Chương mới cho điện tái tạo từ QHĐ8 điều chỉnh
Ngày 15/04, Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) điều chỉnh chính thức được phê duyệt. Theo CTCK VNDIRECT, quyết định này giống như mở ra một chương mới dành cho các ngành năng lượng tái tạo.
Theo VNDIRECT, QHĐ8 điều chỉnh đặt ra mục tiêu công suất tăng mạnh để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 650- 624 tỷ kWh đến năm 2030, cao hơn so với năm 2024 từ 82% - 102%.
Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho mức tăng trưởng GDP bình quân 10% trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt được mục tiêu này, mục tiêu tổng công suất điện đến năm 2030 dự kiến đạt 183-236 GW, tăng 122% - 187% so với 2024, và tăng 16% - 49% so với QHĐ8 trước đó. Ngoài ra, hệ thống lưới điện cũng sẽ được chú trọng đầu tư để đảm bảo năng lực truyền tải điện, như xây dựng mới gần 13 ngàn km đường dây truyền tải, và cải tạo hơn 1.4 ngàn km đường dây 500kV.
Mục tiêu tăng trưởng điện để phục vụ mức tăng GDP bình quân 10% ![]() |
Hạn chế điện than, mở chương mới cho điện tái tạo
Để đạt được các cam kết về môi trường, điện than vẫn là nguồn bị hạn chế trong QHĐ8 điều chỉnh. Do đó, điện khí (bao gồm LNG) dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn điện nền cho toàn hệ thống. Ngoài ra, Chính phủ cũng bổ sung điện hạt nhân vào kế hoạch với mục tiêu vận hành 4-6.4 GW trong 2030-2035, và chuyển thời điểm vận hành điện gió ngoài khơi sang 2030-35 với mục tiêu 6-17 GW.
Công suất thủy điện, điện than và điện khí dự kiến vẫn giữ nguyên mục tiêu. Trong khi đó, năng lượng tái tạo được ưu tiên khi mục tiêu đến năm 2030 được nâng thêm 50% - 130% so với QHĐ8 trước đó, và cao hơn 3.4 - 5.2 lần so với công suất năm 2024.
Mục tiêu công suất điện tái tạo theo quy hoạch ![]() Nguồn: VNDIRECT |
Công suất điện mặt trời được điều chỉnh tăng mạnh nhất, tăng 2.3-3.6 lần so với QHĐ8 trước đó (có thể là nhờ lợi thế dễ lắp đặt trong thời gian ngắn), trong khi công suất gió cũng được điều chỉnh tăng 1.2-1.7 lần. Theo VNDIRECT, tiềm năng cho một chu kỳ đầu tư mới vào năng lượng tái tạo đã xuất hiện sau một thời gian dài bế tắc do thiếu các cơ chế, chính sách rõ ràng.
Công suất điện tái tạo trở thành ưu thế trong toàn hệ thống ![]() Nguồn: VNDIRECT |
Tuy nhiên, nhu cầu vốn lớn vẫn sẽ là mối lo ngại chính. Theo QHĐ8 điều chỉnh, Việt Nam cần huy động nguồn vốn rất lớn vào đầu tư nguồn điện, rơi vào khoảng 136 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030 và khoảng 114 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2035. VNDIRECT cho rằng khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn tới. Điều này càng nhấn mạnh đến nhu cầu về các cơ chế và khung pháp lý rõ ràng, phù hợp và nhất quán từ các cơ quan chức năng để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn điện, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Châu An