Góc nhìn tuần 21-25/04: Tìm lại vùng cân bằng?
VN-Index đang trong giai đoạn hình thành vùng cân bằng, theo đó được dự báo sẽ tiếp tục giằng co quanh 1,200-1,240 điểm. Các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá đây là nhịp điều chỉnh lành mạnh, mở ra cơ hội tích lũy trong bối cảnh chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1.
Rung lắc quanh 1,210 - 1,230
CTCK Phú Hưng (PHS): Vận động khả năng sẽ tiếp tục rung lắc kiểm định lại vùng gap 1,210 - 1,230 điểm các phiên tới. Kỳ vọng tín hiệu điều chỉnh lành mạnh và chỉ mang tính chất chốt lời ngắn hạn. Chiến lược chung là nắm giữ, hạn chế mua đuổi thêm ở các phiên tới khi chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng, nên tận dụng nếu có nhịp quay lại kiểm định tốt ngưỡng 1,200 điểm. Tỷ trọng chung được kiểm soát ở mức vừa phải để tránh biến động bất ngờ từ vĩ mô.
Vùng cân bằng 1,200-1,250
CTCK VNDIRECT: Việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1,240 điểm là lành mạnh để hấp thụ một phần lượng hàng bắt đáy giá rẻ. Thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1,200-1,250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua.
Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về KQKD có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.
Có thể giải ngân khi VN-Index lùi về vùng 1,200 điểm
CTCK VPBank (VPBankS): Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn dao động trên vùng 1,200 điểm, chỉ báo MACD và RSI có dấu hiệu hình thành đáy nên kỳ vọng động lực chung sẽ sớm được củng cố giúp chỉ số giữ được xu hướng phục hồi. Do đó, nhà đầu tư có thể canh giải ngân khi chỉ số VN-Index có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1,200 điểm ưu tiên mở vị thế đối với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi các thông tin về thuế như Ngân hàng, chứng khoán,...
Đi ngang với hỗ trợ 1,200 điểm
CTCK Thiên Việt (TVS): Trên đồ thị ngày, VN-Index hình thành nến đỏ và cover Gap-up hình thành ngay từ đầu phiên. TVS nhận định VN-Index vẫn đang trong quá trình side-way với vùng hỗ trợ gần của chỉ số là 1,200 điểm. CTCK khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ sau khi thực hiện thăm dò cổ phiếu Ngân hàng theo khuyến nghị trước đó của chúng tôi. Việc tăng thêm tỷ trọng chỉ nên cân nhắc tại các nhịp điều chỉnh tiếp theo của chỉ số.
Tiếp tục tích lũy
CTCK Tiên Phong (TPS): Trong ngắn hạn, thị trường có khả năng phải tích lũy trong biên độ hẹp từ 1,195 - 1,245 điểm trước khi xác định xu hướng kế tiếp. Về trung hạn, TPS giữ quan điểm thận trọng trước những biến động khó lường của vĩ mô toàn cầu, ít nhất cho đến khi việc đàm phán về thuế đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ đi đến kết quả cuối cùng.
Giằng co quanh 1,220
CTCK Vietcombank (VCBS): Với việc các chỉ báo RSI gần như di chuyển đi ngang và chỉ báo MACD chưa dứt khoát vượt lên mốc 0, xác suất cao thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tăng giảm quanh mốc 1,220 với biên độ khoảng 10-15 điểm để kiểm định cung-cầu trong ngắn hạn.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chốt lời từng phần các mã đã đạt mục tiêu ngắn hạn và xuất hiện lực cung mạnh; đồng thời duy trì tỷ trọng với những cổ phiếu đang trong xu hướng tăng điểm. Tuần sau vẫn là thời điểm các công ty công bố kết quả quý 1 và họp ĐHCĐ, theo đó nhà đầu tư có thể đi theo dòng tiền đầu cơ ở các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và giải ngân với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Xác suất cao vẫn sẽ đi ngang
CTCK Asean (Aseansc): Động lượng thị trường đang có những tín hiệu kém khả quan. Dựa trên các yếu tố này, chúng tôi đề xuất 2 kịch bản. Kịch bản tích cực (xác suất 40%), thị trường có thể tiếp tục phục hồi vượt qua mốc kháng cự 1,240, khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng định giá hấp dẫn. Kịch bản trung lập (xác suất 60%), thị trường sẽ tiếp tục diễn biến cân bằng và đi ngang quanh biên độ 1,180-1,240.
Nhịp hồi phục đang chững lại
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index có diễn biến tương đối biến động và quay đầu đảo chiều xu hướng về cuối phiên. Mặc dù sắc xanh chiếm phần lớn độ rộng thị trường, chỉ số gần như đã đánh mất thành quả tăng điểm dưới áp lực chốt lời lan rộng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đồng thời cho thấy lực kéo khá yếu ớt trên hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại. Với việc hình thành mẫu nến không mấy khả quan trên cả khung đồ thị ngày và tuần, nhịp hồi phục đang chững lại và thế giằng co phân hóa dần chiếm thế chủ đạo nhiều hơn.
Chưa thể khởi sắc
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn suy giảm dưới vùng kháng cự 1,250 điểm - 1,270 điểm. VN-Index đang nổ lực phục hồi, tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 1,200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ tâm lý mạnh, vùng giá trung bình trong 5 năm qua, cũng như vùng giá cao nhất năm 2018 cũng như thấp nhất tháng 11/2024.
Điểm cân bằng quanh ngưỡng 1,220
CTCK BIDV (BSC): VN-Index đang trong quá trình tìm điểm cân bằng trong vùng 1,200-1,245 hay cụ thể hơn là quanh ngưỡng 1,220.
Dòng tiền chưa quay lại
CTCK Đông Á (DAS): Thị trường vẫn tiếp tục có sự phân hóa sau cú sốc thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp chưa thu hút dòng tiền quay lại mặc dù giá cổ phiếu đã chiếu khấu sâu.
Tử Kính