Công ty chứng khoán dự báo gì về thị trường sau cú sốc thuế quan?

date
04/04/2025 17:32

Công ty chứng khoán dự báo gì về thị trường sau cú sốc thuế quan?

Ngày 03/04, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tất cả choáng váng với mức thuế đối ứng vượt xa dự báo. Nỗi sợ cũng nhanh chóng chiếm lấy tâm trí nhà đầu tư và đẩy các chỉ số chứng khoán giảm sâu. VN-Index có phiên giảm điểm kỷ lục. Các công ty chứng khoán đã nhanh chóng ra báo cáo đánh giá nhanh về sự kiện này.

Chính sách thuế có sẽ ảnh hưởng thế nào với nền kinh tế?

Đánh giá về tác động tới nền kinh tế, Khối phân tích của Chứng khoán MBS cho rằng thuế suất đối ứng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chú chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc da giày,… trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%),…

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1.

Mặt khác, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư Thương mại với nước này.

Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ năm 2024 đạt 119.5 tỷ USD, tương đương gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giá trị thặng dư thương mại ước tính đạt 104.4 tỷ USD. Kết quả này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024. Vì vậy với việc bị áp thuế ở mức 46% sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025.

Chính sách thuế mới cũng được đánh giá sẽ tác động tới chính sách điều hành lãi suất của Fed. Theo Chứng khoán Mirae Asset, bối cảnh chiến tranh thương mại hiện tại, cùng với các biện pháp thuế quan trả đũa dự kiến, nổi lên như một biến số quan trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong suốt năm 2025.

Trong biên bản dự phóng kinh tế tháng 3 được FOMC công bố, các quan chức Fed đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát cơ bản PCE năm 2025 lên 2.8% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với mức 2.5% được dự báo vào tháng 12/2024. Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2025 đã được điều chỉnh giảm từ 2.1% xuống 1.7%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 4.4%. Đáng chú ý, FOMC đã bày tỏ quan ngại về tác động của chiến tranh thương mại thông qua kết quả dự phóng, mặc dù các dự báo cơ sở ban đầu chưa tính đến các mức thuế ở quy mô hiện tại (ngoại trừ mức thuế toàn diện mang tính "chiết khấu" 10% áp dụng cho tất cả các quốc gia còn lại).

Thị trường chứng khoán cần thời gian để tìm điểm cân bằng

Báo cáo của Agriseco đánh giá thị trường đã đi ngang tích lũy chờ đợi thông tin về thuế quan trong giai đoạn vừa qua. Với việc thông tin thuế quan xấu hơn nhiều so kỳ vọng, thị trường sẽ điều chỉnh giảm mạnh về vùng tích lũy quanh 1,250 - 1,270 điểm trước khi tìm điểm cân bằng mới dựa trên kỳ vọng về Kế hoạch và kết quả kinh doanh năm 2025 của các doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, Chứng khoán Phú Hưng dự báo thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn, ít nhất là đến khi thuế quan chính thức có hiệu lực (09/04). Công ty chứng khoán này kỳ vọng chính sách ngoại giao tốt của Việt Nam cùng với sự chủ động của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được “deal” tốt hơn. Về dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và dựa nhiều hơn vào nội lực, mặc dù GDP 2025 theo PHS có thể chịu tác động giảm 0.5 - 1% so với dự báo trước đó.

Chứng khoán Mirae Asset duy trì quan điểm lạc quan rằng Việt Nam sẽ thành công phần nào trong việc hạn chế tác động của thuế quan về mức tối thiểu (10%), nhằm hướng đến kịch bản cân bằng lợi ích giữa các bên.

Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu dự kiến sẽ giảm tốc trong năm 2025 nhưng nhìn chung sẽ được bù đắp thông qua việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội địa, tiêu biểu như thúc đẩy đầu tư hạ tầng thông qua giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua đổi mới chính sách và tinh gọn bộ máy, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trong nước thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ và gia tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển nhà máy trở về Mỹ sẽ khó diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ cần giai đoạn chuyển giao cần thiết - đây cũng là khoảng thời gian quan trọng để Việt Nam tích cực đàm phán.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ sớm thành công đạt mục tiêu nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9 năm 2025 của FTSE Russell với nhiều động thái mang tính cấp thiết đến từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua ban hành và sửa đổi nhiều quy định nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến hệ thống giao dịch KRX (dự kiến chính thức triển khai từ 05/05), quy định về giao dịch cần không ký quỹ trước (NPF) và hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm.

Theo Mirae Asset, P/E của VN-Index ghi nhận 13.7 lần và duy trì trong vùng định giá hấp dẫn nằm dưới đường P/E bình quân 10 năm gần nhất tại 16.6 lần. Qua đó, tiếp tục củng cố triển vọng về các nhịp tăng trong trung và dài hạn song xu hướng phân hóa dự kiến sẽ chưa được cải thiện khi thị trường vẫn thiếu vắng các nhóm ngành mang tính dẫn dắt trong bối cảnh nhóm ngân hàng và FPT vẫn đang trong xu hướng hạ nhiệt sau giai đoạn tăng mạnh trong 2024.

Tuy vậy, vẫn phải xét tới tình huống xấu, trong kịch bản thận trọng nhất, Việt Nam sẽ không thành công trong việc thu hẹp mức thuế đối ứng về 10%, tâm lý giao dịch tiếp tục bi quan và khiến áp lực bán kéo dài thì vùng hỗ trợ phù hợp nhất sẽ kéo dài trong dải 1,125 - 1,150 điểm.

Các nhóm ngành sẽ bị tác động thế nào?

Chứng khoán Phú Hưng nhận định đà sụt giảm mạnh của chỉ số  phiên 03/04 đã khiến cho các chỉ số định giá của thị trường về mức rất hấp dẫn, thậm chí mức sụt giảm trong ngày gần như tương đương với đợt giảm vì Covid-19 - giai đoạn mà kinh tế phải “lock-down”. Các nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh sẽ là bất động sản, dệt may, thủy sản trong khi các nhóm ngành còn lại ít chịu tác động hơn và mức chiết khấu hiện tại mở ra cơ hội tích lũy dài hạn cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Theo MBS, mức thuế suất đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. Tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn có hiệu lực về mức thuế cam kết được áp dụng theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12/2001.

Vì vậy, MBS cho rằng các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện,… chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

Agriseco đánh giá các nhóm cổ phiếu sau sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Thứ nhất là nhóm xuất nhập khẩu và chủ đạo là qua Mỹ: Thủy sản, gỗ, dệt may. Thứ hai là nhóm đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua: tài chính, bất động sản. Thứ ba là nhóm ảnh hưởng gián tiếp từ FDI: Khu công nghiệp.

Theo đó, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế giải ngân giai đoạn hiện tại, giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn, lưu ý rủi ro call margin chéo trong các phiên tiếp theo. Đối với một số cổ phiếu bluechip không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế quan và có câu chuyện tăng trưởng trong năm 2025, có thể giải ngân tỷ trọng thấp tại các nhịp giảm mạnh của thị trường.

Yến Chi

FILI - 16:30:50 04/04/2025