Góc nhìn tuần 28-29/04: Khó tăng trước kỳ nghỉ lễ?
Theo các công ty chứng khoán (CTCK), cơ hội hồi phục của VN-Index vẫn còn để ngỏ trong 2 phiên giao dịch tuần tới. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục rung lắc do tâm lý nghỉ lễ sớm.
VN-Index đang side-way biên rộng
CTCK Thiên Việt (TVS): Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index nối dài nhịp hồi phục sau phiên “rút chân” 22/04. Chỉ số quay trở lại trên khu vực MA 20 ngày (1,225 điểm) đi cùng với khối lượng cải thiện nhẹ so với phiên liền trước. Mặc dù quán tính hồi phục có thể duy trì, tuy nhiên về xu hướng chính TVS vẫn duy trì nhận định VN-Index đang side-way biên rộng. CTCK duy trì chiến lược nắm giữ với các cổ phiếu Ngân hàng đã khuyến nghị nhà đầu tư thăm dò từ tuần trước. Cổ phiếu Ngân hàng được lựa chọn nhờ có độ biến động vừa phải và chịu tác động hạn chế từ biến số thuế đối ứng của Mỹ.
Ngắn hạn vẫn rung lắc
CTCK Vietcombank (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung tiến lên đường MA20, tương đương với kháng cự 1,230-1,240 nên diễn biến giằng co trong phiên là điều bình thường. Chỉ báo MACD và RSI đang trong đà đi lên, cùng với đó chỉ báo CMF cũng hướng lên nên kỳ vọng VN-Index sẽ kiểm tra cung-cầu thành công ở vùng kháng cự 1,230-1,240 để tiến lên các mốc điểm cao hơn. Tuy nhiên, hai đường -DI và ADX vẫn neo trên mốc 25 nên cần chú ý các nhịp rung lắc vẫn còn hiện hữu trong ngắn hạn.
Nhìn chung thị trường đang khá cân bằng khi chưa có sự chênh lệch rõ nét giữa cung-cầu và thanh khoản chưa có biến động đáng chú ý. Tuần sau, thị trường chỉ giao dịch trong 2 ngày đầu tuần và sau đó bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỉ trọng danh mục hiện tại; đồng thời tìm kiếm những mã có tín hiệu hình thành nền giá tích lũy chặt chẽ, thuộc nhóm ngành đang thu hút dòng tiền và chờ đợi điểm giải ngân hợp lý. Một số nhóm ngành đáng lưu ý bao gồm bất động sản, bán lẻ.
Rung lắc do tâm lý nghỉ lễ sớm
CTCK Tiên Phong (TPS): CTCK dự báo phiên giao dịch kế tiếp có thể thị trường sẽ gặp áp lực rung lắc do tâm lý nghỉ lễ sớm, đồng thời chỉ số VN-Index đang đi vào vùng kháng cự mạnh 1,230 - 1,240 điểm. Đây là cơ hội để nhà đầu tư đánh giá lại danh mục và nâng tỷ trọng tiền mặt nhằm đề phòng thị trường có nhịp điều chỉnh bất ngờ.
Xác suất vượt 1,240 điểm là 50%
CTCK Asean (Aseansc): Trong tuần qua, thị trường biến động giằng co và kết tuần với cây nến xanh với cả bóng nến dưới dài. Tuy nhiên, các chỉ báo xu hướng như EMA đang có trạng thái kém khả quan, với chỉ số nằm dưới các đường EMA 20 và EMA 50. Đồng thời, động lượng thị trường cũng đang có những tín hiệu kém khả quan. Dựa trên các yếu tố này, CTCK đề xuất hai kịch bản sau: Kịch bản tích cực (xác suất 50%), thị trường có thể tiếp tục phục hồi vượt qua mốc kháng cự 1,240, khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng định giá hấp dẫn. Kịch bản trung lập (xác suất 50%), thị trường sẽ tiếp tục diễn biến cân bằng và đi ngang quanh biên độ 1,200-1,240.
Cơ hội hồi phục còn để ngỏ
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù tâm lý phòng thủ trước những yếu tố bất định về chính sách thuế quan vẫn hiện hữu và nhiều khả năng sẽ gây ra diễn biến điều chỉnh, phân hóa rõ nét hơn trong những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tuần sau, nhưng cơ hội hồi phục sau đó, hướng lên vùng kháng cự kế tiếp vẫn được để ngỏ cho VN-Index.
Kháng cự ngắn hạn 1,240
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index có tuần giao dịch biến động mạnh và phục hồi tốt. Qua đó kỳ vọng đã hình thành đáy ngắn trung hạn ở vùng hỗ trợ mạnh 1,080 điểm - 1,140 điểm, tương ứng vùng hỗ trợ xu hướng tăng trưởng dài hạn nối các vùng giá thấp từ năm 2020, cũng như các vùng giá thấp kể từ năm 2000 đến nay. Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn suy giảm dưới vùng kháng cự quanh 1,240 điểm, giá trung bình 200 tuần. VN-Index đang tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 1,200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ tâm lý mạnh, vùng giá trung bình trong 5 năm qua, cũng như vùng giá cao nhất năm 2018.
Vẫn sẽ xoay quanh 1,200 - 1,240
CTCK BIDV (BSC): Xu hướng giao dịch trong vùng 1,200 - 1,240 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc; thanh khoản thị trường thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e dè khi VN-Index đang giao dịch với biên độ quá rộng.
Có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu
CTCK Đông Á (DAS): Các cổ phiếu có giá chiết khấu sâu trong đợt điều chỉnh vừa qua đã trở nên hấp dẫn dòng tiền, như nhóm cổ phiếu khu công nghiệp và đầu tư công. VN-Index giao dịch ổn định trên mốc 1,200 điểm. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, ưu tiên các cổ phiếu có tin hỗ trợ theo công bố tình hình kinh doanh quý 1/2025 và ít bị ảnh hưởng từ thuế đối ứng từ Hoa Kỳ.
Nâng tỷ trọng khi vượt 1,260
CTCK VPBank (VPBankS): Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã lấy lại được đường MA20 ngày ở phiên 25/04, trong khi đó phân hóa chủ yếu tập trung ở nhóm midcap và smallcap. Do vậy, nhà đầu tư nên tập trung ở nhóm bluehips khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1cũng tích cực hơn trong cùng ngành. Trong kịch bản chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 1,260 điểm, thanh khoản thị trường sẽ tăng trở lại, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Vận động vẫn đang tích cực
CTCK Phú Hưng (PHS): VN-Index đóng cửa trên MA20 (ứng với ngưỡng 1,225 điểm) trong xu hướng phục hồi cho thấy vận động vẫn tích cực. Lực cầu bắt đầu chủ động tham gia ở vùng giá thấp. Dù vậy, khớp lệnh cần cải thiện hơn để xác nhận động lượng tăng bền vững. Chỉ số khả năng sẽ kiểm định lại kháng cự gần quanh khu vực 1,250 điểm các phiên tới, sự đi lên sẽ kèm theo rung lắc. Nhịp thoái lui nhỏ (nếu có) vẫn mang tính chất củng cố cho đà. Lưu ý hỗ trợ thấp hơn bên dưới là ngưỡng 1,180 điểm giữ vai trò bảo toàn xu thế vận động. Chiến lược chung: Nắm giữ, tỷ trọng chung ở mức trung bình. Dòng tiền đang lan tỏa tốt ở nhóm Mid-cap có thể luân phiên tăng giá. Nhóm ngành ưu tiên chú ý: Ngân hàng, Đầu tư công, Tiêu dùng, Bất động sản
Tử Kính