ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi quý 1 ước đạt 25% kế hoạch
Sáng 22/04, CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội, trình cổ đông định hướng chiến lược kinh doanh, phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế lũy kế 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tính đến 9h ngày 22/04/2025, tổng số cổ đông trực tiếp tham dự và thông qua người được uỷ quyền hợp lệ tham dự Đại hội là 88 người, đại diện cho 1.64 tỷ cổ phần, chiếm 72.4% tổng số phiếu biểu quyết. Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vincom Retail đủ điều kiện tiến hành.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vincom Retail tổ chức sáng 22/04 tại Hà Nội - Ảnh: Thế Mạnh |
Thảo luận:
Tìm mô hình kinh doanh phù hợp nhất cho từng TTTM tại từng thị trường
Vincom Retail định hướng phát triển mô hình trung tâm thương mại như thế nào trong tương lai?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: Đúng về tương lai ở trong các dự án thì phần lớn các anh chị sẽ nhìn thấy là megamall. Và cái chiến lược phát triển "megmall" đó là một trong những cái chiến lược sản phẩm chính - cái mô hình chính, cái "form" chính và cái "form" sẽ triển khai.
VRE đang phân loại và điều hành danh mục trung tâm thương mại đang vận hành ra sao?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: Ở những nhóm mà thị trường tốt, chúng ta có nhiều cơ hội kinh doanh thì chúng ta sẽ thúc đẩy rất mạnh. Vì cái thị trường này là cái thị trường nó đã chín mùi và mang lại cho chúng ta cái giá trị khai thác tốt.
Còn ở các thị trường tỉnh - tier 2, tier 3 - thì chúng tôi cũng chia ra nhiều nhóm khác nhau. Những thị trường có tiềm năng tăng trưởng tốt, hoặc có thể là về lưu lượng khách hay thói quen tiêu dùng, thì sau một thời gian phát triển, khoảng 5 đến 8 năm, chúng ta sẽ thấy rõ hơn.
Còn những thị trường mà sức mua còn yếu, hoặc là cần thời gian để thay đổi thói quen tiêu dùng, thì không phải là không làm, mà luôn luôn có những giải pháp cho nhóm thị trường cụ thể đó.
![]() Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail phát biểu tại đại hội |
Với những tài sản không hiệu quả, VRE có kế hoạch xử lý ra sao?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: Với các tài sản khác, định hướng của chúng tôi là sẽ tối ưu hóa, khai thác tốt hơn. Có thể phát triển mở rộng, khai thác hiệu quả hơn, hoặc nếu cần, chuyển đổi mô hình hay thậm chí là chuyển nhượng, bán đi để tập trung nguồn lực vào các tài sản có hiệu quả hơn.
Việc sở hữu hệ thống rộng lớn đã mang lại cho VRE bài học gì?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: Việc có mạng lưới 88 trung tâm thương mại trải dài cả nước là một lợi thế lớn trong việc đánh dấu và mở rộng thị trường. Nhưng từ đó cũng rút ra nhiều bài học quý giá về cách xử lý, phân loại các trung tâm thương mại theo nhóm mô hình và theo từng thị trường.
Đâu là mục tiêu cuối cùng trong định hướng vận hành của VRE?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp nhất cho từng trung tâm thương mại tại từng thị trường cụ thể. Từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất và trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Đây là một mục tiêu vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Đòi hỏi chúng tôi phải luôn luôn điều chỉnh, học hỏi, thay đổi để phù hợp với nhu cầu của từng địa phương.
VRE đã có những thay đổi gì trong cách làm tại các Vincom Plaza ở thị trường tỉnh?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail: 2024 cũng đã chứng kiến những sự thay đổi trong cách làm các Vincom Plaza tại các thị trường tỉnh. Chắc là nhiều anh chị có cơ hội đi Đông Hà - Quảng Trị, đi Bắc Giang hoặc Hà Giang rồi, thì có thể nhìn thấy cái sự tổ chức nỗ lực mới này.
Ngoài ra, tại các dự án mới hoặc các dự án đang triển khai trong năm nay, như Vinh hoặc Vũ Yên, cũng sẽ có những sự thay đổi rất khác biệt về câu chuyện sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.
Chúng tôi điều chỉnh cơ cấu ngành hàng - tăng tỷ lệ ngành F&B - để lấp đầy không gian và nâng cao doanh thu, cũng như tạo điểm đến hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng địa phương.
Chiến lược mở rộng gắn liền các đại đô thị của Vingroup
Khả năng duy trì tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại ở vị trí xa trung tâm?
Bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT: Vincom Retail nhận thức rõ sự khác biệt của các thị trường ngoài Hà Nội và TPHCM. Do đó, Công ty đã xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp, trong đó có các khách thuê tiềm lực lớn, đồng thời nâng cấp trải nghiệm khách hàng với phiên bản Vincom Mega Mall mới. Công ty cũng có chiến lược và chính sách đồng hành hỗ trợ khách thuê trong những năm đầu tiên, đặc biệt ở các thị trường mới.
Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng hiệu quả đầu tư các trung tâm thương mại này cũng sẽ đuổi kịp những trung tâm thương mại ở trong nội đô. Chúng ta đã mất khoảng 20 năm để có được hệ thống trung tâm thương mại và chứng minh hiệu quả từng bước. Niềm tin này không phải là cảm tính, mà là những con số đã được hiện thực hóa trong kết quả của Vincom Retail suốt 20 năm qua.
Ông Trần Hồng Dương - Giám đốc Đầu tư Vincom Retail bổ sung thêm rằng chiến lược mở rộng của VRE gắn liền với sự hình thành các đại đô thị lớn của Vingroup, với quy mô dân số từ 150,000 đến 200,000 người - là tệp khách hàng tiềm năng lớn cho các trung tâm thương mại. Thay vì đặt một cái chân tại nơi "đồng không mông quạnh" không có cư dân xung quanh, thì chúng tôi đầu tư từ trước vào các khu phố thương mại như Vincom Shophouse để tạo ra dòng khách hàng ban đầu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong khi diện tích cho thuê tại các trung tâm hiện hữu đã cạn, nhiều thương hiệu lớn hiện đang chọn mở các cửa hàng flagship tại những trung tâm mới cho thấy sự đánh giá tích cực từ phía nhà bán lẻ.
Nếu so với các nước trong khu vực, diện tích mặt sàn bán lẻ trên đầu người ở Việt Nam còn rất thấp. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Các dự án như Times City hay Royal City từng bị đánh giá là xa trung tâm cách đây 10 năm. Nhưng đến nay, hiệu quả đã được chứng minh rõ qua mức giá thuê tăng đều hàng năm và tỷ lệ lấp đầy ổn định. "Chúng tôi quyết tâm đặt mục tiêu tỷ lệ lấp đầy 90% ngay tại thời điểm mở cửa, bao gồm cả cam kết phòng khách".
Đầu tư vào Vincom Retail là đang đầu tư vào một quỹ danh mục tài sản
Tổng chi phí đặt cọc và kế hoạch giải ngân cho danh mục 800,000 m2 sàn thương mại?
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Tài chính Vincom Retail: Các dự án trọng điểm sẽ tập trung tại TPHCM, Long An, Phú Quốc. Trong giai đoạn vừa qua, như các anh chị có thể thấy trong báo cáo, chúng tôi đã đặt cọc các dự án này để có được quỹ đất và tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty. Trong bối cảnh thị trường mà các nhà đầu tư bất động sản bán lẻ đang rất nhanh chóng chiếm lĩnh quỹ đất, đây là chiến lược của chúng tôi nhằm tăng tính cạnh tranh.
Một số dự án như Vũ Yên và Bắc Luân là sản phẩm hoàn thiện, dự kiến sẽ được mở bán vào cuối năm 2025, đầu 2026. Do thời gian xây dựng dưới 12 tháng, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản dự kiến sẽ ghi nhận tăng mạnh trong năm 2026.
Kế hoạch triển khai bán shophouse tại Quảng Ninh, Vũ Yên, Hải Phòng - nơi đã có lượng đặt cọc lớn thì Công ty có chia cổ tức?
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Tài chính Vincom Retail: Hiện tại công ty đánh giá cơ hội kinh doanh đang rất lớn. Các đối thủ cũng đang gia tăng quy mô quỹ đất. VRE muốn tận dụng cơ hội này để tiếp tục đặt cọc, đảm bảo có được quỹ đất tốt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và giá đất tăng. Do đó, Vincom Retail quyết định không chia cổ tức trong giai đoạn này.
Ông Trần Hồng Dương - Giám đốc Đầu tư Vincom Retail: Việc chưa chia cổ tức là để ưu tiên sử dụng dòng tiền mở rộng đầu tư, gia tăng giá trị tài sản. Đồng thời, sự khác biệt trong cách hạch toán giữa chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) và quốc tế (IFRS/FAS).
Theo VAS thì tài sản đang được tính theo phương pháp khấu hao. Nhưng nếu sau này triển khai báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế như IFRS hay FAS, thì những tài sản bất động sản đầu tư này sẽ được đánh giá lại theo giá trị hợp lý (fair value). Giá trị tài sản của danh mục trung tâm thương mại trong hệ thống sẽ tăng lên rất nhiều chỉ nhờ việc thay đổi cách tính toán.
Nhà đầu tư vào Vincom Retail hiện nay là đang đầu tư vào một danh mục tài sản có vị trí tốt và tiềm năng tăng giá lớn trong dài hạn. “Khi đầu tư vào Vincom Retail, là đang đầu tư vào một quỹ danh mục tài sản, gồm những tài sản ở vị trí rất tốt và có tiềm năng tăng giá mạnh”.
Lãi quý 1 ước đạt 25% kế hoạch
Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của Vincom Retail?
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Tài chính Vincom Retail: Công ty ước đạt doanh thu quý 1/2025 tương đương 22% kế hoạch năm (ước gần 2,100 tỷ đồng - PV). Lợi nhuận sau thuế tương đương 25% kế hoạch năm (ước 1,175 tỷ đồng - PV), tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Sau gần 1 năm Vingroup thoái vốn, Vincom Retail đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh hiện tại, xu hướng thị trường bán lẻ, và chiến lược phát triển trong ngắn và dài hạn?
Ông Trần Hồng Dương - Giám đốc đầu tư Vincom Retail: Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong quý 1/2024 có nhiều khởi sắc so với năm ngoái. Nếu năm 2023, mức tăng trưởng dao động trong khoảng 8.7% đến 9%, thì quý 1 năm nay đã lên đến khoảng 9.9%.
Bên cạnh đó, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy là khách mua sắm đang dần trở lại với thị trường tiêu dùng.
Dù ghi nhận sự hồi phục trong năm nay, Công ty vẫn duy trì sự thận trọng trong kế hoạch kinh doanh. Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ năm 2025 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2024, do vẫn cần dự phòng cho những ảnh hưởng gián tiếp từ tình hình thuế quan.
Về chiến lược sau thay đổi cổ đông: Khi cổ đông mới vào làm việc cùng Công ty, về cơ bản đều thống nhất với chiến lược đã đề ra. Bao gồm cả chiến lược mở rộng và chiến lược phát triển sản phẩm. Các định hướng dài hạn của Công ty cũng được cổ đông mới trao đổi, thống nhất trong quá trình xây dựng chiến lược công bố tại ĐHĐCĐ năm nay.
Về bộ máy nhân sự và quản trị, không có nhiều thay đổi lớn về tổ chức. Năm ngoái, bà Trần Mai Hoa chuyển từ vị trí Tổng Giám đốc lên làm Chủ tịch HĐQT, còn bà Phạm Thị Thu Hiền - trước là Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh - hiện đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc Công ty. Đồng thời, Công ty cũng đã bổ sung một số thành viên mới và tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị đã đề ra từ trước.
Chiến lược ứng phó với tình hình thuế quan và định hướng phát triển?
Ông Trần Hồng Dương - Giám đốc Đầu tư: Vincom Retail là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, nên tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ là không đáng kể. Tuy nhiên, có thể có ảnh hưởng gián tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Những tác động này có thể diễn ra trong 1-2 năm tới, nhưng Công ty tin rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tìm được hướng thích nghi.
Tổng Giám đốc Phạm Thị Thu Hiền: Về chiến lược ngắn hạn, Công ty đang thực hiện điều chỉnh nhanh chóng bố cục (layout) tại các trung tâm thương mại, nhằm đón đầu sự tăng trưởng của các ngành hàng F&B (tăng 15-20%) và vui chơi giải trí (tăng 20-30%). Chúng tôi đã tăng tỷ trọng các ngành hàng này tại các trung tâm thương mại như Vincom City, bổ sung thêm mô hình thể thao; cũng như đưa vào các sản phẩm lifestyle.
Về chiến lược dài hạn, Công ty đang từng bước nâng cấp trải nghiệm khách hàng tại từng trung tâm thương mại. Trong năm 2025, Vincom Mega Mall Ocean City dự kiến khai trương vào tháng 7 tới - sẽ có các biểu tượng mới của thủ đô, bao gồm nhà hát lớn với quy mô 4,100 chỗ, các show diễn đẳng cấp quốc tế và quốc gia, và thư viện quốc tế lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây sẽ là mô hình được nhân rộng cho các trung tâm khác trong tương lai.
Cùng với đó, Công ty đã thành lập bộ phận phát triển thị trường, với nhiệm vụ tìm kiếm các sản phẩm, nhãn hiệu - cả trong nước và quốc tế - lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Những thương hiệu này sẽ được đưa vào hệ thống Vincom, tạo sự khác biệt và hấp dẫn mới cho khách hàng.
Giữ lại toàn bộ lợi nhuận luỹ kế 2024 để tái đầu tư
Năm 2024, Vincom Retail ghi nhận tổng doanh thu 8,939 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,096 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 7% so với năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty đã hoàn tất bàn giao phần lớn quỹ căn shophouse tại dự án Vincom Shophouse Royal Park (Đông Hà - Quảng Trị) trong năm 2023, dẫn đến giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản.
Kết quả kinh doanh 10 năm qua của Vincom Retail |
Cơ cấu doanh thu năm 2024 cho thấy mảng kinh doanh TTTM (cho thuê và dịch vụ liên quan) đạt 7,878 tỷ đồng, chiếm phần lớn tỷ trọng. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản thương mại đạt 839 tỷ đồng. Các dự án thương mại tại Vinhomes Golden Avenue (Móng Cái - Quảng Ninh) và Vinhomes Royal Island (Vũ Yên - Hải Phòng) dự kiến đến năm 2026 mới bắt đầu bàn giao và ghi nhận doanh thu.
Tại ngày 31/12/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC riêng đạt 699 tỷ đồng, trên báo cáo hợp nhất là 4,096 tỷ đồng. HĐQT trình phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế lũy kế 2024 để phục vụ hoạt động kinh doanh. Từ năm 2019 đến nay, Vincom Retail không chia cổ tức; lần chia duy nhất bằng tiền mặt là cho năm 2018 với tỷ lệ 10.5%.
Mục tiêu lãi kỷ lục năm 2025
Lãnh đạo Vincom Retail đánh giá kinh tế toàn cầu năm 2025 tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách bảo hộ của Mỹ và bất ổn địa chính trị, dù lạm phát đã giảm và các chính sách tài khóa đang nới lỏng. Trong nước, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ sản xuất phục hồi, đầu tư hạ tầng gia tăng và thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực, từ đó hỗ trợ tiêu dùng và phục hồi tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ.
Trên cơ sở đó, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 9,520 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cho thuê và dịch vụ liên quan khoảng 9,300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản dự kiến 220 tỷ đồng, tương đương 26% mức năm trước. Lãi sau thuế kỳ vọng 4,700 tỷ đồng, tăng 15% so với 2024 và nếu đạt được sẽ là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Doanh nghiệp.
Tập trung củng cố vị thế, mở rộng diện tích sàn bán lẻ
Năm 2025, Vincom Retail định vị là giai đoạn củng cố vị thế chủ đầu tư bất động sản bán lẻ số 1 tại Việt Nam, đồng thời tạo ra bước phát triển đột phá. Công ty dự kiến khai trương 3 trung tâm thương mại (TTTM) mới gồm Vincom Mega Mall Ocean City, Vincom Mega Mall Royal Island và Vincom Plaza Vinh, đưa thêm gần 120,000 m2 GFA sàn bán lẻ ra thị trường.
Về dài hạn, chiến lược phát triển TTTM của VRE tập trung vào các đại đô thị Vinhomes, với quy mô từ hàng trăm tới hàng ngàn hecta. Các TTTM quy mô lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà còn tích hợp dịch vụ, giải trí, mang lại trải nghiệm đa dạng cho khách hàng và tận dụng lượng khách sẵn có từ cư dân Vinhomes.
Chiến lược nâng cấp TTTM hiện hữu và đẩy mạnh mô hình "Shoppertainment"
Đối với 88 TTTM đang hoạt động, Vincom Retail sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai cải tạo, nâng cấp định vị để tối ưu hiệu quả kinh doanh. Tại các thành phố lớn, chiến lược tái định vị ngành hàng được đẩy mạnh nhằm tăng sức cạnh tranh. Một số điểm được tập trung nâng cấp bao gồm Vincom Center Đồng Khởi, Vincom Center Bà Triệu và các Vincom Mega Mall như Royal City, Times City, Thảo Điền.
Tập trung phát triển các TTTM Mega Mall thế hệ mới - "One-stop Shoppertainment Destination", năm 2025 là Vincom Mega Mall Ocean City, năm 2026 sẽ là Vincom Mega Mall Global Gate (Cổ Loa, Hà Nội).
Thúc đẩy mô hình Khu phố thương mại, tăng nguồn thu từ shophouse
Ngoài phát triển TTTM, Vincom Retail tiếp tục đẩy mạnh mô hình khu phố thương mại với định hướng là điểm đến trải nghiệm, giải trí, không chỉ đơn thuần là nơi mua sắm. Các khu phố được thiết kế theo chủ đề riêng biệt như Làng Sake, Đảo Giải Trí, Làng Mỹ Vị, tạo dấu ấn khác biệt và thu hút nhóm khách hàng mục tiêu.
Tính đến cuối năm 2024, Công ty đã đặt cọc tổng giá trị khoảng 5,000 tỷ đồng với Vinhomes để mua lại hai cấu phần shophouse tại các khu đô thị Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) và Vinhomes Golden Avenue (Quảng Ninh). Đây là bước đi nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh bất động sản để bán, gia tăng nguồn thu cho Công ty trong thời gian tới.
Tại Đại hội, Vincom Retail đề xuất bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Công ty, bao gồm dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, sản xuất bánh từ bột, bán lẻ trong các cửa hàng tổng hợp và chuyên doanh như lương thực, vải, may mặc, giày dép, sách báo, mỹ phẩm, cũng như các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động và sản xuất thức ăn chế biến sẵn.
Bài cập nhật
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Thế Mạnh