Dầu WTI tăng 3% lên cao nhất trong 5 tuần

date
01/04/2025 09:04

Dầu WTI tăng 3% lên cao nhất trong 5 tuần

Giá dầu tăng 2% lên mức cao nhất trong 5 tuần vào ngày thứ Hai (31/03), do lo ngại nguồn cung có thể giảm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện những đe dọa áp thêm thuế đối với Nga và có thể tấn công Iran.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/03, hợp đồng dầu Brent tiến 1.11 USD (tương đương 1.5%) lên 74.74 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.12 USD (tương đương 3.1%) lên 71.48 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 24/02 và là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu WTI kể từ ngày 20/02.

Phí bảo hiểm của dầu Brent so với dầu WTI đã giảm xuống còn 3.02 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.

Các chuyên gia phân tích cho biết khi chênh lệch của dầu Brent so với dầu WTI giảm xuống dưới 4 USD/thùng, thì sẽ không có quá nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế để các công ty năng lượng gửi tài qua đại dương để mua dầu thô của Mỹ, điều này sẽ dẫn đến xuất khẩu của Mỹ thấp hơn.

Ông Trump cho biết vào ngày 30/03 rằng ông “tức giận” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sẽ áp thuế 25%-50% đối với những người mua dầu Nga nếu ông cảm thấy Moscow đang cản trở nỗ lực của ông Trump nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Điều này cho thấy nguy cơ gia tăng rủi ro nguồn cung lớn hơn trong tương lai.

Điện Kremlin cho biết vào ngày 31/03 rằng Nga và Mỹ đang thảo luận các ý tưởng cho một giải pháp hòa bình có thể có ở Ukraine.

Ông Trump cũng doạ áp thuế thứ cấp với Iran nếu không đạt được thoả thuận về chương trình hạt nhân.

Một số chuyên gia phân tích tin rằng ông Trump có thể sẽ không thực hiện các lời đe dọa của mình, một quan điểm đang kìm hãm giá dầu vì chiến tranh thương mại leo thang sẽ gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu thô.

Một động thái khác có thể làm hạn chế nguồn cung dầu thế giới, chính quyền Mỹ đã thông báo cho tập đoàn dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol rằng giấy phép xuất khẩu dầu từ Venezuela của công ty này sẽ bị thu hồi. Repsol cho biết công ty đang đàm phán với chính quyền Mỹ về những cách công ty có thể tiếp tục hoạt động tại Venezuela.

Tại Mỹ, sản lượng dầu thô đã giảm 305,000 thùng/ngày xuống còn 13.15 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

Dấu hiệu nhu cầu tăng

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, hoạt động sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm vào tháng 3, một cuộc khảo sát về nhà máy cho thấy, với số đơn đặt hàng mới đã thúc đẩy sản xuất, qua đó hỗ trợ nền kinh tế khi phải đối mặt với cuộc chiến thương mại leo thang của Mỹ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát đã giảm mạnh hơn so với dự báo trong tháng 3, củng cố lập trường cho các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm các đợt hạ lãi suất tiếp theo từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay của người tiêu dùng, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

An Trần (Theo CNBC)

FILI - 08:02:31 01/04/2025