Danh mục tự doanh TCI chỉ giảm khoảng 20 tỷ đồng trong cú sập thị trường vừa qua
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sáng ngày 17/04, cổ đông TCI đặt câu hỏi về về tác động của diễn biến thị trường bất định hiện nay tới các mảng hoạt động chính của Công ty, đặc biệt là tự doanh. Ban lãnh đạo TCI đã có một số chia sẻ về vấn đề này.
Sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam, thị trường chứng khoán chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh. Chỉ trong 4 phiên từ 03/04 - 09/04, VN-Index giảm 17% về còn 1,094.3 điểm.
![]() Ông Nguyễn Khánh Linh - Chủ tịch HĐQT TCI trả lời câu hỏi cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 |
Chủ tịch HĐQT TCI Nguyễn Khánh Linh cho biết trong đợt giảm sâu vừa qua, danh mục tự doanh của Công ty chỉ giảm khoảng 20 tỷ đồng, mức giảm không đáng kể. Việc nắm lượng tiền mặt cũng giúp TCI mở ra cơ hội mua vào.
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Đông Hải - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết tự doanh là hoạt động truyền thống của TCI. Kết quả các năm cho thấy hướng tự doanh thận trọng với chiến lược thiên về đầu tư giá trị. Ông Hải đánh giá thị trường hiện tại biến động về giá và liên quan tới các hoạt động giải chấp, force sell là nhiều. Bản chất các doanh nghiệp mà TCI đầu tư không thay đổi nhiều về nội tại. Theo đó, Công ty đầu tư vào các ngành như ngân hàng, tiện ích (điện nước) và ngành hưởng lợi ở bối cảnh hiện tại như đầu tư công. Nếu trục xuất khẩu suy yếu thì sẽ tập trung vào đầu tư công.
Do đó, danh mục của TCI ít biến động. “Có thể giá bị biến động nhưng khi thị trường ổn định lại thì giá sẽ quay lại”, ông Hải cho biết. “Trên quan điểm thận trọng từ cuối quý 1, tự doanh đã giảm nắm giữ khá nhiều. Khoảng cuối tháng 4 hoặc tháng 5, 6 thì thị trường sẽ quay lại trước thời điểm giảm. Đây là cơ hội để tích lũy thêm các khoản đầu tư có tiềm năng phát triển trong tương lai”.
Theo ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hiếu, đợt giảm tuần trước rất đáng lo ngại. Sau khi thị trường bình thường trở lại thì khối lượng margin trên thị trường đã giảm rất nhiều và bình thường trở lại. Khi thị trường hoảng loạn, ban lãnh đạo Công ty cũng rất cân nhắc các khoản cho vay, may mắn là không có khoản nợ xấu nào.
Năm 2025, khi TCI tăng vốn sẽ có thể cho vay nhiều hơn. Vị Tổng Giám đốc cho biết Công ty tự tin ứng phó được với tình hình thị trường.
ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2025 với doanh thu gần 277 tỷ đồng, lãi trước thuế 125 tỷ đồng, lãi sau thuế 100 tỷ đồng, cao nhất 4 năm qua. So với năm trước, Công ty đặt mục tiêu tăng 76% về lợi nhuận sau thuế.
Nguồn: TCI |
Công ty xác định mảng tự doanh là nguồn đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận, ưu tiên phân bổ vốn trên cơ sở cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.
Ở mảng cho vay margin, TCI định hướng cho vay các cổ phiếu bluechip hoặc có nền tảng cơ bản tốt kèm yếu tố thanh khoản. Công ty thực hiện quản lý rủi ro cho vay tách bạch dựa theo đánh giá độc lập về doanh nghiệp của bộ phận phân tích với chủ trương an toàn vốn là yếu tố tiên quyết. Theo TCI, khó khăn của Công ty ở mảng này là nguồn vốn hạn chế, chi phí vốn chưa thực sự cạnh tranh.
Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của TCI ![]() Nguồn: VietstockFinance |
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, TCI lãi ròng quý 1/2025 gần 22 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Doanh thu trong quý phần lớn đến từ lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi cho vay, phải thu, lần lượt 27 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản lổ tài sản FVTPL chỉ ở mức gần 200 triệu đồng.
Về mặt chi phí, Công ty ghi nhận chi phí môi giới tăng 30% lên 8.5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 170% lên 16.2 tỷ đồng.
Cuối quý 1, số dư tiền mặt của Công ty đạt 468 tỷ đồng, tăng từ mức 187 tỷ đồng đầu năm. Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ở mức 367 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Các cổ phiếu nổi bật trong danh mục gồm BBT, HTP và HPG.
Nguồn: BCTC riêng lẻ quý 1/2025 TCI |
Chí Kiên