Chưa biết chuyện gì xảy ra tiếp theo nhưng thuế quan chắc chắn là một tổn thất lớn

date
04/04/2025 12:08

Chưa biết chuyện gì xảy ra tiếp theo nhưng thuế quan chắc chắn là một tổn thất lớn

Hoàng Cường nhìn đăm đăm vào màn hình điện thoại, mắt anh chăm chú vào những con số đỏ thẫm. 5 năm mua gom cổ phiếu với hy vọng một ngày sở hữu căn hộ ở Hà Nội, giờ đây tan thành mây khói sau một đêm.

Được thúc đẩy bởi viễn cảnh bùng nổ kinh tế đã biến Việt Nam thành một trong những ngôi sao tăng trưởng của Đông Nam Á, giá trị danh mục đầu tư của người huấn luyện viên bơi lội này đã tăng mạnh và anh cũng gần đạt được giấc mơ của mình.

Nhưng vào sáng ngày 03/04, anh thức dậy và kinh hoàng nhận ra Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp lên Việt Nam một trong những mức thuế nặng nề nhất.

"Tôi đang bị sốc", Cường thở dài khi nói chuyện từ nơi làm việc ở quận trung tâm. Với lợi nhuận đầu tư gần như bị xóa sạch, người đàn ông 36 tuổi này đang lên kế hoạch rút ra bất cứ số tiền ít ỏi nào anh có thể lấy được. "Tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, liệu tình hình có tồi tệ hơn không - thị trường có thể giảm nhiều hơn nữa".

Đất nước với 101 triệu dân này đã phát triển mạnh mẽ trong 40 năm kể từ cải cách Đổi Mới, và gần đây đã trở thành công xưởng sản xuất mọi thứ từ quần áo Gap đến điện thoại thông minh Samsung. Hiện tại, Việt Nam đang đối mặt với thuế xuất khẩu 46% và là một trong những nạn nhân nổi bật nhất của cuộc chiến thương mại "không khoan nhượng" lần thứ hai của Trump.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng vào ngày 03/04 rằng mức thuế này không phản ánh đúng mối quan hệ hiện tại giữa hai quốc gia.

Thuế quan "tàn nhẫn"

"Điều này thật tàn nhẫn", Trần Anh Minh, quản lý cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM nói. "Rất nhiều nhà máy sẽ đóng cửa, rất nhiều người sẽ mất việc làm".

Đòn giáng này sẽ lan tỏa nhanh chóng qua nền kinh tế Việt Nam, một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại trên thế giới. Với xuất khẩu chiếm gần 90% tổng sản lượng kinh tế, mức thuế mới, nếu áp dụng, chắc chắn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Nhìn lại, Việt Nam từng là một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại đầu tiên của Trump vào năm 2018. Khi đó, hàng loạt công ty từ Nike đến Nintendo đã chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan với Trung Quốc, đẩy hoạt động sản xuất tăng vọt. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình 7% vào năm 2018-2019, và còn phục hồi ngoạn mục sau đại dịch để đạt mức tăng trưởng 7.1% năm ngoái. Gần một triệu việc làm mới đã được tạo ra, đưa lực lượng lao động trở lại mức hơn 56 triệu người vào năm 2023 sau khi giảm nhẹ trong thời kỳ đại dịch.

Chuỗi cung ứng

Hiện nay, Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoảng một nửa số giày Nike và 39% giày Adidas được sản xuất tại đây, cùng với vô số linh kiện điện tử. Tại tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều nhà cung cấp cho Apple, nhiều công nhân vẫn chưa thấm thía mối đe dọa này, nhưng một quan chức địa phương thì thừa nhận đang "choáng váng".

Chưa ai biết chắc chuỗi cung ứng sẽ biến đổi thế nào trong tương lai gần, khi các điểm đến sản xuất khác ở châu Á cũng đã bị áp thuế, còn quay về Trung Quốc hầu như không khả thi với mức thuế đã tăng lên 54%.

Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp, với Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ sang Mỹ trong những ngày tới để gặp gỡ các quan chức và tham dự đối thoại chính sách.

Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp, nhưng chỉ có một điều dường như chắc chắn. "Đây là một tổn thất lớn cho tất cả mọi người", Dương Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam và bản thân là chủ một nhà máy cho biết. "Thuế quan sẽ làm mọi thứ đắt đỏ hơn ở Mỹ".

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI - 11:06:52 04/04/2025