ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Không nên bi quan về thị trường cá tra tại Mỹ
Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 24/04, lãnh đạo CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) nhận định thị trường Mỹ vẫn đóng vai trò trọng yếu đối với mảng cá tra của Công ty, đồng thời cho rằng cần tiếp cận với tâm thế thận trọng nhưng không quá lo ngại trước rủi ro thuế cao.
![]() Vĩnh Hoàn tổ chức đại hội sáng ngày 24/04 tại TPHCM - Ảnh: Tử Kính |
Trong quý 1/2025, Vĩnh Hoàn chủ động điều tiết sản lượng để ứng phó giá nguyên liệu tăng, đồng thời chọn lọc đơn hàng nhằm giữ biên lợi nhuận. Lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh quý đầu năm khả quan, với lợi nhuận dự báo tăng so với cùng kỳ, báo cáo chi tiết sẽ công bố ngày 28/04.
Sang quý 2, Doanh nghiệp vẫn giữ được nhịp xuất khẩu sang Mỹ bất chấp thông tin thuế đối ứng. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm, nhiều đơn vị đang tranh thủ đẩy hàng trước khi thuế mới có hiệu lực, còn các thị trường khác vẫn ổn định. Thách thức lớn nhất hiện tại là thiếu cá đủ kích thước do nguồn cung hạn chế.
Trước đề xuất chuyển hướng sang cá rô phi, Vĩnh Hoàn đánh giá Việt Nam chưa có lợi thế riêng so với Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia. Dù dự án cá rô phi đang triển khai, cá tra vẫn là sản phẩm chủ lực nhờ vị thế gần như độc quyền. "Chúng tôi sẽ không bỏ qua cơ hội về cá rô phi nhưng vẫn phải quan sát thêm", Tổng Giám đốc chia sẻ.
Về chính sách thuế của Mỹ, Công ty cho biết đang bán hàng theo điều kiện đã tính đến rủi ro thuế, bên nhập khẩu là bên chịu trách nhiệm. Đây là điểm giúp Doanh nghiệp giữ thế chủ động trong đàm phán.
"Chúng ta khó chia sẻ mức thuế này vì nó ảnh hưởng đến nhiều thứ khác", Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh nói, đồng thời cho rằng cá tra vẫn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Mỹ và có phần lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại do yếu tố khó thay thế. Ngoài ra, cá tra không có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường này. Vĩnh Hoàn cũng có lợi thế không nhỏ khác là vừa được Mỹ loại khỏi danh sách chịu thuế chống bán phá giá.
"Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng không cần quá lo ngại về khả năng phải rút khỏi thị trường Mỹ", bà Khanh nói thêm, "Mức giá cá tra hiện nay vẫn phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng tại đây. Khi chi phí tăng do thuế, chính người tiêu dùng và nhà nhập khẩu Mỹ sẽ là bên cảm nhận rõ tác động, từ đó họ sẽ có phản ứng và tiếng nói với chính phủ để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình”.
Sắp tới, doanh nghiệp thủy sản sẽ tiếp tục mở rộng hướng ra ngoài Mỹ, đặc biệt là châu Âu, nơi nhu cầu tăng do thiếu hụt cá tuyết. Lợi thế từ việc sản phẩm được USDA kiểm soát chất lượng giúp tăng sức cạnh tranh. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hàng giá trị gia tăng, phát triển vùng nuôi đạt chuẩn và dây chuyền chế biến hiện đại.
* Duy nhất Vĩnh Hoàn được dỡ bỏ thuế chống bán phá giá cá tra, basa vào Mỹ
* Vĩnh Hoàn hạ kế hoạch kinh doanh sát thềm đại hội thường niên
Về kết quả kinh doanh, Công ty ghi nhận doanh thu 12,512 tỷ đồng và lãi ròng 1,226 tỷ đồng trong năm 2024, đều tăng trưởng 2 con số so với năm trước. Theo Tổng Giám đốc, năm vừa qua được xem là giai đoạn phục hồi với doanh thu tăng 25%, xuất khẩu tăng khoảng 17%. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ ở mức 9-10%, dựa trên kỳ vọng thay thế phần nào thị phần của các loài cá thịt trắng khác đang giảm sản lượng.
Sản phẩm surimi dự báo tăng trưởng tốt nhờ giá cá tuyết tại Nga tăng cao. Mảng Vinh Wellness cũng mở rộng nhờ dây chuyền gelatin thứ 2 đi vào hoạt động từ giữa năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng 15%. Công ty đang phát triển dòng collagen chuyên biệt, giá trị cao hơn.
Ở mảng nông sản, Công ty Thành Ngọc đưa vào vận hành thêm dây chuyền sản xuất rau, bước đầu với sản phẩm đậu nành Nhật, kỳ vọng mang về 20 triệu USD. Sa Giang - đơn vị thành viên - cũng mở rộng sản phẩm từ gạo phục vụ nội địa và xuất khẩu.
Trước biến động thị trường, kế hoạch tài chính năm nay được Vĩnh Hoàn điều chỉnh giảm. Mục tiêu doanh thu từ 13,800 tỷ đồng lùi về 10,900-12,350 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ 1,500 tỷ đồng còn khoảng 1,000-1,300 tỷ đồng, mức được cho là phù hợp với tình hình thực tế. Cổ tức bằng tiền duy trì tỷ lệ 20%. Tổng vốn đầu tư năm 2025 ước khoảng 830 tỷ đồng, chủ yếu cho vùng nuôi, nhà máy collagen, trái cây và thủy sản.
Đại hội lần này cũng thông qua việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và bầu ông Phạm Thanh Tùng vào vị trí Trưởng Ban Kiểm soát. Ông Tùng từng giữ chức Trưởng Kiểm toán nội bộ cho Vĩnh Hoàn từ năm 2018, đồng thời đang là Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang.
![]() Ông Phạm Thanh Tùng nhận hoa chúc mừng từ Ban Lãnh đạo Vĩnh Hoàn - Ảnh: Tử Kính |
Tử Kính