ĐHĐCĐ Bidiphar: Kế hoạch lãi trước thuế 335 tỷ, đẩy mạnh phân phối đa kênh

date
28/04/2025 17:02

Dịch vụ

ĐHĐCĐ Bidiphar: Kế hoạch lãi trước thuế 335 tỷ, đẩy mạnh phân phối đa kênh

“Kết thúc quý 1/2025, DBD ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hơn 20%. Hiện thị phần thuốc điều trị ung thư của Bidiphar đứng đầu trên toàn quốc, thị phần dịch thận đứng thứ 2 toàn quốc”, bà Phạm Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên CTCP Dược – trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) ngày 26/04.

Năm 2025, DBD đặt kế hoạch doanh thu 2,000 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, tăng nhẹ 3.3%, cổ tức tối thiểu 20%.

Theo DBD, với dân số ngày càng tăng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn, ngành dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phát triển. Bidiphar, với lợi thế là một trong những doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn cao, đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) và mở rộng danh mục sản phẩm, đặc biệt là các nhóm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Đồng thời, công ty cần chủ động trong việc nội địa hóa nguồn nguyên liệu, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ để gia tăng năng lực cạnh tranh. Hiện nay khoảng 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm phải nhập khẩu, chủ yếu từ Ấn Độ và Trung Quốc, khiến ngành dễ bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá và nguồn cung.

Cụ thể, DBD sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh để tiếp tục phát triển thị phần và doanh thu các nhóm mặt hàng chủ lực như Thuốc ung thư, Dung dịch thẩm phân, Kháng sinh ,...

Mở rộng hệ thống phân phối, phân phối qua đa dạng kênh bán hàng (bệnh viện, nhà thuốc, chuỗi nhà thuốc, thương mại điện tử, xuất khẩu, ...) nhằm nắm bắt xu hướng phát triển chung của thị trường.

Thực tế, hoạt động phát triển khách hàng Kênh OTC ngày càng khó khăn do sự xuất hiện của các chuỗi nhà thuốc hiện đại tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà thuốc truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới để giữ vững thị phần. Đồng thời, còn bị ảnh hưởng của các chính sách về thuế và pháp lý đối với Cơ sở bán lẻ.

DBD đã tập trung mở rộng các khách hàng kênh bệnh viện, đồng thời tăng cường hợp tác với chuỗi nhà thuốc và công ty phân phối.

Song song đó là nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới; phát triển năng lực, nâng tầm lãnh đạo cấp trung; …

Đối với việc đầu tư các nhà máy, Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ, tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng – đang trong quá trình xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành trong năm 2026-2027. Dự kiến trong năm 2025 sẽ giải ngân hơn 570 tỷ đồng cho dự án này.

Nhà máy sản xuất Thuốc điều trị ung thư có 2 Dây chuyền sản xuất là Dây chuyền thuốc tiêm và Dây chuyền thuốc viên. Công ty đã hoàn thành xây dựng và mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị.

Trong đó, với dây chuyền thuốc tiêm: Đã đạt chứng nhận GMP-WHO. Công ty vẫn đang trong quá trình nâng cấp Dây chuyền để đạt tiêu chuẩn GMP-EU, dự kiến hoàn thành trong năm 2028-2029. Dây chuyền thuốc viên đã đạt chứng nhận GMP-WHO. Công ty đang trong quá trình nộp Hồ sơ đăng ký cho các sản phẩm sản xuất trên Dây chuyền này, năm 2024 đã nộp 4 hồ sơ và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.

Chia cổ tức tiền mặt 20%

Năm 2024, DBD ghi nhận danh thu 1,817 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 325 tỷ đồng. Tại Đại hội, ghi nhận ý kiến đề xuất của cổ đông, ĐHĐCĐ thống nhất việc chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu như tờ trình ban đầu.

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc phát hành tối đa 1.12 triệu cổ phiếu ESOP (tương ứng 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho CBCNV, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm.

Nội dung tiếp tục được xem xét thông qua là thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư (đã thông qua ở ĐHĐCĐ năm trước nhưng chưa thực hiện được vì chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp).

Theo đó, DBD sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để chào bán riêng lẻ tối đa 23.3 triệu đơn vị, tương ứng 24.91% lượng cổ phiếu lưu hành. Giá chào bán cụ thể được HĐQT xác định theo thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 50,000 đồng/cổ phiếu.

Nguồn vốn huy động được sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư của Công ty để thực hiện hoạt động đầu tư cho 02 Dự án đã được ĐHĐCĐ thông qua (i) Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ, và (ii) Dự án Nhà máy OSD Non-Betalactam.

Thảo luận tại ĐHCĐ:

Đại diện Quỹ đầu tư Phát triển Bình Định: Đề nghị thông tin về hoạt động xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của DBD?

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc: Doanh thu xuất khẩu khiêm tốn so với tổng doanh thu, năm 2024 là gần 21 tỷ đồng, chủ yếu là thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh.

Hoạt động xuất khẩu của công ty chịu sự tác động bởi năng lực phát triển thị trường quốc tế của công ty còn hạn chế; một số đối tác yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cao, đặc biệt là phải đạt chuẩn EU-GMP nên nhà sản xuất Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh. Đối với thuốc đạt tiêu chuẩn GMP -WHO thì Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các nhà cung cấp Ấn Độ và Trung Quốc về giá thành sản phẩm nên khả năng trúng thầu của các nhà cung cấp Việt Nam không cao.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới biến động nên có rủi ro không thu được tiền sau khi xuất khẩu hàng hóa nếu điều khoản thanh toán tại hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài không yêu cầu thanh toán trước khi giao hàng.

Định hướng xuất khẩu 2025 sẽ như thế nào?

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc: Năm 2025 công ty chưa đủ nguồn lực để phát triển ở thị trường nước ngoài và vẫn tập trung phát triển trong nước.

Đối với CTCP, theo quy định của Nghị định 167 trong đó vốn Nhà nước nắm giữ dưới 50% thì lợi nhuận sau khi phân phối các quỹ phải được chia toàn bộ cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt. Do đó, cổ đông đề nghị DBD chia cổ tức 2024 bằng tiền mặt và tăng tỷ lệ. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, cổ đông không đồng ý phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư vì tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ giảm dẫn tới làm suy giảm quyền chi phối của cổ đông Nhà nước đối với hoạt động của Công ty?

Bà Phạm Thanh Hương, Tổng Giám đốc và ông Tạ Nam Bình, Chủ tịch HĐQT:

HĐQT đã cân nhắc nhiều phương án chia cổ tức, hiện công ty đang đầu tư nhiều và cần nguồn vốn nên đề xuất phương án trả bằng cổ phiếu năm 2024.

Nếu ĐHĐCĐ biểu quyết chọn trả cổ tức 2024 bằng tiền mặt thì đồng nghĩa vốn đuầ tư cho các dự án sẽ cạn kiệt và toàn bộ nguồn vốn kinh doanh của công ty sẽ phải vay ngân hàng. Ngoài ra công ty sẽ không còn tiền mặt để chi trả cổ tức 2025, do đó công ty sẽ phải phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2025.

Để thống nhất chi trả cổ tức năm 2024, Đại hội tiến hành biểu quyết.

Đại diện cổ đông quỹ Đầu tư giá trị Bảo Việt: Tình hình kinh doanh quý 1/2025, trong đó cơ cấu các dòng sản phẩm, các kênh ETC, OTC và so sánh với thị trường chung?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Kết quả doanh thu quý 1/2025 tăng 25% và lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty cũng gặp nhiều thách thức trước mắt. Hiện nay, trên cả nước đã có 3 nhà máy sản xuất thuốc ung thư đạt tiêu chuẩn GMP-EU nên công ty cũng đang phải nỗ lực để cạnh tranh với các nhà sản xuất này trong năm tới.

Hai dòng thuốc chủ lực là thuốc điều trị ung thu và dịch thận có tỷ lệ tăng trưởng cao, trung bình 20-25%/năm trong 5 năm qua. Tỷ lệ tăng trưởng của 2 dòng thuốc này có tiếp tục duy trì thời gian tới, đặc biệt là trong điều kiện nâng cấp nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU diễn ra chậm?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Thị phần thuốc điều trị ung thư của Bidiphar đứng đầu trên toàn quốc, thị phần dịch thận đứng thứ 2 toàn quốc

Tốc độ tăng trưởng kinh doanh kênh OTC 2 năm qua tương đối chậm, công ty có kế hoạch gì? Nếu công ty mở rộng kênh phân phối bán lẻ nhà thuốc thì khó khăn là gì?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Tỷ lệ thị trường tăng trưởng chung 8%, trong đó tỷ lệ tăng trưởng đối với chuỗi nhà thuốc là trên 27%, còn với kênh phân phối lẻ thì tốc độ tăng trưởng âm. Khách hàng chính của công ty là các nhà phân phối truyền thống.

Định hướng của Công ty trong năm tới là đa dạng hóa các kênh phân phối, tuy nhiên việc hợp tác với chuỗi nhà thuốc cũng gặp nhiều thách thức vì các nhà phân phối thuộc kênh này yêu cầu tỷ lệ chiết khấu cao và Công ty không thể chấp nhận được.

Khi chuyển hết qua kênh phân phối chuỗi nhà thuốc thì Công ty có thể bị lệ thuộc nên Công ty hết sức cân nhắc khi đàm phán với các nhà phân phối để giữ được thế chủ động trên thị trường.

Chia sẻ về xu hướng giá nguyên vật liệu API trong 2025 và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty là gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: xảy ra chiến tranh thương mại, công ty sẽ đối diện nhiều thách thức:

-      Chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy dẫn đến rủi ro vi phạm các gói thầu thuộc kênh bệnh viện. Do đó, công ty cần phải có kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu để đảm bảo hoạt động sản xuất khhông bị gián đoạn và quản lý các rủi ro tiềm ẩn.

-      Giá nguyên vật liệu có sự biến động tăng giảm, và việc nhập khẩu nguyên liệu cần nhiều thời gian, do đó cũng ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, doanh thu, tồn kho sản phẩm của Công ty.

-      Lạm phát, biến động tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam sẽ làm tăng giá đầu vào và làm giảm biên lợi nhuận Công ty.

Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng đã khởi công từ 2023 nhưng hiện tại tiến độ hoàn thành đang bị chậm so với dự kiến, vì sao?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng vào dự án này và đã dần hoàn thiện việc xây dựng Nhà máy và tòa trung tâm QA, QC và nghiên cứu phát triển.

Với hệ thống máy chính cho nhà máy, công ty đã ký kết hợp đồng với nhà cung cấp và trong giai đoạn ứng tiền, chưa thanh toán.

Hoạt động mua sắm phục vụ dự án, công ty thực hiện quy trình chặt chẽ theo tiêu chuẩn GMP-EU và đã làm việc với các nhà thầu. Đồng thời, công ty đã hoàn thành xây dựng URS (User Requirêmnt Specification – đặc tả yêu cầu người dùng) một cách hoàn thiện nhất để đáp ứng tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng.

Tới hiện tại, bước xây dựng URS và đấu thầu về cơ bản hoàn thành, Công ty đang ở bước ký kết hợp đồng với nhà thầu – cần thời gian tương đối nhiều nhưng sắp tới dự án sẽ được đẩy nhanh hơn để sớm hoàn thành.

Kết quả thắng kiện vụ Đông Nam, công ty dự tính đưa khoản nợ thu hồi được như một khoản lợi nhuận 2025 hay không?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Công ty Đông Nam hầu như không còn đứng tên là chủ sở hữu trên bất kì tài sản nào ngoài các tài sản có tổng giá trị tầm 100 tỷ đòng đang được thế chấp tại Ngân hàng. Vì vậy, công ty đang nỗ lực trong việc cử nhân sự giải quyết việc này tại TP.HCM và tích cực làm việc với cơ quan thi hành án để tìm phương án giải quyết, thu hồi khoản nợ theo bản án.

Đại diện cổ đông Quỹ đầu tư thu nhập thụ động VCBF: Vướng mắc làm chậm tiến độ của các nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-EU là gì? Vừa sản xuất vừa nâng cấp nhà máy có ảnh hưởng gì không? Công suất nhà máy ra sao?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Trong quá trình đầu tư nâng cấp các nhà máy để đạt tiêu chuẩn GMP-EU, phần mềm có một số sai sót trong quá trình thẩm định và bảo toàn dữ liệu. Do đó, công ty phải khắc phục và làm lại phần mềm. Đồng thời, nhà máy cũng phải hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu đơn đặt hàng nên việc sản xuất và khắc phục diễn ra song song, theo đó tiến độ bị chậm.

Công suất nhà máy là trung bình 1 lô/ngày. Trường hợp nhu cầu tăng lên, công ty sẽ có kế hoạch tăng cỡ lô để đáp ứng.

Nhà máy sản xuất thuốc viên điều trị ung thư đã đăng ký thành công cho 4 sản phẩm. Khi nào công ty sẽ hoàn thành việc đăng ký các sản phẩm thuốc thuộc danh mục sản phẩm của nhà máy và dự kiến khi nào thương mại hóa?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Dự kiến năm 2025, Công ty sẽ được cấp toàn bộ số đăng ký cho các sản phẩm thuốc viên điều trị ung thư thuộc danh mục các sản phẩm của nhà máy này. Vì các sản phẩm thuốc này được sản xuất theo tiêu chuẩn GMP nên thời gian thẩm định, theo dõi độ ổn định thuốc cần nhiều thời gian nên thời gian hoàn thành thủ tục xin cấp số đăng ký lưu hành thuốc kéo dài hơn so với trình tự thông thường.

Việc trồng và phát triển khu dược liệu như thế nào?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Công ty đã thực hiện dự án trồng dược liệu tại xã An Toàn, huyện An Lão với phương châm đặt chất lượng lên hàng đầu. Do đó, giá thành các sản phẩm dược liệu của Công ty cao hơn hẳn so với giá thị trường.

Thực tế, Công ty vẫn đang bù lỗ cho dự án dược liệu nhưng cố gắng duy trì dự án theo chiến lược phát triển quốc gia về dược và chứng minh chất lượng sản phẩm Công ty.

Hóa chất công ty dùng trong sản xuất được thu mua từ Trung Quốc và Ấn Độ, sao không lựa chọn từ các nước khối châu Âu để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Toàn ngành dược thì nhập khẩu nguyên liệu hóa dược 90% từ các nhà cung cấp tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Với Công ty, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc ung thư được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia châu Âu với tỷ trọng cao vì các nhà cung cấp tại châu Á không thể cung cấp. Chỉ có một số loại nguyên liệu Công ty mới nhập khẩu từ nhà cung cấp Ấn Độ, Trung Quốc nhưng tiêu chí chọn lọc kỹ lưỡng.

Công ty nêu cụ thể việc hợp tác với Buymed?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hợp tác với Buymed là cách đa đạng hóa kênh phân phối, cụ thể là phân phối qua nền tảng số.

Năm 2024, công ty hợp tác với Buymed để sử dụng kênh của đối tác này nhằm gia tăng sự tương tác với khách hàng. Năm 2025, công ty tiếp tục hợp tác với Buymed để bổ sung một số nội dung giúp gia tăng việc tiếp cận khách hàng.

Tiến độ hợp tác với đối tác Thụy Sĩ với sản phẩm thuốc dịch thận?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Đối tác là Công ty Crearene AG (Thụy Sĩ) có sự thay đổi CEO nên dự án hợp tác với Công ty phải tạm dừng lại. Sau khi đối tác này bổ nhiệm được CEO mới sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hợp tác.

Kim Ngân

FILI - 16:00:00 28/04/2025