận về một số phản hồi từ cổ đông, trong đó, có ý kiến cho rằng trường hợp lên được 10 triệu heo có thể dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trên thị trường.

Chủ tịch HĐQT BAF Trương Sỹ Bá

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá thừa nhận mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm là một thách thức lớn, nhưng không bất khả thi.

“BAF hướng đến mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm trong bối cảnh hiện ngành chăn nuôi trong nước hiện đang gặp phải dịch tả heo châu Phi (ASF) hoành hành phức tạp. Gần như toàn Việt Nam thời gian qua chịu ảnh hưởng rất lớn. Nguồn cung heo của thị trường giảm rất nhiều, thực tế giá heo hơi tăng vì cung không đủ cầu” – trích lời Chủ tịch “heo ăn chay”.

Vì dịch bệnh cùng Luật chăn nuôi có hiệu lực vào đầu năm 2025, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Bá dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện tại tỷ trọng chăn nuôi heo nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 50%, trong khi trước thời điểm bùng phát dịch ASF lên tới 70%.

“Mục tiêu 10 triệu heo thực tế hướng tới lấy đi phần giảm của nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ. Và phải lấy thật nhanh, vì nếu không nhanh thì bên khác sẽ lấy mất. Đến 2030, dự báo tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 30%, nghĩa là giảm đi khoảng 20 triệu con. BAF chỉ đặt mục tiêu lấy 10 triệu, còn lại xin nhường bên khác” – trích lời ông Sỹ Bá.

Chủ tịch BAF nhận định, Doanh nghiệp đang thực hiện những bước đi tổng lực để mở rộng quy mô, đồng thời thừa nhận ở quy mô này tính cạnh tranh là rất khốc liệt. Tuy nhiên, sự cạnh tranh hạ nhiệt vì tính chu kỳ của ngành.

“Chu kỳ ngành chăn nuôi heo trước dịch ASF là rất ngắn, chỉ 1 năm hoặc nửa năm, và trong đó thường dẫn đến xu hướng giảm giá nhiều hơn tăng giá. Nhưng sau ASF, nguồn cung giảm bớt, tính chu kỳ dài hơn, có thể lên tới 2-3 năm. Sóng chu kỳ tăng giá sẽ nhiều hơn, và là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư” – theo ông Bá.

Cũng theo Chủ tịch “heo ăn chay”, việc cạnh tranh trong tương lai là tất yếu, cũng đồng thời là động lực để phát triển.

“Trong bối cảnh an toàn sinh học, BAF đã mạnh tay đầu tư, hợp tác với tập đoàn lớn để đảm bảo an toàn. BAF hướng đến phát triển bền vững, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Từ những đầu tư như vậy, chúng tôi phải quản trị đàn heo rất tốt. Khó lòng ngăn 100%, nhưng tỷ lệ nhiễm giảm là đã chiến thắng. BAF làm rất nhiều việc để tối ưu hoá chăn nuôi, tăng năng suất để làm giá thành tối ưu. Thực tế, cạnh tranh khốc liệt với các công ty lớn là chưa có, chưa thực sự cạnh tranh mạnh vì nếu có cạnh tranh thì giá phải giảm”.

Châu An

FILI - 19:00:29 23/04/2025