ĐHĐCĐ TCL: Lập tổ đánh giá tác động thuế quan của Trump, bầu Chủ tịch mới
Sáng 04/04, CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 trong bối cảnh ngành logistics đối mặt nhiều biến động quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Mỹ.
Tại đại hội, lãnh đạo TCL đánh giá việc Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hoá từ Việt Nam là thông tin bất lợi. Mỹ hiện chiếm khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, nên bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
"Đây là thông tin cực kỳ bất lợi đối với chúng ta", ông Lê Văn Cường - Giám đốc TCL cho biết sau khi nhận được câu hỏi về tác động của mức thuế 46% từ chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó 1 ngày.
"Biên lợi nhuận các doanh nghiệp của chúng ta vốn đã hẹp, và mức thuế tăng đột biến như vậy sẽ tạo ra rào cản cạnh tranh lớn đối với hàng hoá xuất khẩu", lãnh đạo nói tiếp.
Dù không trực tiếp xuất nhập khẩu, TCL cung cấp dịch vụ logistics cho các hãng tàu và doanh nghiệp, và theo đó việc áp thuế quan cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
"Là một đơn vị trung gian, chúng tôi cũng ý thức rằng không có hàng hoá thì cũng không có dịch vụ để làm", ông Cường nói và cho hay Công ty đã lập tổ nghiên cứu để đánh giá tác động của chính sách mới, đồng thời làm việc với các đối tác nhằm tìm giải pháp ứng phó. TCL sẽ cập nhật tình hình, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nếu cần thiết và báo cáo cổ đông trong thời gian sớm nhất.
![]() Lãnh đạo TCL điều hành đại hội và trả lời các câu hỏi của cổ đông sáng 04/04. Ảnh: Tử Kính |
Kết quả quý 1/2025 tăng trưởng tích cực
Theo kế hoạch 2025, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu dịch vụ gần 1,700 tỷ đồng, tăng 6.5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 143 tỷ đồng, tăng 5%. Doanh nghiệp cũng sẽ trích khoảng 75 tỷ đồng, tương đương gần 1/4 vốn điều lệ, để chi trả cổ tức.
Sau năm 2024 kinh doanh khởi sắc với doanh thu vượt 1,600 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 146 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, TCL nhận định sản lượng hàng qua cảng Cát Lái trong năm nay chỉ tăng khoảng 1%. Trong khi đó, dịch vụ tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và hệ thống ePort, eDO đã hoàn thiện.
Về đầu tư, TCL sẽ chi khoảng 50 tỷ đồng cho các dự án xây dựng và trang bị thiết bị. Trong đó, khu vực Nhơn Trạch được phân bổ hơn 43 tỷ đồng cho các hạng mục như kho hàng, xử lý nước thải, nhà xưởng và nâng cấp văn phòng. Khoản còn lại dành cho depot Tân Vạn và mua sắm thiết bị tại cảng Cát Lái.
Đối với kết quả kinh doanh quý 1/2025, phía lãnh đạo không chia sẻ con số cụ thể nhưng cho biết doanh thu và lợi nhuận có mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Doanh thu và lợi nhuận TCL ghi nhận tăng trưởng liên tục thời gian qua | ||
Vẫn theo đuổi dự án depot Long Bình, công ty mẹ không có kế hoạch thoái vốn
Trả lời cổ đông về các dự án dài hạn, ông Cường cho biết TCL đang phối hợp với Tổng Công ty tháo gỡ các vấn đề pháp lý tại dự án depot Long Bình (Đồng Nai). Dù quỹ đất đã có, nhưng một số thủ tục còn vướng mắc. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển lớn và TCL tiếp tục theo đuổi dự án, dù cần thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Ngoài Long Bình, TCL cũng nghiên cứu nhiều dự án khác tại Đồng Nai, Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Tuy nhiên, quá trình triển khai phụ thuộc nhiều vào tiến độ pháp lý.
Trước câu hỏi vì sao biên lợi nhuận gộp có xu hướng giảm dù doanh thu tăng, lãnh đạo cho hay nguyên nhân đến từ áp lực cạnh tranh trong ngành logistics và chi phí thuê hạ tầng ngày càng cao. Hiện, Công ty vẫn thuê nhiều cơ sở hạ tầng trong khi các dự án đầu tư chưa đi vào khai thác.
Để cải thiện tình hình, TCL sẽ tiếp tục tối ưu chi phí, đánh giá lại chiến lược đầu tư và nghiên cứu chuyển hướng sang sở hữu tài sản cố định với các hạng mục có tính ổn định lâu dài.
Chiến lược phát triển dài hạn của TCL sẽ xoay quanh 3 trụ cột gồm mở rộng kho bãi, nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa vận hành. Công ty cũng khẳng định chưa có thông tin nào về việc công ty mẹ Tân Cảng Sài Gòn sẽ thoái vốn tại TCL từ nay đến năm 2030.
"Là đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho chuỗi sản xuất và vận hành của hệ thống cảng, TCL đóng vai trò chiến lược trong việc duy trì thị phần và tăng trưởng của Tổng Công ty. Do đó, không có kế hoạch thoái vốn nào trong giai đoạn 2025 - 2030", ông Cường nói.
Về kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, TCL cho biết đây là một chiến lược quan trọng để huy động vốn cho các dự án logistic đòi hỏi quỹ đất lớn. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường và tiến độ pháp lý của các dự án. Khi đủ điều kiện, Công ty sẽ cân nhắc và thông báo kịp thời tới cổ đông.
Đại hội năm nay cũng đã thống nhất bầu ông Vũ Ngọc Hướng làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030, thay ông Lê Hoàng Linh. Ông Hướng sinh năm 1969, có trình độ Thạc sỹ và nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo trong hệ thống Tân Cảng Sài Gòn. Hiện ông là Chủ tịch CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Tân Cảng và sắp tới sẽ đại diện 36% vốn của công ty mẹ tại TCL.
![]() Ông Vũ Ngọc Hướng (cầm hoa) sẽ là tân Chủ tịch TCL nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Tử Kính |
![]() Ông Lê Hoàng Linh nhận hoa trước khi chính thức hết nhiệm kỳ. Ảnh: Tử Kính |
![]() Tập thể Ban Lãnh đạo TCL. Ảnh: Tử Kính |
Tử Kính