Chủ tịch SHI: Từng mất trắng thị phần tại Nga, nhưng giờ đơn hàng nhiều gấp đôi
CTCP Quốc tế Sơn Hà (HOSE: SHI) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng 25/4, với nhiều tờ trình quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và thay đổi nhân sự cấp cao.
Tổng số cổ đông tham dự đến thời điểm khai mạc Đại hội lúc 9h ngày 25/04/2025 là 28 cổ đông, sở hữu và đại diện cho 159.3 triệu cổ phần, tương đương với 98.4% tổng số cổ phần biểu quyết tại SHI, do đó ĐHĐCĐ thường niên 2025 đủ điều kiện tiến hành.
![]() Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT SHI khai mạc đại hội - Ảnh: Thế Mạnh |
Thảo luận:
Lợi nhuận quý 1 khoảng 21 tỷ đồng
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Công ty có tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 hay không?
Ông Phạm Thế Hùng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực SHI: Tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2025. Không chỉ đạt được, chúng tôi còn đặt mục tiêu phấn đấu để vượt chỉ tiêu, tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, như chúng tôi đã nêu rõ trong báo cáo gửi cổ đông, nên Ban lãnh đạo có cách tiếp cận thận trọng hơn. Chúng tôi không chủ quan, bởi bối cảnh hiện tại có nhiều biến động. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng năm ngoái, chúng tôi cũng từng đưa ra một kế hoạch ở mức "vừa phải", nhưng thực tế kết quả đã vượt kỳ vọng, và thậm chí vượt khá xa.
Năm nay, với những bước đi bài bản và chiến lược rõ ràng, tôi có cơ sở để kỳ vọng rằng kết quả sẽ tích cực. Ví dụ như mảng sản phẩm bình nước - một trong những lĩnh vực mà anh chị có hỏi tới - tôi xin cập nhật là hiện chúng tôi đã xuất khẩu thêm được sang ba quốc gia mới. Nhu cầu tăng nhanh đến mức chúng tôi đang phải tính đến việc đầu tư thêm dây chuyền mới, vì dây chuyền hiện tại đã gần chạy hết công suất.
Tỷ trọng xuất khẩu đang được điều chỉnh theo hướng gia tăng dần, và chúng tôi xác định rõ đây là động lực tăng trưởng quan trọng. Chúng tôi luôn giữ tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động kinh tế vĩ mô, từ trong nước đến quốc tế.
Với định hướng đó, tôi hoàn toàn tự tin khẳng định SHI sẽ đạt được kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận của năm 2025.
Khoản 331 tỷ đồng tiền đặt cọc từ dự án KCN Tam Dương được ghi nhận như thế nào trong báo cáo tài chính?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Thế Hùng: Khoản 331 tỷ này thực chất là tiền khách hàng đặt cọc từ các hợp đồng thuê đất tại dự án Tam Dương, như Chủ tịch đã giải thích trước đó. Theo chuẩn mực kế toán, khoản này sẽ chỉ được ghi nhận vào doanh thu khi các điều kiện bàn giao được đáp ứng.
Cụ thể, với dự án đất tại Tam Dương, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất công tác bàn giao đất cho khách hàng bắt đầu từ năm 2025. Doanh thu từ các hợp đồng này sẽ được ghi nhận đều theo thời gian sử dụng còn lại của quyền thuê đất - tức là khoảng 47 năm - chứ không ghi nhận một lần. Việc bàn giao đất sẽ được thực hiện theo tiến độ của từng khách hàng.
Lợi nhuận năm 2024 của SHI có sự đóng góp lớn từ thanh lý tài sản. Vậy hoạt động kinh doanh cốt lõi có thực sự hiệu quả?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Thế Hùng: Nếu tính lợi nhuận trước thuế của năm 2024 là khoảng 168 tỷ đồng, thì phần lợi nhuận từ thanh lý tài sản chiếm một phần tương đối. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản lợi nhuận khác này, thì phần lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi vẫn đạt khoảng 113 tỷ đồng - tức là tăng khoảng 10 tỷ so với năm 2023.
Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh chính của chúng tôi vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhờ vào sự nỗ lực điều hành và tiết giảm chi phí hiệu quả của Ban điều hành.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của SHI sẽ tập trung vào lĩnh vực nào? Đâu là động lực tăng trưởng chính?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Thế Hùng: Về kế hoạch năm 2025, chúng tôi xác định rõ từng lĩnh vực trọng điểm. Ước tính trong quý 1/2025, tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất khoảng 2,500 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 21 tỷ đồng - đều tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm 2024.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt là từ các mặt hàng công nghiệp và gia dụng. Trong cơ cấu doanh thu dự kiến của năm 2025: ngành hàng công nghiệp đóng góp khoảng 30-35%, ngành hàng gia dụng chiếm khoảng 60%, còn lại là các ngành khác như cơ khí chính xác, linh kiện… chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Dù một số đơn hàng xuất khẩu trong ngành nhựa có gặp khó khăn do áp lực thuế tại các thị trường nhất định, nhưng bù lại, các thị trường trọng điểm như châu Á và EU vẫn ghi nhận đơn hàng ổn định. Chúng tôi kỳ vọng tất cả các ngành hàng sẽ có sự tăng trưởng đồng đều trong năm nay, với xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò chủ lực.
![]() Ban chủ toạ điều hành phiên thảo luận |
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Với các sản phẩm công nghệ mới như xe máy điện EVGO hay bình nước nóng smart wifi, Tập đoàn định vị phân khúc và kênh bán chính như thế nào? Bao lâu sẽ hoà vốn hoặc đạt điểm hòa vốn (break-even)?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai mảng thiết bị dân dụng một cách thận trọng, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để điều chỉnh phù hợp. Với sản phẩm bình nước nóng, nhiều người gọi là "smart wifi", nhưng thực tế sau khi chúng tôi nghiên cứu và triển khai sản phẩm, nhận thấy rằng người tiêu dùng hiện nay chỉ cần một sản phẩm có cảm biến nhiệt cơ bản, tiện dụng là đủ. Không nhất thiết phải đưa quá nhiều công nghệ vào làm gì. Do đó, chúng tôi quyết định quay về phát triển những yếu tố cốt lõi, đơn giản nhưng hiệu quả hơn.
Hiện nay, mảng bình nước nóng của Sơn Hà đang phát triển tốt. Chúng tôi đang tiếp tục khẳng định vị thế và mở rộng thị phần trong nước, đồng thời bắt đầu triển khai xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính có ảnh hưởng đến quy hoạch, đất đai của các dự án lớn của Sơn Hà như KCN Tam Dương hoặc các trung tâm sản xuất hiện hữu? Công ty đã có kịch bản điều chỉnh chưa?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Về các dự án hiện hữu, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ từ trước. Thực tế, ở một số địa phương, việc sáp nhập đơn vị hành chính lại làm giá trị đất tăng lên. Ví dụ như nếu TPHCM sáp nhập một phần của Bình Dương thì đất ở Bình Dương có thể tăng giá.
Còn ở Hà Nội, dù không có sáp nhập, nhưng với đà đô thị hóa hiện nay, một số nhà máy của chúng tôi có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành những giá trị cao hơn - chẳng hạn như xây dựng khu nhà ở xã hội hoặc phát triển đô thị. Nhiều khu nhà máy của chúng tôi hiện nằm trong khu dân cư, nên tiềm năng chuyển đổi là rất lớn.
Riêng khu công nghiệp Tam Dương, việc sáp nhập hành chính đã khiến thủ tục bị kéo dài. Đây cũng là lý do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Dự án có tổng diện tích khoảng 162 ha, trong đó đã giải phóng được 120 ha. Phần còn lại hơn 40 ha, trong suốt thời gian qua, chúng tôi chỉ giải phóng thêm được khoảng 10 ha - bởi những phần dễ đã làm xong, còn lại là phần khó.
Có giai đoạn chính quyền địa phương đang sáp nhập, ví dụ như xóa cấp huyện, khiến cho bộ máy bị thiếu hụt - công an huyện, lãnh đạo huyện không còn, nên không có lực lượng tổ chức cưỡng chế mặt bằng. Điều này chúng tôi đã báo cáo với tỉnh và hiện vẫn đang nỗ lực khắc phục.
Tới nay, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút xử lý những phần việc còn lại trước khi chính thức sáp nhập xong. Về phía chúng tôi, dù gặp khó khăn nhưng vẫn bám sát kế hoạch, không bị động, chỉ là tiến độ không đạt kỳ vọng như ban đầu.
Kế hoạch cho thuê đất khu công nghiệp Tam Dương năm 2025 ra sao?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Năm trước, chúng tôi đã cho thuê được khoảng gần 30 ha và đã nhận cọc từ khách hàng. Chúng tôi chia các giai đoạn để thực hiện bàn giao đất cho khách thuê.
Dự kiến năm nay, nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ cho thuê tiếp khoảng 20 ha nữa. Hiện thương thảo với đối tác đang diễn ra tích cực. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý: hiện đang có thông tin về khả năng áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Điều này khiến nhiều khách hàng của chúng tôi tạm dừng để nghe ngóng tình hình, bởi hầu hết đều là doanh nghiệp có định hướng làm nhà xưởng phục vụ xuất khẩu.
Tuy vậy, nếu đàm phán thương mại Việt - Mỹ diễn biến tốt thì mọi thứ có thể trở lại nhanh chóng. Còn nếu bất lợi, họ có thể chuyển hướng sang thị trường khác. Dù sao thì nhu cầu vẫn còn, và kế hoạch cho thuê đất năm nay của chúng tôi vẫn sẽ triển khai, chỉ là cần linh hoạt hơn một chút về thời gian.
Kỳ vọng hiệu quả tài chính từ khu công nghiệp Tam Dương có thể thấy rõ từ khi nào?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Hiện tại, chúng tôi chưa thể hạch toán lợi nhuận ngay được vì vẫn còn rất nhiều chi phí liên quan trong giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền từ dự án đã bắt đầu về và sẽ giúp cải thiện dòng vốn. Lợi nhuận sẽ đến vào giai đoạn giữa hoặc cuối chu kỳ phát triển dự án.
Thực tế, giai đoạn khó khăn nhất chúng tôi đã vượt qua. Dòng tiền hiện tại, cộng với việc cải thiện cấu trúc dòng vốn, sẽ là nền tảng để chúng tôi phát triển bền vững hơn. Về tổng thể, dự án tuy có chậm một chút về thủ tục, nhưng về triển vọng kinh doanh của toàn hệ thống thì đang dần đi theo chiều hướng tích cực. Mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi của Sơn Hà hiện cũng đang có tín hiệu sáng lên từng bước.
Hiện các nhà đầu tư nào đang quan tâm thuê đất tại KCN Tam Dương? Tỷ lệ khách nội địa và FDI dự kiến ra sao? Tập đoàn có kế hoạch phát triển thêm logistics hay hệ sinh thái hậu cần quanh khu này không?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Thực ra trong phần trả lời trước tôi cũng đã đề cập một phần rồi, nhưng xin làm rõ thêm. Về tỷ lệ giữa khách nội địa và FDI thì đúng là đang có sự thay đổi nhất định. Trước đây, chúng tôi tập trung rất nhiều vào khách FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đối tác đến từ Mỹ, thường có mức trả giá cao hơn và họ cũng thể hiện sự tự tin rõ rệt.
Tuy nhiên, gần đây khi phía FDI - nhất là các nhà đầu tư có liên quan tới Mỹ - bắt đầu tạm dừng, nghe ngóng do những yếu tố bất định từ đàm phán thương mại quốc tế, thì lại xuất hiện một xu hướng mới: các doanh nghiệp trong nước chủ động hơn, xông xáo hơn. Họ đến hỏi thuê đất rất nhiều, tuy mỗi lần chỉ 1 ha, 2 ha, nhưng số lượng doanh nghiệp quan tâm thì không hề ít. Tôi quan sát thấy họ thể hiện sự tự tin rõ ràng, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài còn đang do dự. Do đó, tỷ lệ giữa khách nội và khách ngoại đang có xu hướng điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn.
Còn về logistic hay khu công nghiệp sinh thái - hậu cần, thì đây cũng là một phần trong định hướng phát triển của chúng tôi. Chúng tôi đã có sự phối hợp để nghiên cứu phát triển thêm các hạ tầng phục vụ cho logistic quanh khu công nghiệp này.
Tôi luôn quan điểm rằng bất kể làm sản phẩm gì - từ hàng dân dụng, gia dụng cho đến khu công nghiệp hay bất kỳ loại hình dự án nào - Sơn Hà đều phải làm thật tốt, thật đẹp, thật chất lượng. Đó là nguyên tắc xuyên suốt mà chúng tôi luôn giữ gìn và cam kết với khách hàng.
Không bị ảnh hưởng thuế quan Mỹ, đang nhận đơn hàng từ khách hàng ở Nga
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraine đã tác động thế nào đến hoạt động của Tập đoàn? Ban lãnh đạo đã có những hành động gì để ứng phó?
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT SHI: Chiến tranh Nga - Ukraina đã kéo dài ba năm rồi, và tác động của nó đến Sơn Hà là rất rõ ràng. Trước chiến tranh, trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 500 tấn hàng sang Nga và hơn 100 tấn sang Ukraina. Khi chiến sự nổ ra, cả hai thị trường này ngừng hoàn toàn việc nhập hàng của Sơn Hà, khiến chúng tôi mất trắng thị phần tại đây.
Ngay sau đó, chúng tôi lập tức phải tái cấu trúc thị trường, tích cực tìm kiếm các điểm đến thay thế. Chúng tôi tham gia nhiều hội chợ quốc tế như tại Hà Lan, Đức - những nơi có lượng khách hàng toàn cầu rất lớn, rồi tiếp tục mở rộng sang Mexico để tiếp cận thị trường Bắc và Nam Mỹ. Tới đây, chúng tôi còn chuẩn bị tham gia hội chợ ở Ai Cập nhằm khai thác khu vực Bắc Phi và Trung Đông, và đặc biệt là tại Ấn Độ - nơi hiện đang nổi lên như một trung tâm thay thế Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế trở lại với hàng loạt mặt hàng Việt Nam, đặc biệt các nhóm công nghiệp chế biến, Sơn Hà đã có kế hoạch ứng phó như thế nào với thị trường xuất khẩu các sản phẩm ống inox vốn đang là thế mạnh?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Thực tế, Sơn Hà không bị ảnh hưởng từ đợt áp thuế lần này, vì chúng tôi đã từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ cách đây 15 năm. Khi đó, toàn bộ xuất khẩu gần như chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Bị đánh thuế, chúng tôi buộc phải chuyển hướng toàn bộ hoạt động sang các thị trường khác. Từ một doanh nghiệp chỉ xuất vào Mỹ, đến nay Sơn Hà đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Đó là thành quả từ một cú sốc lớn - và cũng là bài học cho chiến lược "không bỏ trứng vào một giỏ".
Ấn Độ là ví dụ cụ thể. Dù sản lượng xuất khẩu vào đây hiện nay tăng rất mạnh, chúng tôi vẫn chủ động khống chế tỷ trọng ở mức 40%, và tiếp tục hạ xuống 30%. Nếu một ngày nào đó Ấn Độ áp thuế như Mỹ từng làm, thì mất 30% vẫn còn 70% từ các thị trường khác - đó là cách để Sơn Hà sống sót và phát triển bền vững.
Có một thực tế khá thú vị là hiện nay chúng tôi đang nhận được nhiều đơn hàng hơn trước. Đặc biệt là thị trường Nga đang có dấu hiệu hồi phục - từ mức 500 tấn trước xung đột, hiện chúng tôi đã nhận tới 1,000 tấn/tháng. Ukraina dù chưa có đơn hàng mới, nhưng số lượng hỏi mua đã xuất hiện trở lại.
Ngoài ra, việc Trung Quốc siết chặt quản lý xuất khẩu, chống gian lận thương mại cũng tạo cơ hội cho các nước khác như Việt Nam. Trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh bằng cách lách thuế, hóa đơn, chứng từ… Giờ họ buộc phải chính quy, giá thành đội lên, thì khách hàng buộc phải tìm nguồn khác - trong đó có Sơn Hà.
Tình hình tài chính của Sơn Hà hiện nay ra sao, đặc biệt là khi doanh thu tăng nhưng lợi nhuận chưa tương xứng?
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn: Doanh thu năm nay của Tập đoàn đã vượt mốc 10,000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng xuất khẩu tăng mạnh và ổn định. Dòng tiền thu về tốt, tạo nền tảng để tiếp tục đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, đúng là lợi nhuận chưa cải thiện tương xứng, vì chi phí vẫn còn cao, và có nhiều yếu tố ăn mòn biên lợi nhuận.
Chúng tôi cũng rất sốt ruột trước vấn đề này. Tăng trưởng doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng thì cổ đông khó lòng hài lòng. Tôi thừa nhận đây là trách nhiệm của ban điều hành, và chắc chắn sẽ có các bước điều chỉnh dần để cải thiện lợi nhuận trong thời gian tới.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua
Trước đại hội
Chiến lược tập trung BĐS công nghiệp, mở rộng xuất khẩu
Năm 2025, HĐQT SHI trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất 11,800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 7% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là năm thứ 11 liên tiếp SHI lập kỷ lục mới về doanh thu và ghi nhận mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử, sau đỉnh năm 2021 với 137 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 10 năm qua của SHI |
SHI tiếp tục định hướng đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, năng lượng tái tạo và đặc biệt bất động sản công nghiệp. Dự án SHI IP Tam Dương (Vĩnh Phúc) đang được đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tiếp thị, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, hợp tác phân phối độc quyền để tăng hiệu quả khai thác và ký hợp đồng thuê đất dài hạn. Đồng thời, SHI vận hành ổn định nhà máy tại phía Nam và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới.
HĐQT cũng yêu cầu các đơn vị cập nhật sát tình hình sáp nhập đơn vị hành chính theo chủ trương của Nhà nước nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách, đảm bảo không gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tái cấu trúc.
Kế hoạch tăng vốn lên gần 1,700 tỷ đồng
Năm 2024, SHI ghi nhận doanh thu 11,257 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, tăng 83% so với 2023. Kết quả này vượt 14% kế hoạch doanh thu và vượt 74% mục tiêu lợi nhuận năm. SHI cho biết tăng trưởng đến từ đóng góp của các sản phẩm chủ lực ở thị trường trong và ngoài nước, cùng với khoản lợi nhuận khác từ việc bán tài sản gắn liền với đất, mang về 57 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả tích cực, SHI đề xuất phát hành gần 8.1 triệu cp từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 5%). Cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu thực hiện, vốn điều lệ của SHI sẽ tăng lên gần 1,700 tỷ đồng.
SHI từng chi trả cổ tức tiền mặt gần nhất vào năm 2019 với tỷ lệ 5%, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu 5%. Năm 2020, Công ty tiếp tục chia cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 10%, và đến năm 2021 là 8%. Từ đó đến nay, SHI chưa thực hiện thêm đợt chia cổ tức nào. Trong kế hoạch năm 2025, Doanh nghiệp dự kiến tạm ứng cổ tức khoảng 5%, song chưa xác định rõ hình thức chi trả.
Đề xuất hoán đổi vốn góp nội bộ hệ sinh thái
Tại đại hội, HĐQT trình phương án hoán đổi toàn bộ phần vốn góp của SHI tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam (vốn 470 tỷ đồng) sang CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (HNX: SHE), công ty con mà SHI sở hữu 50.38%. Giá trị hoán đổi sẽ không thấp hơn giá trị vốn chủ sở hữu của SSP và thấp hơn 35% tổng tài sản SHI theo BCTC kiểm toán 2024. Sau hoán đổi, SHE trở thành công ty con trực tiếp, còn SSP là công ty con gián tiếp của SHI.
Đến cuối 2024, SHI sở hữu trực tiếp 12 công ty con, trong đó SSP là công ty con 100% vốn. Ngoài ra, SHI còn có 4 công ty con gián tiếp và 5 công ty liên kết hoạt động đa ngành như sản xuất thiết bị gia dụng, cơ khí, vận tải, thương mại, nước sạch, xây dựng…
Thay đổi nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030
Cổ đông sẽ thông qua việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Thúy khỏi HĐQT theo đơn xin từ nhiệm ngày 31/03 vì lý do công việc cá nhân. Ứng viên thay thế là bà Hà Thị Hồng Mây, sinh năm 1986, hiện là Trưởng ban Truyền thông & Marketing của SHI. Bà Mây do cổ đông lớn Công ty TNHH MTV Sản xuất Đầu tư và Phát triển Hoàng Hà (nắm 7.79%) đề cử, không nắm cổ phần tại SHI, và từng có kinh nghiệm tư vấn marketing cho nhiều doanh nghiệp.
Bài cập nhật
Thế Mạnh