Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: "Mục tiêu đến năm 2028, SHB sẽ là ngân hàng số 1 về hiệu quả"
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào chiều 22/04 tại Hà Nội. Tại đó, SHB dự kiến trình cổ đông thông qua các nội dung chính gồm kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận 2024, tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
![]() Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu mở màn đại hội |
Tính đến 14h11’ ngày 22/04/2025, SHB ghi nhận tổng cộng 1,551 cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025, bao gồm 929 cổ đông trực tiếp và 622 cổ đông ủy quyền. Tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được xác nhận là 2.35 tỷ cổ phần phổ thông, tương đương gần 64.2% tổng số vốn điều lệ có quyền tham dự Đại hội. Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của SHB, Đại hội đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển, gửi lời chào mừng tới toàn thể cổ đông đã có mặt đông đủ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của SHB. "Không khí hôm nay thật trang trọng. Số lượng cổ đông tham dự đại hội rất lớn, theo ước tính ban đầu là khoảng 1,500 người, và có thể còn đông hơn. Điều đó thể hiện niềm tin, sự yêu mến và đặc biệt là sự đồng hành rất tích cực của các cổ đông dành cho SHB", ông chia sẻ.
Theo ông Hiển, thời điểm hiện tại, cả nước đang hân hoan kỷ niệm những sự kiện trọng đại của dân tộc. Và chúng ta cũng đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, của đất nước. Trong bối cảnh ấy, đại hội hôm nay không chỉ là một sự kiện thường niên mà còn mang ý nghĩa rất lớn. Đây là một đại hội của một công ty đại chúng rất lớn, có lượng cổ đông đông đảo, thể hiện quy mô, tầm vóc và sự phát triển mạnh mẽ của SHB.
"Tôi xin chúc toàn thể quý vị đại biểu, quý vị cổ đông dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Và đặc biệt, chúc quý vị 'đầu tư đâu, trúng đó - hàng về rồi!'", Chủ tịch SHB nói.
Thảo luận:
Quản trị rủi ro luôn là ưu tiên của SHB
SHB dùng khá nhiều vốn từ Interbank. Tôi mong ngân hàng chia sẻ vì sao lại sử dụng nguồn này nhiều như vậy?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Điều hành vốn thì đương nhiên phải tuân thủ các tỷ lệ, thứ nhất là chuẩn ngân hàng quốc tế, thứ hai là quy định của NHNN. Đồng thời phát huy các kênh, các nguồn vốn để đảm bảo lãi suất và điều hành vốn một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích tối ưu cho ngân hàng và cổ đông, vẫn tuân thủ các quy định một cách an toàn và hiệu quả.
Tổng tài sản của SHB theo kế hoạch là sẽ đạt 850,000 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết năm 2026 thì SHB sẽ lọt vào top 100 ngân hàng có tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng, nhưng đương nhiên chúng tôi không phải chạy theo quy mô mà luôn luôn phải đảm bảo các chỉ số tài chính an toàn, hiệu quả và lợi ích của các cổ đông.
Cổ đông đề xuất trích một phần lợi nhuận (vài trăm tỷ đồng từ hơn 9,000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại) để thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Quỹ này sẽ hỗ trợ các cổ đông có ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu thị trường, và nếu được thị trường chấp nhận thì các sản phẩm/dịch vụ này sẽ vay vốn ngân hàng để phát triển và trả lại sau.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Tôi cũng là thành viên hội đồng sáng khảo quốc gia và đang tích cực nghiên cứu hình thành các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. SHB luôn đồng hành với công tác xã hội, từ thiện và đổi mới sáng tạo. Ngân hàng sẵn sàng đồng hành với các sáng kiến và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới khoa học công nghệ.
![]() Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển |
Cổ đông muốn biết quan điểm của Chủ tịch Hiển về nội lực kinh tế Việt Nam năm nay và năm sau khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, đặc biệt khi ngoại lực có thể gặp khó khăn?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Về hợp tác với Mỹ, tôi đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ. Hai bên đã trao đổi cụ thể trên nhiều lĩnh vực từ nông sản, năng lượng đến máy bay và động cơ máy lạnh. Chúng tôi bàn bạc về các điều chỉnh cần thiết để tiếp tục hợp tác hiệu quả. Từ những kết quả đó, tôi tin tưởng SHB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay.
SHB đã đầu tư như thế nào vào công nghệ để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác và cung cấp các sản phẩm dịch vụ linh hoạt, thu hút khách hàng lớn?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Về công nghệ, mục tiêu chiến lược của SHB là trở thành ngân hàng số một về hiệu quả và là ngân hàng công nghệ được yêu thích nhất. Chúng tôi tập trung vào bốn trụ cột: khách hàng - thị trường là trung tâm, con người là cốt lõi, công nghệ là động lực chuyển đổi và cải cách cấu trúc tổ chức. SHB sẽ sớm đưa ra những sản phẩm - dịch vụ hiện đại, tiện ích, giúp khách hàng và chuyên viên ra quyết định nhanh chóng.
Mức tăng trưởng tín dụng tối đa có thể đạt được trong năm nay nếu điều kiện thuận lợi? Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, SHB có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn bao nhiêu?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhu cầu thị trường cao và chính sách điều hành phù hợp, SHB hoàn toàn có thể tăng trưởng tín dụng vượt mức 16% nhờ tệp khách hàng lớn, hệ sinh thái chuỗi cung ứng và nhu cầu tín dụng đang lên.
Thứ hai, SHB hiện cũng đang tích cực chuẩn bị và sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để thu hút nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ cho phát triển ổn định và bền vững.
Quản trị rủi ro luôn là ưu tiên của SHB. Chúng tôi thực hiện theo chuẩn quốc tế và đang tập trung quyết liệt vào việc xử lý, thu hồi nợ xấu và nợ quá hạn. Đây là mục tiêu quan trọng không kém gì phát triển kinh doanh.
SHB đánh giá như thế nào về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, mức độ an toàn tài chính, tình hình dư nợ bất động sản và triển vọng ngành bất động sản hiện nay?
Bà Ngô Thu Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SHB: Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, SHB hiện đang ở mức gần 70%. Tỷ lệ này được tính trên cơ sở phần dự phòng đã trích lập, dựa vào giá trị tài sản đảm bảo. Tôi nhấn mạnh rằng, tuy tỷ lệ bao phủ của SHB hiện tại là thấp, nhưng vẫn rất an toàn. Vì sao? Thứ nhất, theo báo cáo tài chính, tổng giá trị tài sản đảm bảo của SHB hiện nay là hơn 1.2 triệu tỷ đồng, trong khi phần dư nợ chỉ chiếm khoảng 47% trên giá trị đó. Điều này cho thấy tài sản đảm bảo của SHB là rất lớn, vượt xa tổng dư nợ. Khi có nợ xấu xảy ra, giá trị tài sản đảm bảo có thể bù đắp phần lớn.
Chúng tôi cũng cam kết việc trích lập dự phòng nợ xấu được tính toán đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật.
![]() Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà |
Về tình hình dư nợ SHB trong lĩnh vực bất động sản, năm 2024 chiếm 24.5% tổng dư nợ, hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án.
Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại SHB hiện nay là rất thấp, chỉ chiếm 0.1% trên tổng dư nợ toàn ngân hàng. Riêng với khoản dư nợ bất động sản khoảng 127,000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0.5%. Các dự án mà SHB tài trợ đều được thẩm định kỹ lưỡng và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, an toàn.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển bổ sung thêm: Còn về triển vọng ngành bất động sản, chúng tôi cho rằng là rất tốt. Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế và bất động sản. Tất nhiên, sẽ có những thời điểm thị trường biến động, nhưng về dài hạn thì rất tiềm năng.
Nhu cầu của người dân Việt Nam về nhà ở, thương mại, dịch vụ và giải trí hiện vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Đây chính là dư địa để thị trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Do đó, bất động sản Việt Nam nói chung và các dự án bất động sản do SHB tài trợ nói riêng đều là những khoản đầu tư tiềm năng, hiệu quả và an toàn.
Mục tiêu đến năm 2028, SHB sẽ là ngân hàng số 1 về hiệu quả
SHB đang triển khai chiến lược phát triển tín dụng, chuyển đổi số và mở rộng hợp tác chiến lược ra sao để hướng đến mục tiêu dài hạn và đảm bảo tăng trưởng bền vững, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ bên ngoài như chính sách thuế của Mỹ?
Bà Ngô Thu Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/03/2025 đạt 7.8%. Động lực để đạt được con số này đến từ chiến lược phát triển rất rõ ràng, tập trung vào các khách hàng chiến lược - gồm khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng sinh thái là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với khách hàng bán lẻ.
Với chiến lược đó, SHB đã đẩy mạnh rất nhiều giải pháp, sản phẩm để phục vụ các phân khúc khách hàng này trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, định hướng tăng trưởng tín dụng của SHB cũng nằm trong các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đang thúc đẩy như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao, logistics. SHB hiện có danh mục khách hàng lớn hoạt động trong các lĩnh vực này, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và SME. Với các chiến lược và định hướng rõ ràng như vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB bổ sung thêm: Trong chiến lược phát triển dài hạn, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2028, SHB sẽ là ngân hàng số 1 về hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng mô hình ngân hàng tương lai - một mô hình ngân hàng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, và tiến tới là khu vực.
Chúng tôi triển khai chiến lược "bán lẻ trong bán buôn", tức là tập trung vào các khách hàng lớn có hệ sinh thái và chuỗi cung ứng. Trong chiến lược đó, SHB ưu tiên nguồn lực vào những lĩnh vực động lực phát triển. Nhưng phát triển phải đi đôi với an toàn - SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu một cách chặt chẽ.
Về vấn đề thuế của Mỹ, cách đây một tuần, tôi trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ ngay tại văn phòng. Chúng tôi đã trao đổi không chỉ về các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam nói chung mà còn về lĩnh vực ngân hàng và SHB nói riêng.
Tôi xin trấn an quý vị cổ đông: thứ nhất, việc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ đã tìm ra những giải pháp phù hợp để cân bằng lợi ích giữa các bên, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ. Thứ hai, đối với SHB, khách hàng xuất khẩu là nhóm khách hàng quan trọng và chúng tôi đã đánh giá rõ về tỷ trọng và mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế Mỹ là không lớn.
Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan. Ngân hàng đã xây dựng các kịch bản ứng phó, dù tác động nhỏ vẫn phải lường trước và có phương án, vì không chỉ lo cho Ngân hàng mà luôn đồng hành cùng doanh nghiệp - doanh nghiệp phát triển thì SHB mới phát triển.
Về hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài, SHB đã và đang làm việc với một số đối tác quốc tế có tiềm năng trở thành nhà đầu tư chiến lược. Họ rất quan tâm. Nhưng tôi cũng từng chia sẻ rồi: "SHB là một cô dâu xinh đẹp và tài năng - không thể ai cũng có thể đến được, mà phải là người xứng đáng".
Chúng tôi đặt ra các tiêu chí rất cụ thể: không phải chỉ có hình thức "nhà đầu tư chiến lược nước ngoài" là được, mà còn phải có giá trị thực - về quản trị điều hành, về vốn, về sự đồng hành lâu dài. Họ phải mang lại lợi ích cho SHB, cho cổ đông và cả chính họ. Chúng tôi đang xúc tiến chiến lược này một cách nghiêm túc. Và chắc chắn, khi có nhà đầu tư chiến lược, họ sẽ là người xứng tầm, đáp ứng các mục tiêu và cùng SHB phát triển đúng nghĩa là đối tác chiến lược.
Hoàn tất việc chuyển nhượng 50% cổ phần tại SHBFinance trước 30/06 nếu thuận lợi
Kế hoạch chuyển nhượng 50% cổ phần còn lại tại công ty tài chính SHB (SHBFinance)?
Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh: Hiện nay, tôi đang phụ trách thực hiện nốt giao dịch chuyển nhượng 50% cổ phần còn lại của công ty tài chính tiêu dùng sang cho một ngân hàng của Thái Lan. Đây là định hướng của HĐQT nhằm chuyển nhượng sớm hơn để mang lại một nguồn thẩm thấu vốn tốt hơn cho SHB trong năm nay và năm 2025, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và cổ đông.
Chúng tôi đang đàm phán với đối tác và thực hiện các thủ tục để nộp lên Ngân hàng Nhà nước. Rất mong được sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý để sớm hoàn tất quá trình chuyển nhượng này. Theo dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, quá trình sẽ hoàn thành trước ngày 30/06/2025. Tuy nhiên, cũng có thể thời gian phê duyệt sẽ kéo dài hơn, nên chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025 có thể thực hiện được mục tiêu này.
![]() Phó Chủ tịch SHB Đỗ Quang Vinh |
Tinh thần của SHB là chuyển nhượng phần còn lại càng sớm càng tốt. Điều này giúp nâng cao năng lực tài chính cho công ty tài chính tiêu dùng của SHB; phát triển mảng tài chính tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vốn của người dân ở vùng sâu, vùng xa; và thiết lập hợp tác chiến lược với nhà đầu tư có kinh nghiệm quản trị. Đó sẽ là lực đẩy để SHB tăng cường phát triển bán lẻ, đồng hành cùng các công ty tài chính tiêu dùng chuyên nghiệp.
Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ hoàn tất việc chuyển nhượng trước 30/06/2025.
Năm 2024, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đã chia sẻ kế hoạch sẽ khởi công trụ sở mới của Ngân hàng. Hiện, SHB đã khởi công chưa, có khó khăn hay vướng mắc gì không?
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Năm ngoái tôi có hứa với quý vị, năm nay thì kết quả khả quan hơn. Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua các chỉ tiêu quy hoạch cho trụ sở mới của SHB, với chiều cao 14 tầng.
Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng về mặt xây dựng. Với một vị trí đất "kim cương" mà SHB đã đầu tư mua, cùng với sự chấp thuận của thành phố, đây là một vị trí rất đẹp.
Diện tích đất là 2,200 m². Với quy hoạch được duyệt là 14 tầng, chúng tôi sẽ xây dựng không chỉ là một trụ sở ngân hàng mà còn là một trung tâm tài chính - ngân hàng hiện đại ngay tại trung tâm thành phố, qua đó khẳng định thương hiệu và giá trị của SHB.
Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay chúng tôi sẽ khởi công. Dĩ nhiên, vẫn phải hoàn tất các thủ tục xây dựng theo đúng quy định pháp luật và được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.
Ban lãnh đạo SHB phản hồi ra sao trước các kiến nghị liên quan đến chia cổ tức, định giá cổ phiếu, công tác truyền thông?
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: Trước đề xuất của nhiều cổ đông về việc chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu, thậm chí có ý kiến mong được chia ngay trước ngày 31/12/2025 hoặc sớm hơn trong tháng 9 hay tháng 10, tôi rất cảm ơn sự quan tâm và đồng hành của quý vị. Chúng tôi ghi nhận đầy đủ. SHB luôn mong muốn chia cổ tức khi đại hội cổ đông đã thông qua.
Về mặt điều hành, chúng tôi rất sẵn sàng và sẽ tích cực triển khai để chia sớm nhất có thể. Không chỉ là trước tháng 10, mà có thể còn sớm hơn, trước tháng 9 cũng được. Cổ đông yên tâm, vì chúng tôi luôn đặt lợi ích cổ đông làm trọng tâm. SHB là ngân hàng lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm, nhưng luôn trên cơ sở bảo đảm lợi ích của cổ đông.
Về câu chuyện giá cổ phiếu, tôi rất phấn khởi khi cổ đông đánh giá tích cực về SHB, nhưng cũng nêu thực trạng là giá trị trên thị trường đang thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của ngân hàng. Tôi đồng tình và cho rằng với kết quả hoạt động, các chỉ số tài chính, kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; lịch sử phát triển, mục tiêu tương lai của SHB - nhất là kết quả năm 2024, kế hoạch 2025 và các năm tiếp theo - thì quý vị cổ đông, là các nhà đầu tư, hoàn toàn có thể tự đánh giá được.
Tôi xin khẳng định, giá trị thực của SHB cao hơn rất nhiều so với giá trị trên sàn chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, mỗi người có đánh giá và quyết định đầu tư riêng. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng.
Về công tác truyền thông, tôi tiếp thu ý kiến đóng góp từ cổ đông. Đúng là truyền thông của SHB thời gian qua chưa phát huy hết giá trị - chưa làm nổi bật được các hoạt động, kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính, chiến lược, công nghệ, và chuyển đổi số của ngân hàng. Chúng tôi vốn có thói quen "nói ít, làm nhiều". Nhưng cổ đông nói đúng - đã làm được thì phải nói, phải chia sẻ. Do đó, tôi đề nghị Ban điều hành tiếp thu ý kiến này, và sẽ tăng cường công tác truyền thông với tinh thần “nói thật, làm thật”.
Chúng ta không đánh bóng, mà phải phản ánh đúng giá trị thực của SHB, để cổ đông, nhà đầu tư và các đối tác hiểu rõ hơn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, mở rộng hợp tác quốc tế và huy động vốn trong và ngoài nước.
Cổ tức 2024 tổng tỷ lệ 18%, lần thứ 2 liên tiếp có tiền mặt
Năm 2024, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 11,569 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9,132 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền mặt (tương đương gần 2,033 tỷ đồng) và 13% bằng cổ phiếu (tương đương phát hành 528.5 triệu cp mới).
Đây là năm thứ 2 liên tiếp SHB chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia cổ phiếu kể từ 2015. CTCP Tập đoàn T&T, cổ đông lớn nhất sở hữu 7.846% vốn SHB, dự kiến nhận khoảng 160 tỷ đồng cổ tức.
Sau đợt chia cổ tức cổ phiếu 13%, SHB sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 40,657 tỷ đồng lên 45,942 tỷ đồng. Cổ phiếu trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Việc phát hành dự kiến thực hiện trong năm 2025 sau khi hoàn tất thủ tục với NHNN và UBCKNN.
Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 14,500 tỷ đồng
Về kế hoạch tài chính năm 2025, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 832,221 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 617,624 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 14,500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước - mức cao nhất trong lịch sử nếu đạt được.
Kết quả lãi trước thuế hàng năm của SHB từ khi công bố thông tin đến nay |
SHB vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 đạt gần 4,400 tỷ đồng, thực hiện được 30% kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất đạt 790,742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024; dư nợ tín dụng đạt 575,777 tỷ đồng, tăng 7%. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chủ lực, gắn với định hướng phát triển bền vững.
Tăng tốc chuyển đổi số, bầu bổ sung thành viên HĐQT
Ngân hàng xác định chuyển đổi số và tăng trưởng quy mô phải đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động. SHB đặt trọng tâm trong năm 2025 vào các giải pháp như áp dụng hệ thống quản trị bán hàng tích hợp, phát triển kênh số hóa bảo mật cao, ứng dụng AI, Big Data và RPA để nâng cao năng lực phân tích, kiểm soát rủi ro và cá nhân hóa dịch vụ. Giai đoạn từ 2026, SHB hướng tới tích hợp toàn diện hệ sinh thái tài chính - số - khách hàng.
Chiến lược phát triển của SHB được triển khai trên 4 trụ cột: cải cách cơ chế, chính sách theo chuẩn quốc tế; con người là trung tâm đổi mới; khách hàng là kim chỉ nam; chuyển đổi số là đòn bẩy tăng trưởng. Để hiện thực hóa chiến lược này, ngân hàng xây dựng 6 nhóm giải pháp: quản trị điều hành; tài chính xanh - phát triển bền vững; phát triển khách hàng; chính sách quản trị rủi ro; tổ chức nhân sự; và chuyển đổi số.
Tại đại hội, SHB cũng trình cổ đông bầu bổ sung một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Ngày 01/04/2025, Ngân hàng nhận được đề cử từ nhóm cổ đông có quyền đề cử, giới thiệu ông Phan Đăng Tuất làm thành viên HĐQT độc lập.
Theo báo cáo quản trị năm 2024, HĐQT SHB có 6 thành viên, không bao gồm ông Đỗ Đức Hải và ông Haroon Anwar Sheikh đã được miễn nhiệm từ ngày 25/04/2024. Hiện HĐQT gồm Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh và 4 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
SHB cũng trình phương án niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2025-2026 nhằm tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu cho vay. Ngoài ra, Ngân hàng sẽ thông qua phương án khắc phục trong trường hợp bị can thiệp sớm, bao gồm mục tiêu, yêu cầu, biện pháp xử lý và lộ trình triển khai khi cần thiết.
Theo ghi nhận tại sự kiện, SHB tiếp tục duy trì chính sách tặng quà cho cổ đông tham dự Đại hội như năm trước. Cụ thể, mỗi cổ đông có mặt trực tiếp được nhận một phong bì tiền mặt trị giá 200,000 đồng. Ước tính, ngân hàng sẽ chi hơn 310 triệu đồng cho phần quà này tại ĐHĐCĐ năm nay. |
Trực tuyến
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Thế Mạnh