ĐHĐCĐ Vinaconex: Vì sao biên lãi gộp mảng xây lắp lại thấp?
Sáng 21/04, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, nhằm thông qua các nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Tính đến 8h15 sáng 21/04/2025, tổng số cổ đông đến tham dự Đại hội (trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền) là 36 cổ đông, đại diện cho gần 329.2 triệu cp, tương ứng với 55% tổng số cổ phiếu biểu quyết của Công ty, đủ điều kiện tiến hành theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vinaconex tổ chức sáng 21/04 tại Hà Nội - Ảnh: Thế Mạnh |
Thảo luận:
Vinaconex hiện đang triển khai một số dự án bất động sản lớn. Xin ban lãnh đạo cập nhật tiến độ các dự án Green Diamond, Cát Bà Amatina, cũng như kỳ vọng về tỷ lệ đóng góp lợi nhuận từ mảng bất động sản trong năm 2025?
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Dự án Green Diamond số 93 Láng Hạ là dự án cải tạo chung cư cũ, bao gồm tổng cộng 324 căn hộ, trong đó có 100 căn hộ tái định cư. Số căn hộ thương mại còn lại để bán là khoảng 224 căn, kèm theo 5 tầng khối đế thương mại.
Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Mậu bổ sung: Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã được hạch toán khoảng 80% lợi nhuận. Phần còn lại, khoảng 20%, dự kiến sẽ được ghi nhận trong năm 2025, chủ yếu đến từ phần căn hộ cơ bản - phần này trong năm nay đã bán gần hết rồi.
Về dự án Cát Bà Amatina, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết hiện tại Vinaconex ITC - đơn vị thành viên của Vinaconex - chưa ký chính thức với bất kỳ đối tác nào. Tuy nhiên, công ty khẳng định là "đã có đối tác" và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.
Về kỳ vọng lợi nhuận tại dự án này, ai cũng muốn cao nhưng nó còn phụ thuộc vào giá, vào biến động của thị trường và khả năng của khách hàng. Nên cái này thì cố gắng trong 2025 là sẽ bán buôn một phần, và cũng có thể là số lượng tương đối lớn để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận.
Kỳ vọng thì chắc chắn là phải có lãi. Về nguyên tắc là phải có lãi, mà cũng phải có lãi tương đối. Bây giờ tôi chưa dám công bố số liệu đấy vì đang đàm phán, nếu công bố số A, ngày mai lại ra số B thì rất khó.
Hoạt động kinh doanh bất động sản của Vinaconex hiện tại ra sao, tiến độ bán hàng các dự án trọng điểm như Hải Yên, Chợ Mơ, Capital One thế nào, kế hoạch lợi nhuận từ mảng này trong năm nay và định hướng cổ tức ra sao?
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Thứ nhất là cái Hải Yên thì bạn cũng nắm khá rõ, thực ra là bán hết rồi, hạch toán rồi. Thứ hai là dự án Chợ Mơ - Bạch Mai. Thì tổng số ở đấy là 36,000 m2 văn phòng, tức là tương đương khoảng 20 tầng. Hiện tại chúng tôi đã mở bán 13 sàn trong tổng số 20 sàn, và đã bán được ba phần tư của 13 sàn đó, tức là khoảng 9-10 sàn. Kỳ vọng lợi nhuận ở đấy thì chắc cũng được, anh Mậu (Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Mậu - PV) có thể ước tính được khoảng mấy trăm tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Mậu: Dự án Chợ Mơ thì chắc là năm nay đóng góp lợi nhuận rơi vào khoảng độ tầm 200 tỷ. Nghĩa là nếu bán hết thì có thể được gấp đôi số đấy, tức là khoảng 400 tỷ. Còn Capital One - dự án ở Kim Văn Kim Lũ - thì ngày mai chúng tôi sẽ chính thức khởi công. Cơ cấu sản phẩm ở đấy thì cũng tương đối giống với Chợ Mơ, có thể tách sổ theo từng sàn để bán như Chợ Mơ được. Còn việc bán nhanh hay không thì phụ thuộc vào tình hình thị trường nhưng về mặt sản phẩm và pháp lý thì chúng tôi hoàn toàn chủ động được.
Ông Đặng Thanh Huấn, Kế toán trưởng Vinaconex: Tôi cộng lại phần bất động sản từ các công ty và công ty mẹ thì nếu chia cho tổng lợi nhuận 1,200 tỷ đồng (tạm tính theo kế hoạch) thì nó chiếm khoảng 70-75%, có thể hơn chút. Nghĩa là bất động sản vẫn là nguồn đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận năm nay của công ty.
Kết quả kinh doanh của Công ty đặt cho năm sau rất là tốt. Ban lãnh đạo có định hướng sẽ tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên lại tầm khoảng từ 15-17% như là giai đoạn trước đây không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Chúng tôi ghi nhận kỳ vọng của cổ đông và cũng đang tính toán sao cho hài hòa lợi ích giữa đầu tư mở rộng và cổ tức. Nếu kết quả kinh doanh đúng như kỳ vọng, chúng tôi hoàn toàn có thể xem xét mức cổ tức tương tự như trước đây.
Vì sao biên lãi gộp mảng xây lắp lại thấp?
Vinaconex lý giải thế nào về mức biên lợi nhuận gộp thấp trong mảng xây dựng, và Công ty sẽ tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư công ra sao trong bối cảnh dòng tiền còn nhiều áp lực?
Ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng Giám đốc Vinaconex: Thứ nhất, tôi xin khẳng định Vinaconex hiện là công ty cổ phần niêm yết, không còn vốn Nhà nước từ cuối tháng 12/2018. Tức là, chúng tôi hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, lấy lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông làm trọng tâm. Không có chuyện công ty làm vì một "lợi ích cộng đồng" nào đó như một số cổ đông lầm tưởng.
Về vấn đề biên lợi nhuận gộp trong mảng xây lắp, tôi nói rõ: Hiện nay, nếu làm đúng nghề, mà sau quyết toán còn giữ được biên lợi nhuận ròng từ 3-5% là cực kỳ tốt rồi. Tôi nhấn mạnh, đó là mức lợi nhuận "tuyệt vời" trong bối cảnh hiện tại. Các cổ đông có thể đi hỏi bất kỳ ai trong ngành cũng sẽ thấy quan điểm này là thực tế.
Ngành xây lắp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ yếu tố thời tiết, giá vật liệu đầu vào, nhân công, thiết bị, cho đến áp lực tiến độ - đặc biệt là với các công trình đầu tư công. Giá nguyên vật liệu thì tăng, nhưng thanh toán lại theo đơn giá và định mức dự toán được duyệt từ trước, có thể điều chỉnh theo CPI nhưng rất hạn chế. Tức là, mình phải tự xoay xở phần chênh lệch này, rất khó để giữ được lợi nhuận.
Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nhận các dự án, nhưng quan điểm là phải quản trị rủi ro chặt chẽ. Không thể cứ thấy gói thầu lớn là nhận bằng được, rồi sau đó dòng tiền không thu được, trong khi phải trả lãi vay ngân hàng. Nếu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, thủ tục không chắc chắn, tiến độ không đảm bảo thì không những không có lãi mà còn có thể bị lỗ. Chúng tôi ưu tiên làm dự án nào chắc chắn, thu được tiền, kiểm soát được tiến độ và pháp lý.
Về câu hỏi liên quan đến cơ hội từ đầu tư công và khả năng cải thiện dòng tiền, tôi chia sẻ rằng dù Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, nhưng Vinaconex sẽ tiếp cận một cách thận trọng. Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả, là khả năng thu hồi vốn, không chạy theo doanh thu đột biến nếu không kèm lợi nhuận. Trong điều kiện như hiện nay, làm được điều đó mới là thành công thực chất.
Sự chênh lệch đáng kể giữa biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp quý 4/2024 trước kiểm toán (gần 10%) và sau kiểm toán (khiến cả năm chỉ còn hơn 3%). Đề nghị ban lãnh đạo đưa ra kỳ vọng về biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp năm 2025?
Ông Đặng Thanh Huấn, Kế toán trưởng Vinaconex: Tôi đang lấy báo cáo trước kiểm toán. Nhưng khi kiểm toán vào, tôi nghĩ là không thay đổi nhiều thế đâu. Trước kiểm toán và sau kiểm toán thay đổi rất ít, không có thay đổi nhiều. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và thông báo lại.
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông làm rõ thêm: Bây giờ là phải tính theo cả năm. Kiểm toán hiện nay không có báo cáo theo quý, cho nên chúng ta phải theo dõi số liệu cả năm. Tôi khẳng định, biên lợi nhuận không thay đổi lớn như phản ánh từ cổ đông: Ban lãnh đạo sẽ có văn bản chính thức gửi đến cổ đông sau.
Ba động lực tăng tưởng chính cho năm 2025
Kế hoạch mở bán khu đô thị phường Hải Yên gần dự án Đại lộ Hòa Bình kéo dài tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) - Định hướng kinh doanh của dự án là bán đất nền sau khi hoàn thiện hạ tầng hay xây nhà xong mới bán?
Ông Dương Văn Mậu - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinaconex: Khu đô thị Hải Yên và khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài, TP Móng Cái, Quảng Ninh đều có 2 loại sản phẩm. Một là đất nền, tức là sau khi xây dựng xong hạ tầng, đủ điều kiện thì sẽ được bán. Loại thứ hai là nhà mặt phố, thì bắt buộc phải xây dựng.
Hiện tại dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, bao gồm đồng bộ hạ tầng, và đã có văn bản pháp lý đủ điều kiện bán hàng. Tuy nhiên, thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường vẫn đang được cân nhắc.
Vinaconex định hướng chiến lược ra sao với các dự án mới như KCN Đông Anh, đầu tư đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, đồng thời lựa chọn đâu là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025?
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Vinaconex đã được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp tại Đông Anh, Hà Nội. Đây là khu vực có vị trí rất chiến lược, nằm giữa cầu Nhật Tân và sân bay Nội Bài - nơi hiện có nhu cầu thuê khu công nghiệp rất lớn, trong khi các khu công nghiệp lân cận như Thăng Long 1, Thăng Long 2 đã gần như lấp đầy. Dự án này được Vinaconex định hướng phát triển thành một khu công nghiệp "xanh, sạch, phục vụ logistics".
Về xu hướng FDI, ông Dương Văn Mậu - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc: Chúng tôi cũng phân tích, đánh giá thì hiện nay như bạn nhận định là sắp tới FDI có thể sẽ giảm. Nhưng hướng đối tượng chúng tôi đã định hướng là chọn lọc công nghệ cao và công nghiệp logistics, nên về cơ bản cũng không có gì ảnh hưởng lớn đến dự án.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án sẽ không thể thực hiện ngay. Trình tự thủ tục thì nhanh nhất cũng phải cỡ khoảng 2 năm nữa thì mới đền bù được xong. Và có thể triển khai làm hạ tầng thì câu chuyện phải là câu chuyện 3 năm nữa chứ không phải là bây giờ. Việc triển khai thực tế sẽ được cân đối theo tiến độ thu hút FDI và đầu tư trong nước.
Trong kế hoạch năm 2025, Vinaconex cũng đang chủ động nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới. Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết, với đường sắt tốc độ cao, Vinaconex - là một trong hai nhà thầu xây dựng lớn của cả nước - đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Xây dựng mở lớp đào tạo nhân lực. Về điện hạt nhân thì cũng đang liên hệ nhưng mà hiện tại thì cũng chưa được rõ lắm. Thế nhưng mà cũng có cái định hướng là sẽ tham gia vào.
Về các động lực tăng trưởng trong năm tới, Vinaconex xác định ba mảng chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Mảng xây dựng được đánh giá sẽ đóng góp tăng trưởng về doanh thu và quy mô. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại không nhiều.
Ngược lại, đầu tư được xác định là động lực tăng trưởng chính về lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông. Các khoản đầu tư vào phân phối nước (VIWACO), công ty thứ ba, hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ, Bách Thiện Lộc... đang mang lại dòng tiền ổn định.
Đặc biệt, bất động sản (bao gồm dân dụng, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp) cùng với đầu tư tài chính là hai trụ cột đóng vai trò tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cũng khẳng định luôn với quý cổ đông là sẽ đến từ cái đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính.
Lợi nhuận hợp nhất quý 1 ước đạt 150 tỷ đồng
Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu 15,500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,200 tỷ đồng trong năm 2025. Đâu là cơ sở để Ban điều hành tin tưởng vào khả năng thực hiện kế hoạch này? Đồng thời, xin ông cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2025 và chia sẻ thêm về định hướng phát triển của Vinaconex trong bối cảnh ngành xây dựng đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng Giám đốc Vinaconex: Về kế hoạch năm 2025, tôi khẳng định đây là kế hoạch được xây dựng tương đối cẩn trọng, trên cơ sở những công việc Vinaconex đang thực hiện và sẽ triển khai trong thời gian tới. Cá nhân tôi cam kết, giống như kế hoạch năm 2024, rằng năm 2025 công ty hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu doanh thu 15,500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,200 tỷ đồng. Khả năng hoàn thành kế hoạch này theo tôi là khoảng 90 đến 95%.
Về kết quả quý 1/2025, doanh thu hợp nhất ước đạt gần 2,600 tỷ đồng, tương đương 17% kế hoạch quý. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 150 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch. Riêng công ty mẹ, doanh thu ước khoảng 2,062 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 250 tỷ đồng, đạt 25% so với kế hoạch. Như vậy có thể thấy, công ty mẹ đang thực hiện khá tốt về mặt lợi nhuận.
Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là mảng hạ tầng và các dự án đầu tư công, đang cạnh tranh rất khốc liệt. Chúng tôi không đặt kỳ vọng quá cao vào lợi nhuận từ các dự án xây lắp. Mục tiêu chính là đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng là Vinaconex luôn ưu tiên chất lượng và tiến độ thi công. Đồng thời, ban điều hành xác định rõ mục tiêu hiệu quả kinh tế, không để xảy ra tình trạng lỗ công trình - trừ những trường hợp đặc biệt. Năm 2023 là một năm rất khó khăn cho ngành xây dựng, nhưng Vinaconex không để lỗ một công trình nào cả.
Chúng tôi tăng cường công tác quản trị, khai thác tối đa năng lực tổng công ty, đồng thời đặc biệt chú trọng thu hồi công nợ - yếu tố cực kỳ nan giải trong lĩnh vực xây lắp. Chính vì vậy, Ban điều hành có chủ trương không nhận quá nhiều dự án, nhất là những dự án có nguồn vốn không rõ ràng trong bối cảnh bất động sản khó khăn hiện nay. Làm nhiều nhưng không thu được tiền thì rất nguy hiểm. "Các ông chủ còn chết nữa là mình còn ra làm thầu". Hiện nay, các công trình mà Vinaconex đang thực hiện cơ bản đều thu tiền tốt.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã cố gắng quyết toán dứt điểm các công trình cũ gặp khó khăn trong thanh toán như tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Với các dự án mới, Công ty đặt ra tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu: phải phân công trách nhiệm cụ thể, có lộ trình thanh quyết toán minh bạch và đảm bảo thu được tiền.
Tóm lại, kế hoạch doanh thu 15,500 tỷ đồng cho năm 2025 là một con số rất cẩn trọng. Thậm chí có thể vượt, nhưng chúng tôi không đặt nặng việc phát triển nóng mà luôn ưu tiên đảm bảo dòng tiền, cân đối tài chính và công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Vinaconex sẽ tập trung nguồn lực vào những dự án nào trong năm 2025 sau khi bán hết phần còn lại của Green Diamond 93 Láng Hạ? Dự án Khu công nghiệp Đông Anh hiện tiến độ ra sao?
Ông Nguyễn Xuân Đông - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex: Trong năm 2025, phần còn lại của dự án chung cư Green Diamond 93 Láng Hạ cơ bản sẽ được hạch toán hết, đóng góp vào kết quả kinh doanh của Công ty.
Hiện tại, việc mở bán văn phòng tại dự án Chợ Mơ - Bạch Mai đang có tín hiệu tích cực, khả năng hấp thụ tốt và được kỳ vọng sẽ tạo lợi nhuận cho Vinaconex. Một dự án lớn khác là Amatina tại Hải Phòng. Đây là bất động sản nghỉ dưỡng nên dù thị trường có những điểm sáng hơn, nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự thuận lợi. Vinaconex đã đầu tư lượng vốn rất lớn vào đây, nên trong năm 2025, HĐQT và Ban điều hành sẽ cố gắng phối hợp tìm kiếm một số khách hàng mua buôn một phần dự án để thu hồi vốn và lợi nhuận.
Ngoài ra, một số dự án khác cũng sẽ tiếp tục đóng góp doanh thu, như văn phòng Chợ Mơ - Bạch Mai, dự án Đại lộ Hòa Bình - hiện đã đủ điều kiện bán hàng, và có thể là một phần từ dự án ITC tại Hải Phòng.
Về phần các công ty con, hai khu đô thị do Vinaconex phát triển tại Quảng Nam và Đà Nẵng (Ngân Câu và Thiên Ân) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Khi các thủ tục được thông suốt, đây sẽ là nguồn doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho VCG. Với dự án khu công nghiệp Đông Anh, tổng mức đầu tư trên 6,000 tỷ đồng. Dự án hiện mới được giao làm chủ đầu tư và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Các bước tiếp theo như đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công còn mất nhiều thời gian, nên chưa thể đóng góp lợi nhuận trong ngắn hạn.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Mục tiêu lãi cao nhất 5 năm
Vinaconex xác định năm 2025 là giai đoạn then chốt củng cố vị thế nhà thầu xây dựng hàng đầu. Công ty ưu tiên các dự án có hiệu quả kinh tế cao, đầu tư công nghệ thi công mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song, Công ty đặt mục tiêu mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp và phát triển bền vững các dự án đã đầu tư.
Trên cơ sở đó, Vinaconex trình kế hoạch doanh thu, thu nhập hợp nhất đạt 15,500 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,200 tỷ đồng trong năm 2025, tăng lần lượt 18% và 8% so với thực hiện 2024. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020 nếu hoàn thành kế hoạch.
Kết quả 2024 vượt kỳ vọng lợi nhuận
Năm 2024, Vinaconex đạt doanh thu, thu nhập hợp nhất 13,176 tỷ đồng, tăng 2% so với 2023, thực hiện được 88% kế hoạch năm. Lãi sau thuế đạt 1,108 tỷ đồng, tăng mạnh 180%, vượt 17% kế hoạch và là mức cao nhất 4 năm qua.
Kết quả kinh doanh 10 năm qua của Vinaconex |
Trong mảng xây lắp, Công ty ký mới hơn 11,600 tỷ đồng hợp đồng, là nền tảng quan trọng cho các năm tiếp theo. Các dự án trọng điểm đang triển khai gồm nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam (Vân Phong - Nha Trang, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Nghi Sơn - Diễn Châu...), cảng hàng không Long Thành (gói nhà ga T2), các công trình cầu, bệnh viện, cùng nhiều dự án hợp tác với đối tác FDI.
Lãnh đạo Vinaconex đánh giá ngành xây dựng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi trong 2024, nhưng chưa đồng đều. Trong khi đầu tư công tiếp tục là động lực chính, phân khúc cao cấp và du lịch vẫn gặp khó khăn. Giá nguyên vật liệu ổn định hơn, giúp doanh nghiệp kiểm soát giá thành hiệu quả.
Công ty tiếp tục triển khai các dự án bất động sản trọng điểm như 93 Láng Hạ (đã bàn giao), Vinaconex Diamond Tower (đang được mở bán, cung cấp 36,000 m2 sàn văn phòng), Khu đô thị An Khánh, Km3-Km4 Hải Yên (TP Móng Cái), Cát Bà Amatina (đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, khối lượng thực hiện tại dự án đạt 500 tỷ đồng trong năm 2024).
Chia cổ tức tổng tỷ lệ 16%, lần đầu có tiền mặt sau 2 năm
HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2024 tổng tỷ lệ 16%, gồm 8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu. Với gần 598.6 triệu cp đang lưu hành, Vinaconex sẽ chi gần 479 tỷ đồng trả cổ tức, trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Pacific Holdings (sở hữu 45.14%) ước nhận hơn 216 tỷ đồng. Tổ chức này có liên quan đến các thành viên nội bộ Vinaconex, trong đó có nguyên Chủ tịch Đào Ngọc Thanh là cổ đông sáng lập.
Cổ tức cổ phiếu 8% sẽ phát hành thêm gần 47.9 triệu cp, nguồn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, dự kiến thực hiện trong năm 2025 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên gần 6,465 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Vinaconex chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng là năm đầu tiên từ 2021 có thêm phần tiền mặt sau 2 năm gián đoạn (2022-2023).
Thay đổi nhân sự cấp cao
Đại hội lần này cũng trình miễn nhiệm và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, trong đó có 1 thành viên độc lập. Trước đó, ông Đào Ngọc Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT đã có đơn từ nhiệm từ tháng 7/2024 vì lý do sức khỏe, đồng thời rút khỏi HĐQT.
Dù không còn giữ vai trò điều hành, ông Thanh sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng chiến lược mới thành lập - có chức năng nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển dài hạn. HĐQT đã thông qua việc từ nhiệm và bầu ông Nguyễn Hữu Tới - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex - giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Thanh.
Bà Trần Thị Thu Hồng - Thành viên độc lập HĐQT cũng đã xin từ nhiệm từ cuối tháng 3/2025 vì lý do cá nhân. Việc từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Thanh và bà Hồng sẽ do ĐHĐCĐ lần này quyết định.
Sau 2 đơn từ nhiệm nói trên, HĐQT Vinaconex hiện còn 3 thành viên, gồm ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Xuân Đông (Tổng Giám đốc) và ông Dương Văn Mậu (Phó Tổng Giám đốc).
CTCP Đầu tư Pacific Holdings - cổ đông lớn nhất Vinaconex - đã đề cử 2 ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 gồm: ông Trần Đình Tuấn và ông Lê Minh Tú. Trong đó, ông Tú là ứng viên cho vị trí thành viên độc lập HĐQT.
Ông Trần Đình Tuấn là Thạc sĩ quản trị kinh doanh, Cử nhân kinh tế, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Vinaconex từ tháng 3/2022 và nắm giữ 25,071 cp VCG. Ngoài ra, ông Tuấn còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pacific Holdings; Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT CTCP Thiết kế và Nội thất Vinaconex; thành viên HĐQT Vinaconex Quảng Ninh và Chủ tịch CTCP VIMECO - những công ty có mối liên kết trong hệ sinh thái Vinaconex.
Trong khi đó, ứng viên Lê Minh Tú là Thạc sĩ xây dựng dân dụng và công nghiệp, đồng thời có bằng Thạc sĩ ngành quản lý đô thị. Ông hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn đô thị Việt Nam - Vinacity, không sở hữu cổ phần tại VCG và không có người nội bộ liên quan tại doanh nghiệp.
Bài cập nhật
Thế Mạnh