ĐHĐCĐ MB: Chia cổ tức 35%, mục tiêu vốn hóa tăng lên 10 tỷ USD
Sáng ngày 26/04/2025, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của MB được tổ chức sáng ngày 26/04/2025. |
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gần 10%
Năm 2025, MB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng gần 10% so với kết quả 2024, tương đương đạt khoảng 31,712 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tăng tổng tài sản 21.2%, đạt gần 1.37 triệu tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23.3%, tín dụng tăng 23.7% tùy thuộc theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1.7%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Chia cổ tức 2025 tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu và tiền mặt
Năm 2025, MB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 35%, trong đó 32% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt.
Liên quan phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, năm 2025, MB muốn tăng thêm tối đa 20,346 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua 2 hình thức.
Thứ nhất, chào bán 62 triệu cp riêng lẻ, tăng thêm 620 tỷ đồng từ việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Thứ hai, MB dự kiến phát hành hơn 1.97 tỷ cp để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32% từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của Ngân hàng năm 2024. Mệnh giá 10,000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành dự kiến gần 19,726 tỷ đồng. Số cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện trong năm 2025 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận.
Trước đó, MB đã tăng vốn lên 61,023 tỷ đồng sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn tất các phương án, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ 61,023 tỷ đồng (28/02/2025) lên 81,368 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7.7 ngàn tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh,...) là 12.6 ngàn tỷ đồng.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại sao ngân hàng lại lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ, trước đây, có nhiều tỷ lệ (tỷ lệ cho vay…) được tính dựa trên vốn chủ sở hữu nhưng theo luật mới thì tính trên vốn điều lệ. Đó là một trong những lý do hầu hết các ngân hàng lớn đều muốn tăng vốn bằng cách chia cổ tức để tăng năng lực phục vụ khách hàng.
Đây là lựa chọn của chúng ta, MB có thể không tăng vốn điều lệ và chỉ tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, MB lại phát triển đều 3 phân khúc có tỷ lệ gần như bằng nhau. Đây là lựa chọn chiến lược của Ngân hàng chứ không phải chỉ là lợi ích trước mắt.
Về thủ tục, việc tăng vốn chưa bao giờ là đơn giản, nhanh thì mất 2 tháng, nếu không sẽ lâu hơn nữa.
Mục tiêu gần nhất tăng quy mô vốn hóa lên 10 tỷ USD
Về câu hỏi liệu MB có kế hoạch nào để tăng trưởng vượt bậc quy mô vốn hoá 20-25 tỷ USD cho xứng đáng với tầm vóc của Ngân hàng, Chủ tịch Lưu Trung Thái cũng cho biết, hiện nay vốn hoá của MB đang ở mức khoảng 6 tỷ USD. Mục tiêu gần nhất là lên tới con số 10 tỷ USD. "Các cổ đông cứ bình tĩnh! Nếu duy trì được chất lượng hoạt động và hiệu quả khoảng 22-23%/năm và tăng trưởng quy mô vốn, giả sử nếu dừng chia cổ tức trong vòng 3 năm thì giá trị cổ phiếu MB chắc chắn tăng gấp 3, ít nhất tăng gấp đôi. Hiện giá trị thị trường của MB đã liên tục tăng từ 2023 sang 2024. HĐQT sẽ lên kế hoạch cho mục tiêu gần nhất là 10 tỷ USD", ông Thái nói.
Mua lại 100 triệu cp quỹ
HĐQT MB dự kiến mua lại 100 triệu cp, tương đương 1.6% vốn điều lệ. Mục đích mua lại nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB.
Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của Ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất thông qua phương thức khớp lệnh. Thời gian dự kiến mua lại trong năm 2025 và 2026 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước.
Chủ tịch Lưu Trung Thái chia sẻ thêm theo kế hoạch tăng vốn điều lệ gần 33%, Ngân hàng dự trù có phương án mua lại khoảng 100 triệu cp, tương ứng chưa đến 1.2%. Và Ngân hàng dự trù trong tình huống xấu nếu có vấn đề xảy ra giống như giai đoạn vừa chịu đựng khi Mỹ công bố chính sách thuế chẳng hạn.
Mua lại cổ phiếu quỹ là một biện pháp, một công cụ hỗ trợ cho thị trường, giúp ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn biến động. Đây là việc MB đã từng làm trong quá khứ và đã rất thành công. Hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng nhưng cung cấp một công cụ quan trọng trong giai đoạn có quá nhiều biến động hiện nay.
Góp vốn vào MBV không quá 5,000 tỷ đồng, bán vốn MBCambodia, MCredit
ĐHĐCĐ lần này còn có tờ trình thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án CGBB (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
MB sẽ góp vốn vào Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện đại (MBV) tối đa 5,000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Ông Vũ Thành Trung - Chủ tịch MBV chia sẻ thêm, khi nhận CGBB MBV thì không tác động đến các chỉ số tài chính của MB vì không hợp nhất vào báo cáo tài chính. Về các hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng có thể hoàn thành đề án theo kế hoạch là 10 năm. Để đạt được mục tiêu có lãi trong năm 2025, MB sẽ giữ nguyên phương án kinh doanh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong đề án 3 năm cho MBV.
MB sẽ hỗ trợ MBV rất mạnh mẽ về chuyển giao giải pháp và công nghệ. Chỉ qua công nghệ số thì MBV mới có thể có được doanh số như đề án mong đợi. Với quy mô nhỏ và mới, MBV sẽ tập trung vào việc chăm sóc khách hàng hiện hữu tốt hơn.
Ngoài ra, HĐQT cũng trình việc chuyển đổi hình thức pháp lý Ngân hàng đại chúng TNHH MB Cambodia (MBCambodia) thành hình thức liên doanh/cổ phần/hình thức khác phù hợp pháp luật Campuchia; chuyển đổi hình thức pháp lý Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MB Shinsei (MCredit) thành công ty TNHH một thành viên/cổ phần.
Đồng thời, góp vốn, mua, bán, chuyền nhượng, thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của MB dẫn tới MBCambodia, MCredit không còn là công ty con của MB.
Cùng với đó, MB lên kế hoạch thành lập Ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các quốc gia tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới của MB (như Hàn Quốc, Nhật Bàn, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Cát Lam