ĐHĐCĐ Imexpharm: Hướng đến kỷ lục lợi nhuận 4 năm liên tiếp, SK chưa thoái vốn
HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) tiếp tục đặt mục tiêu phá kỷ lục kinh doanh tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức vào sáng ngày 25/04.
Phát biểu mở đầu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Sung Min Woo chia sẻ: “Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho tầm nhìn dài hạn để IMP hướng đến trở thành một công ty dược hàng đầu châu Á, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các công ty dược đa quốc gia”.
![]() Chủ tịch HĐQT Sung Min Woo - đại diện cổ đông lớn SK Group |
Chủ tịch IMP khẳng định đã đạt kết quả nổi trội hơn bất kỳ đối thủ nào trong năm 2024. Doanh thu thuần đạt hơn 2.2 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Kênh ETC tăng trưởng vượt bậc 56%, với tỷ trọng doanh thu từ thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn EU-GMP chiếm 33% tổng doanh thu. EBITDA đạt 521 tỷ đồng, tăng 12%, với biên lợi nhuận 24%, vượt kế hoạch đề ra. Dù có thêm chi phí khấu hao từ nhà máy IMP4, lãi trước thuế đạt 404 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước, hoàn thành 96% kế hoạch, cũng là kỷ lục lợi nhuận của Doanh nghiệp.
“Xét riêng ngành dược trong nước chỉ tăng 8%, và mức tăng của 5 công ty hàng đầu chỉ là 5%, thì những gì IMP làm được là rất đáng nể. Chúng tôi đã vượt lên vị trí thứ 3 chỉ sau Astrazeneca và Roche năm 2024” – ông Sung tiết lộ.
Hướng đến kỷ lục lợi nhuận 4 năm liên tiếp
Cho năm 2025, ĐHĐCD đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng của IMP với doanh thu mục tiêu đạt gần 2.65 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện 2024; lãi trước thuế kế hoạch gần 494 tỷ đồng, tăng 22%. Đáng chú ý, kể từ năm 2022, Doanh nghiệp đã liên tục phá kỷ lục lợi nhuận của chính mình. Nếu kế hoạch thành công, IMP sẽ có 4 năm liên tiếp phá kỷ lục.
Imexpharm đã có 3 năm liên tiếp phá kỷ lục kinh doanh | ||
Theo CEO Trần Thị Đào, năm 2024, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam (trừ vaccines) đã tăng trưởng 9%, nằm trong số các thị trường tăng nhanh nhất thế giới. Đồng thời, ghi nhận sự chuyển dịch sang phân khúc các loại thuốc giá trị cao vì tổng sản lượng tiêu thụ đi ngang trong gần 2 năm qua.
Kế hoạch kinh doanh 2025 của IMP ![]() Nguồn: IMP |
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất nhiều. Tỷ lệ nhập khẩu các yếu tố đầu vào cao khiến ngành dược Việt Nam phải đối mặt với áp lực lớn từ tỷ giá, cũng như sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu tăng trưởng liên tục, công suất sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc tế còn khiêm tốn. Lượng nhà máy đạt chuẩn EU-GMP và PIC/S còn hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận các thị trường khó tính. Hoạt động R&D còn nhỏ giọt, do vậy chưa tạo ra sản phẩm có giá trị đột phá trên toàn cầu.
Đổi lại, triển vọng ngành dược đang khá mạnh nhờ các chính sách, đặc biệt là Luật Dược sửa đổi 2024 và Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2045 (cơ hội mở rộng danh mục, rút ngắn thời gian cấp phép). Tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế đạt 93.35%, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng cũng tạo cơ hội để tăng trưởng doanh thu. Do vậy IMP tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm nay.
![]() Ban chủ tọa ĐHĐCĐ thường niên 2025 của IMP |
Để thực hiện mục tiêu, CEO Trần Thị Đào chia sẻ, Imexpharm sẽ tập trung vào R&D, mở rộng danh mục sản phẩm. Dự kiến, Doanh nghiệp sẽ ra mắt 16 sản phẩm mới trong năm 2025, tập trung vào phân khúc công nghệ cao như thuốc “first generic”, thuốc tương đương sinh học và các dạng bào chế phức tạp. Các sản phẩm mới theo kế hoạch sẽ đóng góp từ 5-10% doanh thu.
Bên cạnh đó, Công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy IMP5 theo chuẩn EU-GMP vào cuối năm 2025. Nhà máy có công suất thiết kế dự kiến 1.4 tỷ đơn vị sản phẩm, kỳ vọng giúp Doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, và củng cố vị thế tại phân khúc thuốc sản xuất trên dây chuyền EU-GMP.
Về thị trường, CEO IMP tiết lộ Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng tốc để mở rộng độ phủ. Trong đó, khu vực miền Bắc được xác định là trọng điểm chiến lược đã được tái cấu trúc hệ thống bán hàng, mở rộng đội ngũ, tinh chỉnh mô hình tiếp cận, và ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% số lượng khách hàng trong năm 2024. Trong quý 1/2025, mức tăng trưởng tiếp tục được duy trì.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc, IMP đặc biệt xem trọng vai trò chuyển đổi số, quản trị hiệu suất, cũng như đòn bẩy then chốt cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Về năng lực cạnh tranh, CEO Trần Thị Đào nhấn mạnh ba yếu tố then chốt giúp Imexpharm duy trì đà tăng trưởng vượt trội: năng lực sản xuất chuẩn EU-GMP, danh mục kháng sinh thế hệ mới với độ phủ rộng tại các bệnh viện. Doanh nghiệp hướng đến mở rộng sang các nhóm điều trị phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao.
Quý 1 tăng lãi 20%, SK có thể thay đổi tỷ lệ sở hữu nhưng chưa thoái vốn
Đáng chú ý, Doanh nghiệp mới công bố BCTC quý 1/2025. Trong đó, doanh thu đạt 594 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; lãi trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 95 tỷ và hơn 74 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 23% và 20%. Kết quả này tương ứng với 19% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Doanh nghiệp cho biết Công ty đã tiếp tục mở rộng thị trường trong quý 1, chủ động cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, quản lý hiệu quả chi phí bán hàng và chi phí quản lý để đạt thành quả trên.
Một nội dung khác, ĐHĐCĐ thông qua việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty, từ “không vượt quá 75%” lên 77.96% vốn điều lệ. Hiện tại, cổ đông nước ngoài lớn nhất của IMP là SK Investment Vina III thuộc SK Group, đang nắm gần 47.7% vốn điều lệ.
Theo Chủ tịch HĐQT Sung Min Woo: “SK hiện đang tiến hành tái cấu trúc danh mục đầu tư toàn tập đoàn, bao gồm tất cả các tài sản của SK trên toàn cầu. Do vậy, có khả năng sẽ có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu của SK tại Imexpharm trong tương lai”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Sung cho biết, do các yếu tố địa chính trị, thời điểm và hình thức cụ thể của việc thoái vốn vẫn chưa được xác định.
Bên cạnh đó, đại hội thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Đây nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy IMP có thể lấn sân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Nhu cầu thuốc kháng sinh dự báo gia tăng
Tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, đe dọa đến hiệu quả điều trị và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo IMP cho biết Doanh nghiệp đã chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển các dòng kháng sinh thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu.
Ông Lê Văn Nhã Phương, Phó Tổng Giám đốc khối Sản xuất, đồng tình với nhận định này, cho rằng tình trạng kháng kháng sinh hiện tại đang là vấn đề báo động. Tuy nhiên, với các điều kiện khí hậu của Việt Nam cùng một số thực trạng như ô nhiễm, cơ sở chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, ông Phương cho rằng nhu cầu kháng sinh sẽ vẫn còn tăng trưởng, dự báo tăng 7-9% trong thời gian tới.
“Khi trao đổi với các chuyên gia hàng đầu, chúng tôi nhận thấy việc tìm ra giải pháp có 2 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, kháng sinh phải dùng đúng liều, đúng lộ trình. Thực tế, bệnh nhân thường ngưng uống thuốc sau 1-2 ngày khi thấy triệu chứng thuyên giảm, trong khi kháng sinh đúng liều phải dùng 5-10 ngày. Như vậy, nhu cầu thực tế là tăng lên.
Thứ 2, kháng sinh cần có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu Bộ Y tế quyết liệt trong vấn đề này, nhu cầu cho thuốc kháng sinh sẽ không thay đổi đáng kể, mà chuyển dịch dần từ kênh OTC (nhà thuốc) sang ETC (thuốc kê đơn). Các doanh nghiệp mạnh về ETC như IMP sẽ hưởng lợi”.
Bên cạnh đó, ông Phương tiết lộ kế hoạch của IMP thời gian tới là hướng đến 3 nhóm điều trị trọng điểm ngoài kháng sinh, gồm thuốc tim mạch, tiêu hóa và tiểu đường. Những nhóm này hiện có quy mô thị trường hơn 50 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) và đang có mức tăng trưởng kép ổn định từ 8-13% mỗi năm, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu đường, khi nhu cầu điều trị liên tục tăng cao (theo IQVIA).
Ngoài ra, trả lời vấn đề về chiến lược thị trường, ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính cho rằng việc đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc đang mang lại hiệu quả tích cực về doanh số, thị phần và biên lợi nhuận. Đơn hàng từ các chuỗi nhà thuốc thường có khối lượng lớn, giúp công ty tối ưu hóa chi phí sản xuất nhờ tận dụng lợi thế kinh tế quy mô.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của IMP kết thúc với toàn bộ các tờ trình được thông qua.
Châu An