Đến lượt chứng khoán châu Âu bị bán tháo
Làn sóng bán tháo dữ dội đã quét qua thị trường châu Âu trong ngày 07/04, khi các chỉ số chứng khoán chuẩn lao dốc xuống mức đáy 16 tháng. Các nhà đầu tư đang phải vật lộn với nỗi lo suy thoái ngày càng hiện hữu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề tỏ dấu hiệu nhượng bộ về thương mại.
Chỉ số tổng hợp STOXX 600 toàn châu Âu đã sụt giảm tới 4.25%, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. Đức - nền kinh tế nhạy cảm nhất với thương mại tại châu Âu - chứng kiến chỉ số chuẩn DAX lao dốc 3.71%, nằm trong số những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực đồng Euro. Tại thời điểm tồi tệ nhất, chỉ số này đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh kỷ lục thiết lập vào tháng 3/2025.
Cuối tuần vừa qua, Trump đã thẳng thừng tuyên bố với các phóng viên rằng các nhà đầu tư sẽ phải "uống thuốc đắng" và ông sẽ không đạt thỏa thuận với Trung Quốc cho đến khi thâm hụt thương mại của Mỹ được giải quyết triệt để. Phát ngôn này đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo mới trên các thị trường châu Á.
"Chúng tôi đã có chút hy vọng trong cuối tuần rằng có lẽ chúng ta sẽ thấy khởi đầu của một cuộc đàm phán, nhưng những thông điệp mà chúng ta đã nhận được cho đến nay cho thấy Tổng thống Trump hoàn toàn không bận tâm với phản ứng của thị trường và ông ấy sẽ tiếp tục con đường này", Richard Flax, Giám đốc đầu tư tại Moneyfarm, nhận định.
Cổ phiếu ngân hàng châu Âu đang trên đà xác nhận thị trường gấu với những "gã khổng lồ" Đức như Commerzbank và Deutsche Bank lần lượt sụt giảm 10.7% và 10% chỉ trong một ngày giao dịch.
Ngay cả những cổ phiếu từng được coi là điểm sáng cũng không thoát khỏi làn sóng bán tháo. Các nhà đầu tư đã vội vã chốt lời ở cổ phiếu của các nhà sản xuất vũ khí quốc phòng - nhóm vốn đã tăng vọt hồi đầu năm nay nhờ triển vọng chi tiêu quốc phòng cao hơn. Nhà sản xuất xe tăng Rheinmetall giảm 10%, trong khi Hensoldt, Rheinmetall và Renk cũng sụt giảm từ 8% đến 12%.
Đối mặt với tình hình căng thẳng, các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) đang gấp rút cân nhắc phê duyệt gói biện pháp đối phó đầu tiên nhắm vào tối đa 28 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ trong những ngày tới. Khối 27 quốc gia đang phải đối mặt với thuế nhập khẩu 25% đối với thép, nhôm và ô tô, cùng thuế "có đi có lại" 20% áp dụng từ ngày 09/04 đối với gần như tất cả hàng hóa khác.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra dự báo đáng lo ngại khi ước tính rằng thuế quan toàn diện của Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng khu vực đồng Euro 0.3 điểm phần trăm trong năm đầu tiên. Nếu EU áp dụng thuế quan đáp trả, thiệt hại có thể tăng lên tới nửa điểm phần trăm.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất của cả ECB lẫn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đối mặt với tình hình khó lường, Barclays đã buộc phải cắt giảm mạnh dự báo cuối năm cho STOXX 600 xuống còn 490 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 580 điểm mà họ dự báo vào tháng trước. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng thừa nhận rằng "việc đưa ra dự báo cụ thể có giá trị rất ít ở giai đoạn này - không có tiền lệ, cũng không có khuôn khổ cơ bản nào để dựa vào cho cuộc khủng hoảng này”.
Chỉ số chuẩn châu Âu hiện đã thấp hơn khoảng 17% so với mức đỉnh kỷ lục đạt được vào tháng 3, thời điểm trước khi lo ngại về hậu quả kinh tế từ chính sách thương mại của Trump bắt đầu làm đảo lộn hoàn toàn đà tăng trưởng của thị trường toàn cầu.
Vũ Hạo (Theo Reuters)