Chuyên gia Yuanta: Kinh tế Việt Nam có triển vọng dài hạn nhờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu
Sáng ngày 19/04, tại hội thảo From Asia to Vietnam do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra các bình luận, dự báo về triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam trong cơn bão thuế quan từ Mỹ.
Hội thảo From Asia to Vietnam do Yuanta Việt Nam tổ chức sáng 19/04/2025 |
Ngắn hạn có bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam có thuận lợi trong dài hạn
Trong ngắn hạn (quý 2/2025), Tiến sĩ Chen Hui Yen - Giám đốc Phân tích/Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu, Bộ phận tư vấn Đầu tư Chứng khoán Yuanta (YIC) nhận định rằng chính sách của Tổng thống Trump có thể gây ra sự bất ổn ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Trump sẵn sàng điều chỉnh chính sách nhanh chóng nếu cần thiết. Sự kiện áp dụng thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4 đã gây ra hai cuộc khủng hoảng thanh khoản, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra biến động cực độ trên thị trường tài chính.
Mặc dù vậy, việc trì hoãn thuế quan đối ứng cho hầu hết các quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc) và miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử tiêu dùng quan trọng đã giúp khôi phục chuỗi cung ứng và thanh khoản thị trường.
Dù vấn đề thanh khoản đã được giải quyết, chuỗi sự kiện này có khả năng làm sai lệch quỹ đạo kinh tế năm 2025. Với việc mức thuế 10% có thể là mức sàn tối thiểu và không ai đảm bảo điều gì sau 90 ngày miễn trừ, các nhà sản xuất có thể tăng cường tích trữ hàng tồn kho trong quý 2. Do đó, Việt Nam có thể chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2 (ngoại trừ sang Trung Quốc). Tuy nhiên, sau khi hàng tồn kho đạt mức mong muốn, sản xuất và thương mại sẽ bình thường hóa trở lại, dẫn đến chu kỳ kinh tế năm nay có thể có hình chữ V ngược.
Tiến sĩ Chen Hui Yen - Giám đốc Phân tích/Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu, Bộ phận tư vấn Đầu tư Chứng khoán Yuanta (YIC) |
Trong trung hạn (nửa cuối năm 2025), trong bối cảnh thuế quan trên 100% áp lên Trung Quốc và 10% lên các đối tác thương mại khác, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể bị điều chỉnh giảm khoảng 0.6 điểm phần trăm. Trung Quốc sẽ chịu tác động mạnh mẽ, với mức tăng trưởng kinh tế có thể bị điều chỉnh giảm khoảng 2.5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, một số quốc gia bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả phần còn lại của châu Á (trong đó có Việt Nam), có thể hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại, với mức tăng trưởng GDP có thể được điều chỉnh tăng khoảng 0.7 điểm phần trăm. Tiến sĩ Yen tin rằng triển vọng kinh tế tổng thể của Việt Nam vẫn khỏe mạnh và sôi động
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đối mặt với những "cơn gió ngược" từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ có thể đối mặt với áp lực mới vào khoảng tháng 7 do lạm phát gia tăng và biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp. Vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối non trẻ, sự suy giảm toàn cầu có thể lan sang Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Yen tin tưởng rằng thị trường sẽ ổn định trở lại vào nửa cuối năm nay nhờ logic của Trump, người có thể chuyển trọng tâm từ thương mại sang cắt giảm thuế, điều này sẽ thúc đẩy niềm tin.
Với tầm nhìn xa hơn, từ năm 2026 trở đi, Tiến sĩ Yen cho rằng triển vọng dài hạn cho kinh tế Việt Nam là rất thuận lợi nhờ sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông giải thích về "bộ ba bất khả thi chính trị" của kinh tế thế giới, trong đó chủ quyền quốc gia và hội nhập toàn cầu (thương mại tự do) có thể mâu thuẫn trong các nền dân chủ phương Tây. Chiến lược của Trump nhằm "khôi phục" trật tự kinh tế quốc tế đã bị "xói mòn" do sự tham gia và cạnh tranh của Trung Quốc. Việc Mỹ giảm thương mại trực tiếp với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì các "lỗ hổng" thương mại sẽ dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng sang các nước khác như Việt Nam và Mexico trước khi đến Mỹ. Điều này sẽ tăng tiềm năng tăng trưởng cho Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tích hợp cao với chuỗi cung ứng của Trung Quốc và có tiềm năng hưởng lợi từ làn sóng chuyển hướng thương mại đầu tiên. Các ngành như dệt may, điện tử, máy tính cá nhân, nội thất, máy móc và thiết bị sẽ chịu áp lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng lớn nhất, tạo cơ hội cho Việt Nam. Theo đó, ông Yen nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để chủ động thúc đẩy thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nâng cấp công nghiệp để trở thành một mắt xích chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới .
Thị trường chứng khoán sẽ dao động trong cho tới tháng 7
Tại sự kiện, ông Matthew Smith - CFA, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối KH tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra các nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam. Chuyên gia Yuanta cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã tương đối ổn định so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù việc áp dụng mức thuế 46% lên Việt Nam là một thông tin tiêu cực, ông Smith không tin rằng đây sẽ là kết quả cuối cùng. Ông lạc quan hơn nhờ việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại. Việc trì hoãn thuế quan vào ngày 09/04 đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi.
Ông Matthew Smith - CFA, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối KH tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Tuy nhiên, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng và không nên hoảng loạn. Ông dự đoán thị trường sẽ dao động trong biên độ nhất định cho đến tháng 7, thời điểm có thể có những diễn biến mới liên quan đến thuế quan. Ông Smith nhấn mạnh rằng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Việt Nam có thể là một yếu tố tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại.
Ông cho rằng nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn cho Việt Nam. FTSE chưa nâng hạng thị trường Việt Nam trong thông báo gần đây, nhưng có thể sẽ có thông báo tích cực hơn vào tháng 10.
Việc MSCI nâng hạng sẽ có ý nghĩa lớn hơn nhiều, nhưng có thể sẽ mất vài năm nữa, có thể vào khoảng năm 2027-2028, sau khi Việt Nam áp dụng hệ thống giao dịch KRX và CCP.
Chí Kiên