Chủ tịch SGT Đặng Thành Tâm: Thuế quan là cơ hội để Việt Nam tăng cường sự tự chủ và sức mạnh nội tại
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HOSE: SGT) nói về những góc nhìn tích cực trước tình hình thuế quan Mỹ áp lên hàng xuất khẩu của Việt Nam.
![]() Chủ tịch HĐQT SGT Đặng Thành Tâm chia sẻ về tình hình thuế quan tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.Ảnh chụp màn hình |
Ông Đặng Thành Tâm cho rằng đối với thuế quan, sự hoang mang là rất lớn, thể hiện thông qua thị trường chứng khoán gần như mất mọi thành quả đã xây dựng trước đây. Tuy vậy, cần nhìn vào thực tế, xem khía cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong hoàn cảnh mới như thế nào.
Sau khi trao đổi với các đối tác bên Mỹ, ông Tâm nhận thấy bản chất của đợt sóng gió này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam vươn mình lên một cách tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Trong quá trình này, Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào các nền kinh tế khác. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều nhưng lại lệ thuộc vào nguyên vật liệu của các nước thứ ba.
Chủ tịch SGT cho biết đã kiến nghị với cơ quan Nhà nước làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị gia tăng toàn cầu, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam.
Hàng rào thuế quan sẽ xây dựng bức tranh mới về tiêu chuẩn hàng hóa toàn cầu, làm thay đổi cục diện sản xuất ở nhiều khu vực. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần phân tích rất kỹ và chọn con đường thích hợp. Chính cơ hội này sẽ làm cho Việt Nam tăng cường sự tự chủ, tăng sức mạnh nội tại, giúp Việt Nam đi đường dài tốt hơn.
"Sự chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam chỉ dành cho những ai đủ sức mạnh, đủ ý chí, đủ nghị lực, đủ niềm tin, sự nhiệt tình và lòng yêu nước thì mới có thể thực hiện được", lời ông Tâm.
"Vì vậy, ngay trong những cổ đông của SGT cần nhận thức một cách sâu sắc, không có gì phải lo sợ. Việc bán tháo cổ phiếu sẽ tạo ra trào lưu hoảng loạn, làm mất niềm tin chính trong nội bộ của Việt Nam. Muốn hay không muốn thì Việt Nam vẫn phát triển, muốn hay không muốn người dân vẫn sống và làm việc. Với tinh thần chăm chỉ và ý chí quật cường thì chắc chắn Việt Nam sẽ vươn lên".
SGT coi đây là cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển và mở rộng hợp tác với đối tác khác. Hiện tại lãnh đạo chưa thể công bố nhưng trong thời gian tới SGT sẽ ký MOU với một khách hàng rất lớn về công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Trong quý 1/2025, SGT đã đạt phần lớn mục tiêu đề ra. Lợi nhuận khoảng 20% vốn điều lệ. Ông Tâm đánh giá đây là con số rất lớn trong tình hình hiện nay. Kết quả quý 2 chắc chắn cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Sang đến quý 3, ban lãnh đạo sẽ xem xét theo lộ trình đàm phán của thuế quan. Nhìn một cách tổng thể, kể cả Mỹ nếu áp thuế cao với Việt Nam cũng chưa chắc có lợi, việc áp thuế là nhằm mục đích để Việt Nam mở cửa thị trường nhiều hơn cho doanh nghiệp Mỹ bán hàng.
Ông Tâm nhận định năm nay kế hoạch tăng trưởng của Chính phủ là 8%, có thể sẽ không được nhưng chắc chắn không dưới 6%. Đây là con số lớn so với các nước xung quanh. Nhìn về bức tranh tổng thể thì vị thế của Việt Nam sẽ tốt hơn. Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển bền vững, phát triển xanh nhờ chính sách sắp tới của Nhà nước dành cho phát triển điện mặt trời và điện gió rất lớn. Đây sẽ là lợi thế khi cung cấp điện cho các công ty công nghệ cao. Dù nhiều nước chưa bắt buộc nhưng các hãng lớn như Apple, Samsung đã cam kết sẽ ngày càng tăng tỷ lệ xanh trong sản phẩm của họ.
SGT cũng hướng đến xây dựng khu công nghiệp (KCN) xanh trên cơ sở xin chính quyền một số khu vực phù hợp để triển khai điện mặt trời, qua đó làm ra vài trăm MW cho các hoạt động tại KCN.
Chủ tịch SGT đánh giá năm 2025 dù có rất nhiều thách thức nhưng những thách thức này sẽ tôi luyện doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, sau cơn bão thì càng vững vàng. Nhìn những năm qua, SGT phát triển khá chậm rãi và không đạt kỳ vọng. Đôi khi nhìn vào biểu đồ hoạt động kinh doanh, ông lo lắng về tương lai Công ty trước những cơn bão lớn. Nhưng ông cho biết tin tưởng vào các công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, các dự án đã hoàn thành và bắt đầu gặt hái trong năm nay.
SGT định hướng sẽ thu hút nhà đầu tư từ châu Âu hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang châu Âu chứ không chỉ tập trung ở một thị trường nhất định. Hoặc nếu không tăng xuất khẩu thì chỉ cần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước, tăng công ăn việc làm cho người dân, tăng lợi ích quốc gia.
Mục tiêu lãi trước thuế tăng 82%, huy động gần 1.5 ngàn tỷ từ cổ đông để trả nợ
Năm 2025, ban lãnh đạo SGT đặt mục tiêu tổng doanh thu 3,000 tỷ đồng và lãi trước thuế 400 tỷ đồng, lần lượt tăng 62% và 82% so với mức thực hiện của năm 2024.
Tuy nhiên cần lưu ý là mức thực hiện kế hoạch 2024 của SGT chỉ đạt hơn 47% đối với chỉ tiêu doanh thu và gần 49% đối với chỉ tiêu lãi trước thuế.
Với hơn 7 KCN, cụm công nghiệp (CCN) đã có chứng nhận đầu tư và đang đồng loạt triển khai, ban lãnh đạo SGT dự kiến mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại nhiều doanh thu cho SGT. Theo đó, Công ty sẽ tập trung triển khai các KCN sau: KCN Đại Đồng Hoàn Sơn – Giai đoạn 2 (Bắc Ninh), CCN Tân Phú 1 và 2 (Thái Nguyên), CCN Lương Sơn (Thái Nguyên), KCN Nam Tân Tập (Long An), KCN Tân Tập (Long An), nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, văn phòng cho thuê tại tòa nhà văn phòng Saigon ICT 1 và 2 tại công viên phần mềm Quang Trung.
Đồng thời trong năm, SGT sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quỹ đất tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ với hình thức đầu tư dự án đa dạng như khu kinh tế chuyên biệt, KCN sinh thái, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp.
Đối với mảng bất động sản đô thị, dự án nhà ở xã hội Bàu Tràm SGT hợp tác với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng ước tính mang về 149 tỷ đồng doanh thu và gần 8 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm 2025. Còn dự án tại số 300A-B Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM) và khu đô thị thị trấn Hậu Nghĩa (Long An) sẽ chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
SGT đặt mục tiêu doanh thu mảng dịch vụ viễn thông năm 2025 gần 56 tỷ đồng và lãi gộp gần 32 tỷ đồng. Mảng dịch vụ xăng dầu ước tính mang lại doanh thu gần 67 tỷ đồng, lãi gộp 2 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ SGT thông qua hủy phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ được thông qua tại ĐHĐCĐ ngày 19/04/2024 do điều kiện thị trường 2024 chưa thuận lợi và Công ty đang xem xét các phương án huy động vốn khác hiệu quả hơn với tình hình hiện tại.
Theo đó, SGT lên kế hoạch chào bán hơn 148 triệu cp cho cổ đông hiệu hữu với tỷ lệ 1:1, giá bán 10,000 đồng/cp. Số tiền hơn 1,480 tỷ đồng dự kiến dùng để thanh toán các khoản nợ vay (hơn 730 tỷ đồng) và đầu tư/góp vốn vào CTCP Tăng trưởng xanh Đồng Nai (750 tỷ đồng).
Phương án sử dụng khác, SGT dùng hơn 80 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động, 1,000 tỷ đồng trả các khoản nợ vay, 400 tỷ đồng góp vốn vào công ty con/liên kết.
Hà Lễ