Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho 90 ngày tạm hoãn thuế?
Doanh nghiệp cần chuẩn bị đa kịch bản để sẵn sàng cho những tình huống phức tạp nhất, tránh bị động.
Tác động từ việc hoãn áp thuế 90 ngày đối với kinh tế Việt Nam
![]() Ảnh chụp màn hình. |
Tại talkshow với chủ đề "Thuế quan, rào cản thương mại: Hành động của doanh nghiệp" tổ chức sáng ngày 11/04, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM nhận định tin vui là Việt Nam có thêm 90 ngày để chuẩn bị cho các sự việc tiếp theo, nhưng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn để tạo ra sự khác biệt.
Có 2 kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Việt Nam có thể bị áp thuế như những nước thặng dư thương mại lớn: Trung Quốc, Canada, Mexico… Thứ hai, Việt Nam bị áp thuế như phần còn lại, chịu mức thuế ít hơn so với những đối thủ cạnh tranh.
Hiện nay, Việt Nam đang ở kịch bản thứ nhất và phải làm sao để cố gắng đàm phán để chuyển sang kịch bản thứ 2, hoặc ít nhất phải được mức thuế ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có những ngành chủ lực như gỗ, dệt may, điện tử… các nhóm ngành này sẽ chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Do đó, đòi hỏi thời gian tới, chúng ta phải có sự chuẩn bị. 90 ngày rất ngắn và khó để có được những động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng. Và cần chuẩn bị cả kịch bản tốt và xấu để tránh sự bất ngờ.
Dưới góc độ vĩ mô, các doanh nghiệp hiện nay cũng hạn chế nhận đơn hàng mới hay tuyển thêm nhân sự, bởi vì tương lai bất định và rất khó để dự báo. Chính sách thuế quan có thể tác động lên chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc sản xuất của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Dù hiện tại tác động không quá lớn nhưng cần chờ đợi trong 90 ngày tới kết quả như thế nào.
Tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu Việt Nam hiện rất thấp, đa số nguyên vật liệu từ bên ngoài, do đó giá trị gia tăng từ 130 tỷ USD, Việt Nam mang lại chỉ vài chục tỷ USD. Theo đó, có thể thấy dòng tiền ròng Việt Nam nhận lại được không nhiều.
Để có thể giảm 130 tỷ USD về 0, bắt buộc phải tăng tỷ lệ nội địa hóa cho hàng xuất khẩu càng sớm càng tốt để tránh trở thành ‘trạm trung chuyển” của nước thứ ba cho hàng xuất sang Mỹ.
Đồng thời, khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam có 72% đến từ khu vực FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia nhiều vào chuỗi giá trị này. Theo đó, thời gian tới có thể hợp tác với doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn, tạo ra giá trị nội địa hóa nhiều hơn.
Việc đàm phán thành công hay không còn nằm ở chỗ thặng dư thương mại có về 0 được hay không.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết thông tin tạm hoãn áp thuế 46% trong vòng 90 ngày là thông tin rất đáng mừng cho ngành gỗ.
Ngay sau khi có thông tin công bố quyết định áp thuế, HAWA có làm cuộc khảo sát trong ngày 04/04 với 20 nhà mua hàng xuất khẩu đi Mỹ và 10 doanh nghiệp FDI đầu tư lâu tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp, người mua hàng và cộng đồng FDI đều lo lắng đến tình huống tạm dừng các đơn hàng chuyển đi, đơn hàng mới và dòng tiền đang liên quan đến các đơn hàng hiện tại.
Tuy nhiên, ngày 09/04, có thông tin tốt về việc tạm hoãn áp thuế 90 ngày nhằm có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị, sắp xếp cho các đơn hàng đang đi đường, có thời gian chuẩn bị cho các đơn hàng mới.
Đối với ngành gỗ, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm không phải là việc đơn giản. Do đó, 90 ngày dù là thời gian ngắn nhưng cũng được xem là dấu hiệu tích cực.
Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Nhà nước và các cấp có những quyết định toàn cục, duy trì được sự ổn định của nền kinh tế. Doanh nghiệp ngành gỗ cũng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TPHCM, CEO Faslink cho biết việc dịch chuyển các đơn hàng dệt may trong thời gian ngắn cũng là vấn đề. Thêm 90 ngày hoãn thuế giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để sắp xếp với đối tác mua hàng, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải luôn luôn nghiên cứu thị trường, chuẩn bị đa kịch bản để sẵn sàng cho những tình huống phức tạp nhất.
Sau cuộc chiến thuế quan, có thể chuyển sang chiến tranh tiền tệ
Năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, lúc đó dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và được hưởng lợi từ giai đoạn đó đến nay.
Bối cảnh hiện tại khác trước, Trung Quốc đang sẵn sàng áp thuế trả đũa Mỹ và quy mô cuộc thương chiến này rộng hơn trước đây. Cuộc chiến này phức tạp hơn, do đó Việt Nam cần chuẩn bị thêm cho cuộc chiến này chưa thể kết thúc sau 90 ngày.
Thêm nữa, chiến tranh thương mại có thể chuyển sang chiến tranh tiền tệ. Vừa qua, Trung Quốc đã phá giá Nhân dân tệ (CNY) và tác động lên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến tiền tệ. Khi CNY bị phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để chuẩn bị trước, tránh bị động, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu bằng USD.
Để bảo hiểm rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần mua các hợp đồng kỳ hạn để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Đặt mua USD ấn định trước ở thời điểm hiện tại, để giao trong tương lai. Thế nhưng, hiện nay, ở Việt Nam khó mua các loại hợp đồng này, nên cần chủ động chuẩn bị nguồn USD để mua nguyên vật liệu.
Cát Lam