Góc nhìn 16/04: Giằng co?

date
15/04/2025 19:21

Cập nhật

Góc nhìn 16/04: Giằng co?

BETA cho rằng dù có tín hiệu hồi phục nhất định, xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn mang tính giằng co và chưa đủ cơ sở xác nhận sự đảo chiều mạnh.

Mở ra cơ hội hút dòng tiền

CTCK Đông Á (DAS): Dưới áp lực chốt lời ngắn hạn cả lượng hàng bắt đáy về tài khoản, thị trường chứng khoán giảm điểm phiên hôm nay (15/04). Tuy nhiên, mức giảm giá cũng chỉ là bước điều chỉnh so với loạt phiên tăng trần vừa qua, VN-Index giao dịch trên 1,200 điểm, thị trường vẫn mở ra cơ hội thu hút dòng tiền, đặc biệt là với nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng Hoa Kỳ.

Trong tuần này, thị trường trải qua phục hồi kỹ thuật sau đợt giảm sâu thì các nhóm cổ phiếu có thể giao dịch phân hoá do lực chốt lời ngắn hạn. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ, giải ngân đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi sự kiện thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Giằng co kéo dài

CTCK BIDV (BSC): Thị trường đang giằng co khi trở về vùng kháng cự cũ sau đà hồi phục hình chữ V. Xu hướng này có thể sẽ kéo dài trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trước các vùng tâm lý này.

Tiếp tục giảm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index tiếp tục suy giảm dưới vùng kháng cự 1,250-1,270 điểm. Dù hiện tại nhiều mã vẫn tương đối rẻ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, nhưng thị trường diễn biến khó lường, mức độ rủi ro ngắn hạn cao hơn cơ hội, nhất là đối với các nhóm ngành chịu áp lực thuế quan. Các vị thế tỷ trọng cao, còn dư nợ ký quỹ cần ưu tiên đánh giá danh mục, giảm tỉ trọng. Ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Việc xem xét gia tăng tỉ trọng đầu tư nên chờ thị trường chung cân bằng trở lại.

Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.

Lực cầu tăng trở lại

CTCK Asean (Aseansc): Thị trường hôm nay (15/04) ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, là hoàn toàn bình thường. Đây được xem là phiên điều chỉnh kỹ thuật thông thường. Điểm tích cực là thanh khoản duy trì ở mức cao, và khối ngoại mua ròng trở lại. Ở kịch bản Trung lập, lực cầu được kỳ vọng gia tăng trở lại khi VN-Index về vùng hỗ trợ gần 1,200-1,220 điểm.

Gặp khó quanh 1,230-1,240

CTCK Tiên Phong (TPS): Phiên giao dịch kế tiếp (16/04) thị trường vẫn có thể tiếp tục quán tính điều chỉnh với mức hỗ trợ gần nhất quanh 1,215 (+/-) điểm. Thị trường vừa trải qua nhịp phục hồi mạnh sau đợt bán tháo do chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, tuy nhiên thị trường đang gặp khó quanh kháng cự 1,230-1,240 điểm nên nhịp điều chỉnh trước mắt có thể giúp cung - cầu trở nên cân bằng hơn sau giai đoạn biến động mạnh trước khi xác định được xu hướng kế tiếp.

Nhà đầu tư có thể tận dụng giai đoạn này để tiến hành tái cơ cấu danh mục theo hướng ưu tiên các cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan và nâng tỷ trọng tiền mặt.

Dao động biên độ hẹp

CTCK BETA: VN-Index vẫn duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn, mặc dù đã xuất hiện một vài tín hiệu tích cực. Dù có tín hiệu hồi phục nhất định, xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn mang tính giằng co và chưa đủ cơ sở xác nhận sự đảo chiều mạnh.

Với xu hướng hiện tại, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và diễn biến giằng co trong ngắn hạn, đặc biệt khi các yếu tố hỗ trợ chưa thực sự rõ ràng. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên tập trung vào chiến lược quản trị rủi ro, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính cao và ưu tiên bảo toàn vốn.

Thách thức giảm điểm

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index hình thành mẫu nến spinning nhưng với bóng nến trên dài hơn, phản ánh trạng thái suy yếu đang hình thành rõ nét và bao phủ phần lớn độ rộng của thị trường. Ngoài ra, lực bán gia tăng mạnh ở một số cổ phiếu giữ nhịp chính đang bỏ ngỏ rủi ro đảo chiều cao hơn khi VN-Index thiếu vắng đi lực đỡ. Với dữ kiện trên, nhịp hồi phục đang đối mặt với thách thức giảm điểm trở lại trong trường hợp áp lực phân phối diễn ra trên diện rộng.

Đi ngang

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên kế tiếp (16/04). Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên tới và thanh khoản có thể suy yếu trong một vài phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn lạc quan và cơ hội mua mới vẫn còn nhiều.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở ở mức tăng. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lưu ý nên cơ cấu danh mục từ cổ phiếu yếu (mức Stock Rating < 80 điểm) sang các cổ phiếu mạnh (mức Stock Rating > 80 điểm).

Gặp khó vùng 1,250-1,270

CTCK VPBank (VPBankS): Đà hồi phục của chỉ số VN-Index sẽ vẫn gặp khó ở khu vực 1,250-1,270 điểm, nơi có mặt đường MA100 và MA200 ngày. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi thêm phản ứng thị trường ở ngưỡng này để hành động khi mốc này sẽ cho tín hiệu xu hướng mới.

Tùng Phong

FILI - 18:19:52 15/04/2025