Dự kiến thí điểm sàn giao dịch carbon từ 2025, đề xuất công ty chứng khoán làm trung gian
Dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước của Bộ Tài Chính đăng tải ngày 25/03/2025 đã đưa ra các quy định giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon (các-bon) trên sàn giao dịch nội địa. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất giai đoạn thí điểm diễn ra từ 2025-2028, và các công ty chứng khoán đứng ra làm trung gian.
Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên Luật Bảo vệ môi trường 2020, Quyết định 232/QĐ-TTg (24/01/2025) và các văn bản pháp lý liên quan. Mục tiêu là thiết lập và vận hành thị trường carbon nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, và thúc đẩy kinh tế xanh.
Bộ Tài chính đưa ra hai loại hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon, gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Tín chỉ carbon được xác nhận, thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế. Trong đó, cơ chế quốc tế được chấp thuận là Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Chủ thể tham gia là các cơ sở phát thải lớn, tổ chức thực hiện dự án tín chỉ, và cá nhân/tổ chức đủ điều kiện. Chủ thể giao dịch hạn ngạch là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong Danh mục phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê do Thủ tướng ban hành.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ quản lý giao dịch, trong khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) có vai trò quản lý lưu ký, thanh toán. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ hỗ trợ thanh toán.
Bộ Tài chính đề xuất các công ty chứng khoán làm trung gian hỗ trợ giao dịch. Theo đó, khách hàng, nhà đầu tư sẽ đăng nhập, kết nối qua các công ty chứng khoán, thay vì trực tiếp tới hệ thống giao dịch, để đảm bảo minh bạch, an toàn, và hiệu quả. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận, được công ty chứng khoán thông báo kết quả cho các bên sau khi khớp lệnh. HNX sẽ cung cấp kết quả giao dịch cho VSDC để thanh toán giao dịch qua ngân hàng.
Trường hợp công ty chứng khoán cũng là bên đầu tư tín chỉ, dự thảo quy định họ phải ưu tiên khớp lệnh cho khách hàng với mức giá ngang bằng hoặc cao hơn mức khách hàng yêu cầu.
Về nhiệm vụ, Bộ Tài chính có nhiệm vụ giám sát, điều hành sàn giao dịch. Bộ Nông nghiệp & Môi trường đảm nhận quản lý hàng hóa, xác nhận tư cách tham gia. Các đơn vị liên quan cần đảm bảo vận hành, công bố thông tin minh bạch.
Dự thảo đưa ra lộ trình thí điểm sàn giao dịch từ 2025-2028. Trường hợp khả thi, từ 2029 sẽ đánh giá và mở rộng, kết nối với các thị trường quốc tế.
Hải Âu