ĐHĐCĐ Siba Group: Mục tiêu doanh thu 10 ngàn tỷ năm 2030
Tại ĐHĐCĐ 2025 tổ chức vào sáng ngày 24/04, CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group, HOSE: SBG) thông báo kế hoạch kinh doanh giảm nhẹ về doanh thu nhưng lợi nhuận tăng đáng kể. Ngoài ra, Doanh nghiệp cho biết đang đặt mục tiêu đến 2030 sẽ đạt doanh thu 10 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, SBG đặt kế hoạch doanh thu hơn 3 ngàn tỷ đồng năm 2025, thấp hơn thực hiện 2024 gần 4.4%. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân do giảm tỷ trọng của mảng thương mại nông sản (theo kế hoạch giảm 17%/năm so với 2024), đồng thời tập trung vào các ngành có biên lợi nhuận cao hơn như cơ khí và năng lượng tái tạo.
Cũng nhờ việc chuyển dịch cơ cấu, kế hoạch lợi nhuận có sự cải thiện đáng kể với mục tiêu đạt 49 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm trước.
Đối với vốn điều lệ, Doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm tới. ĐHĐCĐ cũng thông qua việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, không chia cổ tức năm 2024.
![]() Nguồn: SBG |
SBG cho biết đã đặt ra một số mục tiêu triển khai trong năm 2025. Về mảng cơ khí, dự kiến nhà máy cơ khí công nghệ cao tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hoàn thành vào quý 3/2025, các hạng mục như phụ trợ, nghiệm thu… dự kiến triển khai trong tháng 6/2025 và đảm bảo tiến độ.
Theo ông Nguyễn Văn Đức – Tổng Giám đốc SBG, tổng mức đầu tư của dự án là 626 tỷ đồng. Dự án có thể đóng góp doanh thu khoảng 1,000 tỷ đồng/năm từ các sản phẩm cơ khí. Nhà máy sẽ sản xuất các thiết bị như hệ thống không khí và phòng sạch, sản phẩm gia công kim loại, và các thiết bị chăn nuôi như hệ thống silo và cho ăn tự động.
Ông Đức cũng chia sẻ, rủi ro cho dự án là biến động về giá vật tư và nhân công, chậm trễ giao, lắp đặt máy móc thiết bị, đặc biệt là các thiết bị phải nhập khẩu từ châu Âu. Ngoài ra là khó khăn thu hút nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên, Doanh nghiệp đã dự phòng bằng cách ký kết hợp đồng cung ứng dài hạn với nhà cung cấp tại châu Âu, đồng thời đàm phán giá nguyên, vật liệu, liên kết với các trường đào tạo kỹ thuật cao trong khu vực để đáp ứng về nhân sự.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp sẽ áp dụng các biện pháp để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, như đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất tự động để giảm chi phí nhân công, tăng cường hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, sẽ cải thiện quy trình bán hàng, tăng cường sử dụng hệ thống phân phối online để giảm chi phí marketing.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của SBG |
Về kế hoạch sử dụng vốn, SBG cho biết đã ký kết hợp đồng tín dụng hợp vốn trị giá 400 tỷ đồng từ bốn ngân hàng Đài Loan để đầu tư vào nhà máy cơ khí. Khoản vay này sẽ giúp công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đảm bảo vốn lưu động cho các dự án mới.
Mục tiêu doanh thu 10,000 tỷ đồng năm 2030
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đức chia sẻ về mục tiêu đến năm 2030 với định hướng chủ yếu học hỏi được nhiều kinh nghiệm kế thừa từ hệ sinh thái của Tập đoàn. Sau năm 2030, SBG mới hướng đến vươn ra thị trường bên ngoài.
Lãnh đạo SBG chia sẻ, Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 10,000 tỷ đồng vào năm 2030, bao gồm ba nhóm lĩnh vực chính là cơ khí công nghệ cao (thiết bị nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghiệp phụ trợ, hệ thống lạnh), năng lượng tái tạo (mặt trời, xử lý rác thải), và cho thuê trang trại chăn nuôi
Thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp đang nghiên cứu, chuẩn bị cho sự phát triển các lĩnh vực mới trong tương lai như xử lý chất thải/rác thải, cơ khí phụ trợ cho ngành ô tô, và lĩnh vực năng lượng. Trong đó, việc đầu tư xây dựng trang trại cho thuê được xem là một chủ trương đẩy mạnh trong năm 2025, và là "xương sống", hỗ trợ cho nền tảng cơ khí công nghệ cao. Lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể sau khi thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Theo ông Đức, ngành cơ khí hiện tại vẫn còn sơ khai. “Điểm trọng yếu là việc đầu tư vào hạ tầng, công nghệ, cũng như R&D. Trong năm 2030, ngành cơ khí có thể có quy mô tới 310 tỷ USD. SBG đang tập trung phát triển vào nhóm ngành công nghiệp trên nền nông nghiệp, chiếm tới 26% tổng dung lượng thị trường” – trích lời Tổng Giám đốc SBG.
Về mảng xử lý rác thải và môi trường – một trong những mảng SBG đang rất tập trung, ông Đức cho biết SBG hiện đang sở hữu 2 công nghệ: phân loại rác thải và làm phân vi sinh; và công nghệ đốt rác phát điện.
“TP.HCM hiện tại thải ra hơn 10 ngàn tấn rác/ngày, đa số là chôn lấp. 3 năm gần đây chỉ có 1-2 nhà máy tại Hà Nội để xử lý đốt rác làm điện, còn tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư. Công nghệ đốt rác phát điện còn hạn chế và chủ yếu nhập khẩu từ Đức hoặc kết hợp Trung Quốc, chi phí đầu tư nhà máy rất lớn, lên tới 5 ngàn – 7 ngàn tỷ/nhà máy”.
Tổng Giám đốc SBG cho biết, Doanh nghiệp đã có dự án xử lý rác thải với công suất 200 tấn/ngày tại Đắk Lắk. Công nghệ áp dụng là kết hợp vừa đốt, vừa làm phân sinh học, qua đó có thể xử lý cả những loại rác lớn như vỏ sầu riêng và biến chúng thành than sinh học để quay lại cải tạo đất lúa. Mục tiêu đến năm 2030, Doanh nghiệp sẽ có 2-3 nhà máy xử lý rác thải, gồm cả làm phân vi sinh và đốt rác phát điện.
“Chính sách nhà nước hiện trả tiền xử lý rác khoảng 25 USD/tấn tại TP.HCM, 32 USD/tấn tại Đà Lạt và Đồng Nai). Theo nghiên cứu của SBG, 100 tấn rác có thể tạo ra 2.83 MW điện”.
Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.
Châu An