Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Điện Quang: Đặt kỳ vọng vào xuất khẩu trong bối cảnh thuế quan bất ổn
Sáng 26/04, CTCP Tập đoàn Điện Quang (HOSE: DQC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại TP Thủ Đức trong bối cảnh Doanh nghiệp vừa trải qua năm thứ 2 liên tiếp thua lỗ. Các chỉ tiêu đặt ra trong năm nay đều được cổ đông thông qua với lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, không chia cổ tức để tái đầu tư và phục hồi tài chính.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của DQC diễn ra sáng ngày 26/04 tại TPHCM - Ảnh: Tử Kính |
Chủ tịch xin lỗi nhưng không muốn trình bày lý do kết quả thua lỗ
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Hồ Quỳnh Hưng gửi lời xin lỗi đến toàn thể cổ đông vì kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng trong năm 2024. Ông thẳng thắn nhận trách nhiệm trước đại hội và cam kết cùng Ban điều hành sẽ điều hành quyết liệt, nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm 2025 nhằm đưa Điện Quang trở lại đà tăng trưởng. "Chúng tôi không muốn dành quá nhiều thời gian để trình bày các nguyên nhân hay lý do", ông nói đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, góp ý xây dựng từ các cổ đông trong giai đoạn tới.
Năm 2024, Điện Quang ghi nhận doanh thu hơn 813 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước; lỗ trước thuế 121 tỷ đồng, mức kỷ lục, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tính đến cuối năm ngoái, Công ty lỗ lũy kế 86 tỷ đồng.
![]() Chủ tịch DQC Hồ Quỳnh Hưng phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 - Ảnh: Tử Kính |
Quý 1/2025 lãi trước thuế 2.3 tỷ đồng
Quý 1/2025, doanh thu của Công ty nhìn chung đi ngang so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.35 tỷ đồng, trong đó chưa ghi nhận nhiều từ mảng xuất khẩu do tập trung đơn hàng rơi vào tháng 4.
“Chúng tôi tin rằng từ quý 2 trở đi, khi các đơn hàng xuất khẩu được ghi nhận, kết quả sẽ tích cực hơn”, ông Hưng cho biết.
Liên quan đến việc đầu tư vào CTCP Rạng Đông Healthcare, Chủ tịch DQC cho hay, mục tiêu của thương vụ này là chiến lược hỗ trợ mảng xuất khẩu. Rạng Đông Healthcare có kinh nghiệm sản xuất thiết bị y tế, có khách hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Đồng thời, Công ty cũng đang cần mở rộng năng lực sản xuất nhựa kỹ thuật, nên đầu tư vào Rạng Đông Healthcare là bước đi để tận dụng năng lực đôi bên, chia sẻ hạ tầng, phục vụ chung cho chiến lược xuất khẩu dài hạn.
“Đối với chiến lược trung và dài hạn giai đoạn 2025–2030, tôi xin nhấn mạnh rằng 3 trụ cột phát triển chính của Điện Quang là: mảng truyền thống (giữ ổn định), mảng điện mặt trời áp mái (tăng trưởng nhanh), và mảng xuất khẩu (mở rộng thị trường toàn cầu). Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư có chọn lọc, nâng cao hiệu quả vận hành và tận dụng mọi cơ hội thị trường để từng bước đưa Điện Quang trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững”, lời Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng.
Thị trường điện dân dụng hiện nay cạnh tranh cao
Ông Hưng chia sẻ về chiến lược của Công ty trong năm 2025 là chia hoạt động kinh doanh thành 3 nhóm chính để tập trung nguồn lực một cách có trọng điểm. Thứ nhất là mảng truyền thống – tức nhóm sản phẩm chiếu sáng, điện dân dụng...
“Chúng tôi xác định mục tiêu trong năm nay là 'đi ngang', tức giữ ổn định, không đặt nặng tăng trưởng”, ông Hưng nói và cho biết lý do là vì mảng truyền thống – tức nhóm sản phẩm chiếu sáng, điện dân dụng hiện nay rất khó khăn, thị trường bão hòa, cạnh tranh cao. Để tăng trưởng doanh thu thì buộc Công ty phải mở rộng công nợ.
Trong khi đó, chiến lược tài chính năm nay của Công ty là ưu tiên dòng tiền, tránh tạo áp lực công nợ lớn, nên chỉ tập trung vào những dòng hàng có biên lợi nhuận tốt, có khả năng cạnh tranh, chứ không chạy theo doanh số bằng mọi giá.
“Mục tiêu mảng này là hiệu quả, không phải quy mô”, lời ông Hưng.
Thứ hai là năng lượng mặt trời áp mái (solar). Đây là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong thời gian tới. “Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp giải pháp điện mặt trời với một tập đoàn bán lẻ lớn, hiện đang trong giai đoạn thi công gấp rút để bàn giao đúng tiến độ”, ông Hưng chia sẻ và từ chối nêu tên đối tác cụ thể vì lý do bảo mật và yêu cầu từ phía khách hàng.
Lãnh đạo DQC nhìn nhận đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng thực tế của mảng solar. Điện mặt trời hiện là một xu hướng rõ rệt của thị trường, không chỉ ở mảng dân dụng mà cả trong thương mại. Đặc biệt, với các showroom, cửa hàng bán lẻ... thì hiệu suất đầu tư rất tốt, chỉ khoảng 2-2.5 năm là hoàn vốn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng không tránh khỏi khó khăn, một trong số đó là vấn đề tài chính. Nhiều khách hàng muốn đầu tư nhưng không có sẵn nguồn vốn. Trong khi đó, bản thân Công ty cũng không đủ nguồn lực để tài trợ hoàn toàn, nên DQC đang hợp tác với một số quỹ tài chính, đặc biệt là các quỹ nước ngoài, để hỗ trợ khách hàng triển khai.
Với các dự án như của đối tác bán lẻ lớn nói trên, DQC đóng vai trò cung cấp thiết bị, giải pháp kỹ thuật, còn phần tài chính là do các quỹ đảm nhiệm. Mô hình này giúp Công ty giảm rủi ro dòng tiền nhưng vẫn tham gia vào một thị trường có tiềm năng.
Đặt kỳ vọng cao vào xuất khẩu
Mảng thứ ba là xuất khẩu, cũng là mảng chúng tôi đặt kỳ vọng cao trong giai đoạn tới. Trong quý 1 và đầu quý 2/2025, xuất khẩu tăng trưởng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù doanh số tuyệt đối chưa lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng cho thấy tín hiệu rõ ràng từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Các khách hàng nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu, đang tìm kiếm các nhà máy thay thế để tránh rủi ro chính sách từ Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không chọn nhà máy mới một cách ngẫu nhiên, mà là những đối tác đã có sự chuẩn bị từ trước, và đây là điểm mà Điện Quang có lợi thế, vì nhà máy của Công ty đã sẵn sàng cả về năng lực và tiêu chuẩn quốc tế.
“Thuế quan 5-10% vẫn cạnh tranh được”, ông Hưng tự tin nói. Tuy nhiên ông cũng cho rằng rủi ro của mảng xuất khẩu nằm ở chính sách thuế quan. Cơ hội đến từ xu hướng dịch chuyển, nhưng rủi ro là nếu bị áp thuế quá cao so với Trung Quốc hoặc các nước trong khu vực thì sẽ mất cạnh tranh.
“Theo đánh giá hiện tại, nếu mức chênh lệch chỉ khoảng 5-10%, chúng ta vẫn cạnh tranh được. Nhưng nếu bị áp thuế tới 40-50% thì rất khó. Dù vậy, trong tháng 4, đơn hàng xuất khẩu đã tăng đột biến, nhà máy hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu. Đây là một tín hiệu tích cực cho quý 2”, Chủ tịch DQC cho biết.
Riêng câu hỏi về ảnh hưởng từ chính sách thương mại của Mỹ, Ông Hưng nhấn mạnh lại: “Rủi ro lớn nhất là nếu Mỹ đánh thuế quá cao với hàng xuất khẩu từ Việt Nam – nhưng theo dự báo hiện tại, khả năng này không cao. Nếu chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn các nước khác một chút, chúng ta vẫn có thể cạnh tranh tốt. Công ty vẫn đang theo dõi sát diễn biến và chuẩn bị các phương án linh hoạt”.
Năm 2025, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 1,000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế ở mức 20 tỷ đồng, kỳ vọng đánh dấu sự trở lại với lợi nhuận sau 2 năm thua lỗ. Cổ tức năm 2025 dự kiến không được chia để ưu tiên tái đầu tư và phục hồi tài chính. Bên cạnh đó, tập trung kiểm soát hàng tồn kho, xử lý công nợ.
Định hướng chiến lược giai đoạn 2025 - 2028, tầm nhìn đến 2030, Điện Quang tập trung phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, xuất khẩu, cung cấp giải pháp chiếu sáng trọn gói và mở rộng mảng điện năng lượng mặt trời.
DQC vừa lỗ năm thứ 2 liên tiếp do tăng trích lập dự phòng | ||
Tử Kính