Đội ngũ của Trump muốn chốt 90 thoả thuận thương mại trong 90 ngày

date
13/04/2025 12:12

Đội ngũ của Trump muốn chốt 90 thoả thuận thương mại trong 90 ngày

Chính quyền Donald Trump đang đặt mục tiêu đạt được 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, nhưng những thách thức để nhanh chóng giải quyết cuộc chiến thương mại của vị Tổng thống đã bắt đầu hiện rõ.

Người đứng đầu thương mại của Liên minh Châu Âu, Maros Sefcovic, sẽ là một trong những quan chức thương mại nước ngoài đầu tiên đến Washington vào ngày 14/04 để đàm phán khẩn cấp về mức thuế đối ứng mà Trump đã công bố vào ngày 02/04. Khối này là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với gần 1 ngàn tỷ USD trong thương mại song phương năm ngoái.

Tuy nhiên, khi Sefcovic đặt chân đến Washington, nhà đàm phán thuế quan hàng đầu của Trump, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, lại đang ở Buenos Aires để thể hiện sự ủng hộ đối với các cải cách kinh tế của Argentina thay vì có mặt tại thủ đô, mặc dù Argentina chỉ chiếm 16.3 tỷ USD trong tổng thương mại hàng năm với Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 09/04/2025

Sự vắng mặt của Bessent vào ngày 14/04 làm dấy lên nhiều nghi ngờ trong giới chuyên gia thương mại về khả năng chính quyền có thể quản lý hiệu quả hàng loạt cuộc đàm phán một cách đồng thời và liệu họ có thể đạt được 90 thỏa thuận trong vòng 90 ngày hay không.

"Việc đưa ra những quyết định này sẽ đòi hỏi một số cuộc đàm phán vô cùng nghiêm túc", Wendy Cutler, từng là Trưởng đoàn đàm phán của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), hiện đứng đầu Viện Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ. "Không có cách nào trong khung thời gian này chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện với bất kỳ quốc gia nào trong số này".

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phản bác trên Fox Business Network vào ngày 11/04 rằng Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hoàn toàn có thể hoàn thành công việc này.

"Chúng ta sẽ thực hiện 90 thỏa thuận trong 90 ngày. Điều đó là hoàn toàn khả thi", ông khẳng định.

Cuối cùng, "Tổng thống sẽ là trưởng đoàn đàm phán chính. Không có gì được thực hiện mà không có ông ấy xem xét rất cẩn thận", Navarro nhấn mạnh.

Trump đã bắt đầu đồng hồ đếm ngược 90 ngày trong tuần này khi ông tạm hoãn thuế đối ứng và chỉ áp mức tối thiểu 10% đối với nhiều quốc gia sau khi thị trường tài chính rơi vào vòng xoáy do lo ngại về suy thoái và lạm phát, cùng nhiều yếu tố khác. Ông tuyên bố rằng khoảng thời gian tạm hoãn 90 ngày sẽ cho phép các quốc gia đạt được các thỏa thuận song phương với Mỹ.

Lấy lại niềm tin của thị trường tài chính là một mục tiêu quan trọng khác trong 90 ngày này. Các nhà đầu tư đã bán trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tuần qua, đẩy lãi suất tăng vọt và khiến đồng USD giảm giá do lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và lạm phát tái diễn. Vàng, một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng, đã chạm mức cao kỷ lục.

Cutler cho biết tình trạng hỗn loạn này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên đội ngũ của Trump để đạt được một số chiến thắng nhanh chóng.

"Trách nhiệm sẽ đặt lên vai họ để chứng minh rằng họ có thể nhanh chóng kết thúc các thỏa thuận với các quốc gia, và tạo ra niềm tin trên thị trường cũng như với các đối tác thương mại khác rằng có một lối thoát ở đây", bà nhận định.

"Nhiệm vụ khổng lồ"

Mâu thuẫn ngày càng tăng với Trung Quốc - quốc gia không được miễn trừ khỏi thuế quan mới của Mỹ - đã làm dày thêm bầu không khí ảm đạm trong tuần này.

Đạt được các thỏa thuận thương mại vừa làm hài lòng Trump vừa xoa dịu thị trường tài chính là một "nhiệm vụ khổng lồ", Cutler nhận xét.

Thay vào đó, đội ngũ của Trump nhiều khả năng sẽ phải ưu tiên các quốc gia chủ chốt và gia hạn thời gian tạm hoãn 90 ngày cho các quốc gia khác, bà dự đoán.

Ngay cả thỏa thuận thương mại nhỏ nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump - sửa đổi các điều khoản về ô tô và thép của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc - cũng mất hơn 8 tháng, trong khi Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phải mất hơn 2 năm để hoàn tất.

Tuy nhiên, ông Greer của USTR vẫn tự tin: "Chúng tôi có thể đạt tới thời điểm để Tổng thống đưa ra quyết định chốt thỏa thuận. Ông ấy có thể đàm phán, và nếu có một thỏa thuận tốt, ông ấy có thể cân nhắc chấp nhận nó, còn nếu không, ông ấy vẫn có công cụ thuế quan trong tay".

Khía cạnh hậu cần để điều phối 90 bộ đàm phán chỉ là một trong nhiều trở ngại đối với chính quyền đang bị căng thẳng về nhân lực.

Nhiều vị trí quan trọng vẫn chưa được bổ nhiệm và các quan chức hiện tại thường xuyên bận rộn với các nhiệm vụ khác, các nhà ngoại giao cho biết. Ví dụ như các quan chức Bộ Tài chính đã gặp đại diện Ukraine vào ngày 11/04 để bàn về một thỏa thuận khoáng sản quan trọng.

Greer chia sẻ với Fox News rằng đội ngũ 200 nhân viên của ông đang "làm việc xuyên ngày đêm" khi các đề xuất được trao đổi qua lại với các đối tác nước ngoài.

Bộ Tài chính chỉ có một quan chức cấp cao khác được Thượng viện xác nhận, đó là Thứ trưởng Tài chính Michael Faulkender. Trump thậm chí chưa đề cử bất kỳ ai cho vị trí quan trọng là thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế, và một quan chức nghiệp vụ đang phải đảm nhiệm tạm thời.

USTR cũng đang phải dựa nhiều vào đội ngũ nhân viên nghiệp vụ, với một số vị trí phó quan trọng cần sự xác nhận của Thượng viện vẫn đang bỏ ngỏ.

Một yếu tố phức tạp khác là sự không chắc chắn về các lập trường của Hoa Kỳ trong các vấn đề thương mại. Một nguồn tin ngoại giao thứ hai bổ sung rằng các cố vấn thương mại hàng đầu của Trump dường như mỗi người đều có quan điểm riêng.

Một số quốc gia, bao gồm Anh, Úc và nhiều nước khác, đã thảo luận về thương mại với chính quyền kể từ khi Trump nhậm chức vào tháng 1, nhưng thu về rất ít kết quả cụ thể.

"Không phải như thể có một tờ giấy với các điểm thảo luận chắc chắn đang được trao đổi qua lại", một nguồn tin ngoại giao tiết lộ. "Đó chỉ là một quá trình. Và tôi nghĩ nên gọi đó là 'đàm thoại', chứ không hẳn là 'đàm phán'".

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI - 11:10:28 13/04/2025