Cử tri TPHCM kiến nghị siết quản lý thực phẩm, hỗ trợ lao động sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH TPHCM chiều 17/04, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm và đề nghị sửa đổi luật để tăng hiệu lực quản lý. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ lao động, cán bộ bị ảnh hưởng sau khi tinh gọn đơn vị hành chính, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và lao động nữ.
Chiều 17/04, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri là cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm thông tin về nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV. Buổi tiếp xúc ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến việc làm, giáo dục và đặc biệt là tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Về công tác tổ chức bộ máy, nhiều cử tri đề xuất cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với cán bộ và người dân bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính. Đồng thời, kiến nghị cần tăng cường kết nối giữa người lao động và trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho lực lượng dôi dư.
Đề cập lĩnh vực giáo dục, cử tri Võ Ngọc Bảo Trân (quận Tân Bình) góp ý về Luật Nhà giáo, đề xuất bổ sung quy định cho phép giáo viên mầm non, tiểu học nghỉ hưu sớm do môi trường làm việc đặc thù và áp lực cao. Bên cạnh đó, cần có chính sách giảm giờ làm, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho giáo viên từ 55 tuổi trở lên.
Lo ngại lớn nhất tại buổi tiếp xúc là vấn đề an toàn thực phẩm. Cử tri Phan Ngọc Hạnh (quận 3), Trần Thị Mến (quận 1) và Trần Thị Quỳnh Nga (quận 4) phản ánh tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn xảy ra. Nhiều cơ sở không có giấy phép, không đảm bảo quy trình vệ sinh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Các vụ việc gần đây gây bức xúc dư luận như: sản phẩm kẹo rau củ Kera bị nghi không đạt chất lượng; vụ làm giả 573 loại sữa bột tại Hải Dương; hay vụ cà phê bột giả ở Đắk Lắk… được cử tri viện dẫn để nhấn mạnh yêu cầu cấp bách siết quản lý chất lượng thực phẩm.
Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh và sửa đổi luật liên quan đến an toàn thực phẩm, xóa bỏ sự chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm nguy hại nhập khẩu và thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ người dân.
"Người tiêu dùng là đối tượng chịu rủi ro cao nhất nếu các cơ quan chức năng không đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm", cử tri Trần Thị Mến nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế số.
Tiếp thu ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá cao các phản ánh thực tiễn, sát với đời sống, góp phần giúp đại biểu có thêm căn cứ để kiến nghị chính sách. Các vấn đề thuộc thẩm quyền TP đã được đại diện sở ngành trả lời tại chỗ; những nội dung còn lại sẽ được tổng hợp, chuyển đến Quốc hội, các bộ ngành Trung ương và HĐND TP.
![]() Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi tiếp xúc |
Trao đổi với cử tri, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết TP đang cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ lịch sử là tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, hướng đến nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Quá trình này có tác động sâu rộng đến xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống gia đình và phụ nữ.
"Việc sáp nhập không chỉ nhằm tinh giản tổ chức mà còn tạo ra không gian phát triển mới, phát huy lợi thế từng vùng và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân", bà nhấn mạnh. Trong bối cảnh đó, phụ nữ cần xem đây là cơ hội để thể hiện năng lực, đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu phát huy phẩm chất "giỏi việc nước, đảm việc nhà", sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới với tinh thần chuyên nghiệp, nghiêm túc và bền bỉ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà ghi nhận và biểu dương đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ TP trong xây dựng và phát triển TPHCM. Theo bà, các công trình chào mừng đại lễ có dấu ấn đóng góp của phụ nữ ở nhiều lĩnh vực.
Để đáp ứng yêu cầu mới, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị tổ chức Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động, thích ứng với tinh gọn bộ máy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương lớn, giúp hội viên, người dân hiểu và ủng hộ quá trình đổi mới.
Tùng Phong