Chuyên gia VPBankS: VN-Index vẫn có thể chạm ngưỡng 1,400 điểm trong năm 2025

date
14/04/2025 19:43

Chuyên gia VPBankS: VN-Index vẫn có thể chạm ngưỡng 1,400 điểm trong năm 2025

Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong một kịch bản thận trọng, mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể đạt ít nhất 15 - 20%. Kỳ vọng VN-Index vẫn có thể chạm ngưỡng 1,400 điểm.

Chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 14/04/2025, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá, trong bối cảnh mà những nhiễu động thông tin trên thị trường chứng khoán toàn cầu và những ảnh hưởng của chính sách thuế, giới đầu tư vẫn chưa ước lượng được một cách chính xác chính sách thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Tất cả những ước đoán từ mức thuế 46% trong giai đoạn vừa qua đều là giả định.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang bị áp khoảng 10% thuế đối ứng. Vì vậy, những tác động thực tế là có đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu, FDI, thậm chí cảng biển, tuy nhiên sẽ chưa quá nặng nề. Mức thuế đối với Việt Nam hiện tại là khoảng 10% và còn phải đàm phán thêm, do đó, đây vẫn là một yếu tố bất định mà thị trường sẽ cần phải điều tiết, hoặc điều chỉnh lại những kỳ vọng, cũng như phản ứng phù hợp.

Với độ mở cao, đặc biệt là về mặt xuất nhập khẩu, thì trong năm nay khả năng nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng phần nào do những chính sách thuế quan nhiễu động này. "Nhiều nhà đầu tư, cũng như một số doanh nghiệp FDI tại TP.HCM hay Hà Nội, chia sẻ với tôi rằng trong thời gian vừa qua, họ đã bắt đầu nhận được những lời hủy đơn hàng, hoặc xem xét lại các đơn hàng mới. Đây là yếu tố có lẽ sẽ có tác động trong ngắn hạn" - Ông Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, trong dài hạn, tác động sẽ không quá lớn. Mỹ là một đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam, nhưng ngoài Mỹ thì Việt Nam còn rất nhiều FTA với các đối tác thương mại lớn khác. Thế nên, khả năng chuyển hướng, thích ứng của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại là khá cao, đặc biệt là khi kết hợp với các đàm phán.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Chuyên gia VPBankS cho biết bản thân không quá bi quan, đồng thời nhấn mạnh trong một kịch bản thận trọng, mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể đạt ít nhất 15 - 20%. Kỳ vọng chỉ số VN-Index vẫn có thể chạm ngưỡng 1,400 điểm, nhờ vào các câu chuyện như: Tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển hướng thương mại để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kết hợp với tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong nước. Đó chính là nội lực mạnh mẽ trong giai đoạn thích ứng với các biến động toàn cầu.

Do đó, trong giai đoạn vừa rồi, khi P/E dự phóng về mức 9.3 lần hay P/B về gần 1.1 - 1.2 lần, là mức định giá quá hấp dẫn, qua đó kích hoạt lớp nhà đầu tư dài hạn tham gia mạnh mẽ. Có thể thấy, chỉ với một cú sốc ngắn hạn nhưng đã mở ra một câu chuyện giải ngân các cổ phiếu tốt cho trung và dài hạn.

Ông Sơn cũng dự báo thị trường Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi trong rất nhiều lần trước, trong rất nhiều cú sập, đều có những lý do cho thấy rằng cú sập đó là "đúng". Ví dụ như cú sập do COVID-19 là rất khó đoán, không biết nó xảy ra lúc nào, thay đổi ra sao và kết thúc như thế nào. Nhưng sau đó, có thể thấy rằng sau đại dịch, mọi thứ lại tăng rất mạnh, diễn ra gần như trái ngược với những lo ngại trước đó.

Thế nên, trong bối cảnh biến động như hiện tại, tâm lý lo lắng là chuyện bình thường, điều quan trọng là cần phân tích kỹ lưỡng, có dẫn chứng rõ ràng để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý dựa trên dữ liệu và lý trí, chứ không nên dựa vào cảm xúc.

Theo ông Sơn, với một nền kinh tế vẫn vững mạnh và có thể liên tục thay đổi để đáp ứng những biến động của thế giới như Việt Nam, thì kỳ vọng về sự vững vàng của doanh nghiệp trong năm nay là có. Vì vậy, khi thị trường mở ra cơ hội, nhà đầu tư có thể tận dụng.

Tuy nhiên, trong năm nay, khi VN-Index phục hồi và tiến sát các vùng kháng cự cũ như 1,300 - 1,320, nhà đầu tư nên thận trọng trong quá trình mua vào, vì nhiễu động ngắn hạn về thuế quan vẫn còn.

Huy Khải

FILI - 18:41:04 14/04/2025