Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 5)
Cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) ngày càng giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech nhờ khả năng cung cấp bằng chứng thực tiễn để hỗ trợ quá trình ra quyết định chính sách. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, sandbox cần được thiết kế với mục tiêu rõ ràng, hệ thống đánh giá toàn diện và khả năng điều chỉnh linh hoạt theo thời gian.
Đánh giá tác động và và duy trì tính linh hoạt của sandbox
Sandbox là công cụ quản lý còn tương đối mới nên việc dự đoán chính xác tác động và phản ứng từ thị trường không hề dễ dàng. Do đó, việc xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá toàn diện là điều thiết yếu, không chỉ để đo lường kết quả thực tế mà còn giúp các cơ quan quản lý nhận diện các rào cản và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn theo thời gian.
Đối với các nhà hoạch định chính sách đang có kế hoạch triển khai sandbox và xây dựng hệ thống giám sát - đánh giá, một cấu trúc dạng ma trận với ba giai đoạn đo lường và bốn cấp độ đánh giá đan xen có thể là một phương pháp hiệu quả.
Khung đo lường được đề xuất cho mô hình sandbox
Nguồn: WBG
- Kết quả ở cấp độ quốc gia
Ở cấp độ quốc gia, hiệu quả của sandbox nên được đánh giá dựa trên việc nó đóng góp như thế nào vào các mục tiêu phát triển tổng thể của khu vực tài chính, như thúc đẩy tài chính toàn diện, phát triển kinh tế số hay cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do những tác động này thường mang tính gián tiếp và khó đo lường trực tiếp, nên cần được liên kết rõ ràng với định hướng thiết kế sandbox ngay từ đầu.
Một số chỉ số có thể dùng để đánh giá bao gồm tỷ lệ người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh hoặc số lượng sản phẩm tài chính mới phục vụ các nhóm dân cư chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính…
- Kết quả ở cấp độ chính sách - pháp lý
Cấp độ chính sách - pháp lý đo lường tác động của sandbox đến việc xây dựng quy định, giám sát và hoạch định chính sách. Những thay đổi trực tiếp như ban hành hoặc sửa đổi quy định thường dễ đánh giá, trong khi các tác động gián tiếp đòi hỏi phân tích sâu hơn từ dữ liệu và kinh nghiệm thử nghiệm.
Chỉ số đánh giá cần xuất phát từ các vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp tham gia sandbox đặt ra, từ đó cơ quan quản lý có thể thiết kế chỉ số phù hợp để kiểm chứng giả định và điều chỉnh chính sách. Một số chỉ số cụ thể có thể bao gồm số lượng quy định mới hoặc sửa đổi hỗ trợ chuyển đổi số, mức độ đóng góp của sandbox vào quá trình hoạch định chính sách, khả năng điều chỉnh quy trình giám sát theo hướng linh hoạt, khả năng rà soát và xử lý các vấn đề về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cùng là giúp cơ quan quản lý đưa ra quyết định chính sách dựa trên bằng chứng, phù hợp với bối cảnh đổi mới và rủi ro mới phát sinh.
Một số tình huống giả định ảnh hưởng đến chính sách quản lý và cách đo lường tác động
- Kết quả ở cấp độ doanh nghiệp và nhóm thử nghiệm
Ở cấp độ này, đánh giá hiệu quả sandbox không chỉ dừng lại ở các chỉ số hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như số lượng khách hàng hay giá trị giao dịch, mà còn mở rộng sang việc đo lường tác động của sandbox đối với thị trường và các bên tham gia. Những chỉ số như số sản phẩm mới, mức độ hỗ trợ pháp lý, sự mở rộng cạnh tranh và phản hồi từ doanh nghiệp giúp làm rõ giá trị của sandbox trong việc thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển hệ sinh thái tài chính.
Ngoài ra, sandbox còn đóng vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận chuyên môn quản lý, từ đó rút ngắn thời gian đưa ý tưởng ra thị trường. Việc ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp có thể thích ứng với khung pháp lý hiện hành so với số cần điều chỉnh hay xây dựng khung pháp lý mới, cũng là một minh chứng cho khả năng hỗ trợ đổi mới một cách linh hoạt. Thêm vào đó, phản hồi từ doanh nghiệp về mức độ minh bạch, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý sẽ là thước đo quan trọng đánh giá chất lượng vận hành thực tế của sandbox.
- Kết quả ở cấp độ vận hành
Ở cấp độ vận hành, các chỉ số nên tập trung đánh giá mức độ phù hợp liên tục của sandbox trong nội bộ tổ chức, phân tích nguồn lực và năng lực đã được sử dụng trong quá trình triển khai, cũng như đánh giá liệu sandbox có đang đóng góp vào các mục tiêu chiến lược dài hạn của tổ chức hay không.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc việc phân tích chi phí - lợi ích giữa nguồn lực bỏ ra và hiệu quả chính sách đạt được, xem liệu sandbox có phải là công cụ phù hợp nhất hay không, hay những mô hình khác như trung tâm đổi mới sáng tạo (innovation hub) có thể đem lại kết quả tương tự với hiệu quả cao hơn.
Kết luận
Sandbox ngày càng trở thành công cụ gắn liền với đổi mới fintech và được đánh giá cao nhờ khả năng cung cấp bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ ra quyết định chính sách. Dù thiết kế sandbox có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhiều điểm tương đồng vẫn tồn tại do ảnh hưởng của bối cảnh thể chế và quốc gia.
Sandbox đã mang lại một số lợi ích trực tiếp đáng chú ý, chẳng hạn như góp phần thay đổi quy định, mở rộng phạm vi quản lý, cải thiện phương pháp giám sát và hỗ trợ nhiệm vụ thúc đẩy cạnh tranh của cơ quan quản lý. Đối với doanh nghiệp, chúng giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn những yêu cầu pháp lý cần tuân thủ.
Bên cạnh đó, các sandbox cũng tạo ra những lợi ích gián tiếp như thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong cơ quan quản lý và thu hút các công ty trong và ngoài nước gia nhập thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu những lợi ích này có đủ để chứng minh sandbox là cần thiết?
Câu trả lời phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu rõ ràng và đánh giá chi phí - hiệu quả so với các giải pháp chính sách thay thế. Việc triển khai sandbox, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không phải lúc nào cũng phù hợp và có thể gây áp lực cho cơ quan quản lý hoặc tạo ra rủi ro như làm méo mó cạnh tranh.
Trước khi triển khai, các cơ quan cần đánh giá kỹ bối cảnh pháp lý, năng lực nội bộ, mức độ phát triển của thị trường fintech và điều kiện thị trường chung. Sau khi triển khai, hoạt động của các doanh nghiệp trong sandbox cần được giám sát chặt chẽ. Đồng thời, hiệu quả và mức độ phù hợp của sandbox cũng cần được rà soát thường xuyên để đảm bảo tính linh hoạt, khả năng điều chỉnh nhanh và đóng góp vào môi trường chính sách - pháp lý chung. Sandbox nên hỗ trợ quá trình xây dựng khung pháp lý phù hợp, chứ không thể thay thế nó. Thực tế, việc triển khai sandbox lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của năng lực giám sát chuyên sâu và hiệu quả hơn.
* Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 4)
* Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 3)
* Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 2)
* Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 1)
Phòng Tư Vấn Vietstock