Giới đầu tư né xa tài sản Mỹ sau khi Trump dọa sa thải Chủ tịch Fed
Làn sóng bán tháo tài sản Mỹ lại tiếp tục trong ngày 21/04 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Đồng USD và hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đều lao dốc, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo thang khi giới đầu tư cân nhắc rủi ro từ việc Powell có thể mất ghế và những hệ lụy đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bán tháo diễn ra mạnh hơn sau khi ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cho biết vào ngày 18/04 rằng ông Trump đang nghiên cứu về việc sa thải ông Powell.
"Nếu uy tín của Fed bị hoài nghi, niềm tin vào đồng USD sẽ suy giảm nghiêm trọng", Christopher Wong, Chiến lược gia tại Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp. ở Singapore nhận định.
Viễn cảnh Powell bị sa thải đang giáng thêm đòn mạnh vào tài sản Mỹ sau khi Washington áp thuế cao bất ngờ với các đối tác thương mại, khơi dậy nỗi lo về suy thoái và làm lung lay vị thế trú ẩn an toàn của trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trước đó, Trump từng khẳng định rằng một đồng tiền yếu hơn sẽ giúp các sản phẩm Mỹ cạnh tranh tốt hơn, từ đó càng tạo áp lực lên đồng bạc xanh.
Chỉ số đồng USD của Bloomberg sụt 0.9% trong ngày 21/04, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024. Đồng Yên Nhật mạnh lên mức cuối cùng được ghi nhận vào tháng 9, trong khi đồng Euro tăng vọt lên đỉnh cao nhất trong hơn 3 năm qua. Đồng tiền chung châu Âu hiện đang giao dịch ở mức khoảng 1.15 USD, gần với dự báo lạc quan nhất của các chuyên gia. Đồng yên, ở mức khoảng 140.50 đổi 1 USD.
"Chúng tôi tin rằng sự suy yếu của đồng USD sẽ còn tiếp diễn", Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co., viết trong một báo cáo. "Trump đang tấn công vào sự độc lập của Fed. Việc Trump thừa nhận đang được xem xét cách sa thải Chủ tịch Fed được coi là điều hết sức nghiêm trọng và cực kỳ tiêu cực”.
Nhiều quỹ đầu cơ nằm trong số những tổ chức bán tháo đồng USD trong ngày 21/04 sau phát ngôn của ông Hassett, theo nguồn tin thân cận. Các quỹ đầu cơ hiện tỏ ra ít lạc quan nhất về đồng bạc xanh kể từ tháng 10, theo dữ liệu tổng hợp từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
"Sự độc lập của ngân hàng trung ương là điều vô cùng quý giá - không phải là điều hiển nhiên và rất khó lấy lại nếu đã mất", Will Compernolle, Chiến lược gia kinh tế vĩ mô tại FHN Financial ở Chicago, nhấn mạnh. "Việc ông Trump dọa sa thải ông Powell không giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tài sản Mỹ, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng các diễn biến về thuế quan mới là động lực chính”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho sự biến động thị trường do những tin tức giật gân có thể có lợi cho Powell. "Như mọi khi, Trump vẫn rất khó đoán", Maximillian Lin, Chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Hoàng gia Canada giải thích. "Nhưng chúng ta thấy tuần trước các tin tức về chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung khá yên ắng. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của thị trường đang buộc Trump phải cân nhắc kỹ hơn trước khi hành động. Nếu thị trường đang thực sự ngăn cản Trump trong vấn đề thương mại, thì điều tương tự cũng có thể xảy ra với ý định sa thải Powell”.
Không chỉ đồng USD bị bán tháo, hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ sụt giảm tới 1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng vọt 3 điểm cơ bản. Đường cong lợi suất Mỹ trở nên dốc hơn, với lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm sâu giữa đồn đoán rằng việc loại bỏ Chủ tịch Fed sẽ mở đường cho nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa.
Liệu Trump có quyền sa thải Chủ tịch Fed?
Giữa tất cả những lo lắng, giới tham gia thị trường đang đặt câu hỏi liệu Trump có quyền sa thải Powell hay không. Các học giả pháp lý chỉ ra rằng Tổng thống không thể dễ dàng sa thải chủ tịch Fed. Mục 10 của Đạo luật Dự trữ Liên bang quy định rằng các thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, trong đó có Chủ tịch, chỉ có thể "bị Tổng thống sa thải vì lý do chính đáng”. Thông thường, "lý do chính đáng" được hiểu là hành vi sai trái nghiêm trọng hoặc lạm dụng quyền lực.
Trong khi đó, giới quan sát thị trường đang nín thở chờ một vụ kiện khác đang được xem xét tại các tòa án Mỹ, liên quan đến việc Trump trước đó đã sa thải hai thành viên ban quản trị tại hai cơ quan độc lập khác.
Mặc dù hai quan chức này - Gwynne Wilcox của Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia và Cathy Harris, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hệ thống Công trạng - không nổi tiếng bằng Powell, họ đều được bảo vệ bởi cùng một tiền lệ pháp lý từ năm 1935 được gọi là "Humphrey's Executor". Trong ngày 16/04, Powell cũng thừa nhận Fed đang "theo dõi cẩn thận" diễn biến của vụ kiện này.
Kết quả của cuộc tranh luận pháp lý này cuối cùng có thể xác định liệu Trump có quyền sa thải Powell hay không.
Dù kết quả cuối cùng ra sao, nhiều chuyên gia tài chính vẫn cho rằng mối đe dọa đối với Powell chỉ là một lý do trong số nhiều yếu tố đang khiến nhà đầu tư không mặn mà với đồng đô la Mỹ.
"Có thể thông tin về việc gây áp lực lên Powell là yếu tố kích hoạt làn sóng bán đô la gần đây," Gareth Berry, Chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Macquarie ở Singapore giải thích. "Nhưng sự thật là thị trường không cần thêm lý do nào nữa để bán đồng bạc xanh”.
Berry còn nhấn mạnh một điểm quan trọng: "Nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra trong ba tháng qua, chúng ta đã có đủ lý do để dự đoán làn sóng bán đô la sẽ còn tiếp diễn, có thể kéo dài trong nhiều tháng tới".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)