ĐHĐCĐ HBC: Dự kiến thu hồi 1,800 tỷ đồng nợ khó đòi trong 3-5 năm

date
25/04/2025 18:51

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ HBC: Dự kiến thu hồi 1,800 tỷ đồng nợ khó đòi trong 3-5 năm

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức chiều ngày 24/04, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) chia sẻ về kết quả Công ty đạt được trong năm 2024 cũng như đưa ra những kỳ vọng đối với năm 2025.

Chủ tịch HĐQT HBC Lê VIết Hải phát biểu khai mạc ĐHĐCĐ thường niên 2025 theo hình thức trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Năm 2024 vẫn còn những "vết thương" chưa lành

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Lê Viết Hải chia sẻ 2024 là năm thứ năm liên tiếp Hoà Bình phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề từ đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị. Ngành xây dựng nói chung và đặc biệt là phân khúc công trình du lịch, nghỉ dưỡng - lĩnh vực trọng yếu của Hòa Bình vẫn còn những “vết thương” chưa lành. Thị trường bất động sản tuy có dấu hiệu hồi sinh nhưng vẫn còn chậm, cạnh tranh trong ngành xây dựng diễn ra vô cùng khốc liệt, đôi khi thiếu lành mạnh.

6 tháng đầu năm 2024, Hòa Bình không có dự án lớn, thu hồi nợ tuy khả quan nhưng còn chậm. Vốn chủ sở hữu vẫn còn rất thấp, tạo áp lực tài chính cho Ban Điều hành

Với BCTC bất lợi, HBC rất khó khăn vượt qua đánh giá tiền đấu thầu, không tham gia được các gói thầu hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ có dự án quy mô lớn mới phát triển thế mạnh của Hòa Bình.

Kể từ khi công bố BCTC soát xét nửa đầu năm 2024 (29/08/2024) đến đầu tháng 4/2025, Hòa Bình đã trúng thầu 14 dự án với tổng giá trị lên đến trên 8,500 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn như Eaton Park Thủ Đức (1,900 tỷ đồng), chung cư kết hợp dịch vụ thương mại H2 Hoang Huy Commerce tại Hải Phòng (1,500 tỷ đồng), NewTown Diamond Đà Nẵng (900 tỷ đồng).

Chủ tịch HBC cho rằng 2025 sẽ là năm khởi sắc của ngành xây dựng nói chung và Hòa Bình nói riêng. Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án đang bị đình trệ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục đạt giá trị ấn tượng, thể hiện sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác. Ngành du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Như vậy, cả 4 mảng nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có khả năng phát triển tốt trong năm 2025. Một số tổ chức tư vấn quốc tế đánh giá ngành xây dựng trong năm 2025 có thể đạt gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2024.

Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 9,000 tỷ đồng và lợi nhuận 360 tỷ đồng. Đây là mục tiêu thận trọng sau khi cân nhắc các yếu tố thị trường và năng lực tài chính của Tập đoàn.

Chủ tịch HBC kỳ vọng trong 3 năm tới, Hòa Bình khôi phục vị thế xứng đáng của mình.

Nhằm huy động nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ vay tại ngân hàng, HBC trình ĐHĐCĐ phương án chào bán 200 triệu cp riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10,000 đồng/cp. Số tiền thu được dự tính 2 ngàn tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Đoàn Chủ tọa HBC tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.

Thảo luận

Tại sao cổ phiếu HBC không tăng?

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam: Giá cổ phiếu do thị trường quyết định, ban lãnh đạo chỉ tập trung vào việc điều hành tốt nhất có thể để đạt được mục tiêu đặt ra.

Năm 2024, tuy HBC đạt được lợi nhuận tốt, vượt kế hoạch đặt ra nhưng chưa xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính, hầu hết đến từ việc chuyển nhượng tài sản, công ty con, cấu trúc thu hồi nợ, hoán đổi tài sản để thu hồi nợ nên hoàn nhập được một phần. Thị trường hiện chưa phản ánh hết giá trị của HBC. Với sự nỗ lực của HĐQT, kết quả kinh doanh của HBC sẽ phát triển. Khi kết quả kinh doanh tốt, hy vọng giá cổ phiếu sẽ cải thiện.

Tình hình kinh doanh quý 1/2025 của HBC?

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam: Thông thường ngành xây dựng trong quý 1 có kết quả tương đối thấp vì rơi vào những ngày đặc biệt như Tết, lễ. Bên cạnh đó, do đặc thù mùa vụ, công nhân Việt Nam nghỉ hơi dài nên kết quả kinh doanh quý 1 thường thấp nhất trong 4 quý. Ban Điều hành sẽ có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ để đạt được kế hoạch đề ra.

Kết quả đạt được tại thị trường nước ngoài? Mục tiêu mảng nước ngoài trong năm 2025 và trung hạn như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Kinh Luân: Trong những năm vừa qua, HBC tập trung phát triển các thị trường như Úc, Mỹ, Đông Nam Á (cụ thể là Campuchia) và một số nước ở Đông Phi. Năm 2024, HBC tiếp tục cung cấp dịch vụ quản lý dự án và vật liệu xây dựng cho thị trường Mỹ. Hiện Công ty đang thương thảo với đối tác ở bang California để tiến tới thỏa thuận liên doanh trong năm 2025. Đây là đối tác tại Mỹ có dự án rất lớn. Hy vọng năm 2025, HBC sẽ đạt được thỏa thuận liên doanh, qua đó sẽ có được hợp đồng để hai bên cùng thực hiện.

Tại Úc, HBC cũng đi những bước tương tự cho một số đơn vị và đang thương thảo một số hợp đồng liên doanh trong năm 2025-2026.

Năm 2024, HBC trúng thầu 4 dự án ở Kenya, tất cả là dự án nhà ở xã hội cho cảnh sát Kenya với tổng giá trị ký hợp đồng 70 triệu USD. Công ty đang thương thảo với các cơ quan của Kenya để thực hiện hợp đồng trong thời gian tới.

Tại Campuchia, HBC năm 2024 đã làm việc với nhà đầu tư về một số dự án hạ tầng và dân dụng.

Với tình hình tỷ giá hiện tại, kế hoạch đầu tư ở nước ngoài của HBC có ảnh hưởng không?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Kinh Luân: Các thị trường HBC tập trung ở nước ngoài là Mỹ, Úc và Campuchia, đặc biệt là Mỹ và Campuchia HBC hầu hết cung cấp dịch vụ tổng thầu và nhận thanh toán bằng USD. Điều này chỉ có làm tăng doanh thu khi quy đổi, nếu kiểm soát tốt chi phí thì sẽ tác động tích cực đến BCTC của HBC ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện tổng thầu, vật tư, vật liệu bị ảnh hưởng bởi tỷ giá USD nhưng ban lãnh đạo đã phòng ngừa rủi ro về tỷ giá khi tỷ giá USD tăng so với VNĐ.

Thuế quan khi nhập khẩu vật liệu vào thị trường Mỹ có ảnh hưởng đến HBC hay không?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Kinh Luân: Hiện tại đối với thị trường Mỹ, chính sách thuế giữa 2 quốc gia vẫn đang đàm phán song phương và chưa có kết luận. HBC vẫn đang theo dõi việc Mỹ sắp tới áp thuế lên một số mặt hàng liên quan chuỗi cung ứng của HBC tại thị trường Mỹ. Nếu trong thời gian tới mặt hàng lợi thế của HBC tại Mỹ bị đánh thuế cao, HBC sẽ có chiến lược để làm tăng tính cạnh tranh của HBC khi liên doanh, liên kết tại Mỹ.

Tại sao đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 2025 giảm so với năm 2024?

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam: Lợi nhuận 2025 được căn cứ từ những số liệu chi tiết, trong đó lợi nhuận gộp hoạt động sản xuất kinh doanh chính khoảng 450 tỷ đồng; phần chuyển nhượng dự án 600 tỷ đồng, sau khi trừ đi giá vốn còn lãi 300 tỷ đồng.

Các khoản phải thu cần hoàn nhập dự phòng theo tính toán là hơn 1.8 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2024, HBC thu được 600 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2025 sẽ thu ròng 200 tỷ đồng.

Hoạt động chuyển nhượng máy móc thu về khoảng 30 tỷ đồng, trước đó năm 2024 đã chuyển nhượng 600 tỷ đồng. HBC chỉ chuyển nhượng thiết bị không còn phù hợp hoặc không đảm bảo các thông số.

HBC cũng tiếp tục thoái vốn các công ty con và công ty liên kết, qua đó dự kiến thu về 60 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý khoảng 230 tỷ đồng, chi phí lãi vay 350 tỷ đồng và chi phí bán hàng 20 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh 2025 là tương đối thận trọng. Ban điều hành sẽ nỗ lực để làm tốt hơn để vượt kế hoạch đã trình Đại hội.

"Chắc chắn trong năm 2025 HBC sẽ không có rủi ro về hoạt động liên tục"

Công tác quản trị rủi ro của HBC như thế nào?

Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu: HĐQT đã trình ĐHĐCĐ thay đổi mô hình tổ chức, từ mô hình kiểm toán nội bộ sang mô hình ban kiểm soát. Hai mô hình này khác nhau về chức năng và đơn vị trực thuộc. Trong khi Ban Kiểm soát trực thuộc ĐHĐCĐ, nằm trên cả HĐQT thì Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT để kiểm soát hoạt động bên dưới.

Ban lãnh đạo tin rằng mô hình Ban Kiểm soát sẽ mang lại sự minh bạch và quản lý rủi ro tốt hơn, có cái nhìn khách quan hơn, đồng thời hỗ trợ cho cả cổ đông và HĐQT.

Ngoài ra, HBC đang tập trung các dự án dân dụng tại thành phố lớn, có nhu cầu ở thật, có tính khả thi cao với các chủ đầu tư như TCH, Gamuda. Đây là bước đi cụ thể để hạn chế rủi ro, tập trung vào các dự án nằm tại thành phố lớn, có nhu cầu ở thực của khách hàng uy tín.

Đối với phần thu hồi nợ, trong 620 tỷ đồng đã thu hồi, có 190 tỷ đồng là tài sản, HBC đang làm việc với môi giới để bán ra thị trường nhằm củng cố dòng tiền, giá bán tương đối tốt so với khi nhận lại từ chủ đầu tư. Chắc chắn trong năm 2025 HBC sẽ không có rủi ro về hoạt động liên tục, bởi dòng tiền của Công ty đã có sự cải thiện.

5 năm để thu hồi 1,800 tỷ đồng nợ khó đòi

Kế hoạch để hoàn nhập khoản trích lập dự phòng 1,800 tỷ đồng?

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam: Khoản phải thu dự kiến sẽ thu về hết trong từ 3-5 năm. Năm nay, HBC dự kiến thu được 400 tỷ đồng nhưng phải trích lập thêm 200 tỷ đồng nên tính tổng là 200 tỷ đồng như đề cập ở trên.

Trong năm 2024, Ban Điều hành đã làm quyết liệt, gặp chủ đầu tư để thương lượng, kết hợp với một số giải pháp để cân đối tài chính. Việc thu hồi nợ phải kiên trì chứ không còn con đường nào khác. Kế hoạch thu 200 tỷ đồng là khả thi. Việc đề ra kế hoạch thu xong trong 5 năm là hợp lý, ban điều hành sẽ cố gắng để xử lý xong trong 3-4 năm.

HĐQT HBC nhiệm kỳ 2025-2026. Ảnh chụp màn hình

Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.

Hà Lễ

FILI - 17:49:00 25/04/2025