Doanh nghiệp cần thêm “trợ lực” để tăng sức cạnh tranh

date
17/04/2025 22:17

Doanh nghiệp cần thêm “trợ lực” để tăng sức cạnh tranh

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 chiều 17/4, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất cắt giảm chi phí tuân thủ, tinh gọn thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tận dụng tốt hơn các FTA.

Diễn đàn DN 2025 với chủ đề "Trợ lực cho DN vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", chiều 17/04. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, doanh nghiệp Việt vẫn đối mặt áp lực lớn, dù nền kinh tế đạt tăng trưởng 6.93% trong quý 1 và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ 32% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới. Ông Phòng cho rằng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh - đặc biệt với khu vực tư nhân - là những "chìa khóa then chốt".

"Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025. Nhưng trong thế giới biến động, doanh nghiệp cần thêm trợ lực từ chính quyền các cấp", ông Phòng nói.

Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội -lưu ý cải cách không chỉ là cắt thủ tục mà còn phải giảm chi phí tuân thủ, “gánh nặng thầm lặng” của doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - đề xuất giảm từ 5-6 con dấu còn 1 dấu trong thủ tục hành chính, đồng thời kiến nghị quy trình tiếp thu ý kiến xây dựng luật minh bạch hơn.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng, các liên kết DN như chuỗi cung ứng, góp vốn hay hợp tác chiến lược đang tăng nhưng chưa hiệu quả. 97% doanh nghiệp Việt không xuất khẩu, 99% không sản xuất cho nước ngoài - con số này cần thay đổi nếu Việt Nam muốn đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng (Tân Hiệp Phát) đề nghị đầu tư vào hạ tầng chất lượng quốc gia và hệ thống tiêu chuẩn phù hợp quốc tế, đồng thời cần có các "chim đầu đàn" dẫn dắt DN nhỏ tham gia chuỗi giá trị.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội - kiến nghị hợp nhất Luật Doanh nghiệp và Luật Hỗ trợ DNNVV, đồng thời giảm 15% thuế TNDN cho phần tái đầu tư vào công nghệ xanh, số hóa.

Ở góc nhìn quốc tế, ông Andrew Yeh - Giám đốc điều hành Slasify - cho biết, mở rộng ra thị trường toàn cầu là xu hướng rõ nét với DN Việt, nhưng cũng đi kèm thách thức về quản trị nhân sự xuyên biên giới. Ông đề xuất áp dụng công nghệ và mô hình "Employer of Record" (EOR) để hỗ trợ mở rộng linh hoạt hơn.

Về hội nhập, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế - cho rằng các FTA đã giúp Việt Nam vào top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi mới đạt khoảng 37%. Doanh nghiệp cần tăng hiểu biết về FTA, tối ưu quy tắc xuất xứ và đầu tư công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo bà Trương Thị Chí Bình (VASI), cần được tạo thị trường đầu chuỗi và khuyến khích startup kỹ thuật. Ngành du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh (Cục Du lịch Quốc gia), đặt mục tiêu đón 22-23 triệu khách quốc tế năm 2025, tập trung xúc tiến đa kênh, hoàn thiện thể chế và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.

Kết thúc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, các kiến nghị sẽ được tiếp thu, tổng hợp và gửi lên các cơ quan Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. "Điều quan trọng là các giải pháp cần đi vào chính sách, đi vào cuộc sống để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển", đại diện VCCI nói.

Tùng Phong

FILI - 21:15:00 17/04/2025