Cập nhật
Góc nhìn 15/04: Tốt xấu đan xen!
Sau phiên đầu tuần tăng gần 19 điểm, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục lạc quan về khả năng tăng điểm trong phiên tới. Dù vậy, một số khác tin rằng thị trường sẽ đi vào giai đoạn rung lắc.
Còn khả năng phục hồi
CTCK VPBank (VPBankS): Về kỹ thuật, mức tăng mạnh mẽ đã giúp cho chỉ số lấy lại đường MA10 cho thấy nhịp phục hồi khả năng còn tiếp diễn. Trong kịch bản thị trường bứt phá khỏi ngưỡng cản ở 1,270 điểm, nơi có mặt của các đường MA trung hạn MA100, MA200 ngày thì đà tăng mới sẽ xác nhận và khả năng sẽ thu hút được dòng tiền mới tham gia thị trường.
Đang ở vùng kháng cự
CTCK Tiên Phong (TPS): Mặc dù đợt phục hồi tích cực đã phần nào khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nhưng CTCK vẫn lưu ý đến vùng kháng cự quan trọng quanh 1,239 điểm theo quan điểm kỹ thuật và sự yếu đi của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau đợt phục hồi là một tín hiệu đáng lưu ý cho phiên giao dịch kế tiếp.
Đồng thời, các chính sách vĩ mô trên thế giới trong giai đoạn hiện tại có sự đảo chiều rất nhanh, bên cạnh đó thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế bổ sung chỉ để tạo điều kiện cho Mỹ có đủ thời gian đàm phán với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện con số cuối cùng về mức thuế sẽ được áp dụng cho từng quốc gia chưa được xác định, nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý và theo dõi sát sao tình hình kinh tế - chính trị để có phản ứng kịp thời.
Phân hóa
CTCK Vietcombank (VCBS): Thị trường tiếp tục hồi phục tăng điểm, tuy nhiên đà tăng đã có phần giảm tốc khi dòng tiền báo hiệu sự phân hóa có thể diễn ra trong những phiên tới. Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các mã đang duy trì đà tăng mạnh, và có thể chọn lọc một số cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt trong phiên để giải ngân thăm dò với tỷ trọng nhỏ nhằm tận dụng quán tính hồi phục của thị trường chung. Một số nhóm ngành đáng lưu ý bao gồm bán lẻ, vận tải biển, chứng khoán.
Quán tính tăng điểm vẫn còn
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm tích cực thứ 3 liên tiếp với giá đóng cửa nằm trên mức 1,240 điểm và thanh khoản ở mức cao, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế và tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại.
Ở kịch bản khả quan, VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng điểm trong phiên tới để hướng lên vùng kháng cự kỹ thuật 1,250 - 1,260 điểm.
Tiếp tục hồi phục
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Ngắn hạn, VN-Index tiếp tục phục hồi như kỳ vọng trong những báo cáo trước. VN-Index có vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1,225 điểm, hướng đến vùng giá tâm lý 1,250 điểm và vùng kháng cự mạnh tiếp theo 1,265 - 1,275 điểm.
Có rủi ro đảo chiều
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tiếp tục có phiên đi lên thứ 3 liên tiếp và hình thành một nến rút chân tương đối khả quan về cuối phiên. Mặc dù quán tính tăng điểm từ các nhóm cổ phiếu chủ chốt vẫn đang giữ nhịp cho thị trường, hoạt động phân hóa bắt đầu trở nên rõ nét hơn ở các cổ phiếu còn lại khi áp lực bán có tín hiệu gia tăng. Biên độ tăng của điểm số cũng dần co hẹp, cho thấy sự hưng phấn đã hạ nhiệt từ bên mua và trạng thái cung/cầu đã trở nên cân bằng hơn. Với tín hiệu đó, nhiều khả năng chỉ số sẽ sớm gặp áp lực rung lắc đáng kể và có rủi ro đảo chiều khi thử thách các vùng kháng cự phía trên.
Rung lắc
CTCK BIDV (BSC): Đà hồi phục theo mô hình chữ V của VN-Index chững lại trước ngưỡng kháng cự 1,240 với cây nến thân nhỏ và thanh khoản sụt giảm. Trong những phiên giao dịch tới, hành trình tăng điểm của VN-Index có thể sẽ đi kèm những phiên rung lắc.
Ưu tiên nắm giữ
CTCK Đông Á (DAS): Trong tuần này, thị trường trải qua phục hồi kỹ thuật sau đợt giảm sâu thì các nhóm cổ phiếu có thể giao dịch phân hoá do lực chốt lời ngắn hạn. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ, giải ngân đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi sự kiện thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Tận dụng nhịp hồi để cơ cấu danh mục hợp lý
CTCK BETA: Xét về góc độ kỹ thuật, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn, dù đã có những tín hiệu cải thiện nhất định. Việc chỉ số vượt lên trên đường trung bình động MA10 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lực cầu ngắn hạn đang dần gia tăng. Bên cạnh đó, chỉ báo SAR đã bắt đầu phát tín hiệu mua trở lại. Tuy nhiên, các chỉ báo khác như MACD, cặp DI+, DI- vẫn tiêu cực, cho thấy động lực tăng vẫn còn yếu.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi nhờ kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới KRX sắp vận hành và tâm lý tích cực từ nhóm nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng xu hướng tăng hiện tại vẫn tiềm ẩn rủi ro khi các chỉ báo kỹ thuật chưa hoàn toàn ủng hộ đà hồi phục bền vững. Bên cạnh đó, những biến động khó lường từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu như thuế quan, chiến tranh thương mại vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược giao dịch ngắn hạn, tận dụng nhịp hồi để cơ cấu danh mục hợp lý, đặc biệt nên lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao.
Tử Kính