Hàn Quốc nói khó đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ trước ngày bầu cử 03/06
Trong ngày 28/04, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Park Sung-taek, khẳng định rằng Seoul khó có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Washington trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 03/06 tới.
Việc Mỹ và Hàn Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại toàn diện vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 là “bất khả thi về mặt lý thuyết”, Thứ trưởng Park nhấn mạnh. Thậm chí, quan chức này còn bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được thỏa thuận ngay cả trước thời hạn 08/07 – thời điểm các thuế quan đối ứng cao hơn 10% bắt đầu có hiệu lực trở lại sau 90 ngày tạm hoãn.
Khó khăn này xuất phát từ tình hình chính trị đặc biệt của Hàn Quốc sau khi cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất sau lệnh áp đặt thiết quân luật hồi tháng 12. Hiện tại, xứ sở kim chi đang được điều hành bởi một Tổng thống tạm quyền và các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ gây trở ngại cho việc đưa ra các cam kết chắc chắn về dự án năng lượng lớn hay chi phí quốc phòng.
Tuần trước, hai quốc gia đã thống nhất xây dựng một gói thương mại nhằm gỡ bỏ các thuế quan mới mà Mỹ áp đặt. Đây là kết quả từ cuộc đàm phán thuế quan chính thức đầu tiên diễn ra vào ngày 24/04. Tuy nhiên, Thứ trưởng Park cho rằng: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ sẽ rất khó để đàm phán đạt được kết quả trong 70 ngày tới bất chấp kỳ vọng của Tổng thống Trump".
Trong khi đó, Mỹ đang gấp rút đạt được hàng loạt thỏa thuận thương mại trước thời hạn 08/07, với ưu tiên đàm phán cùng các đối tác thương mại và đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Về phía Hàn Quốc, nước này đã yêu cầu được miễn trừ thuế quan đối ứng và thuế quan đối với ô tô, thép cùng các mặt hàng khác. Xứ sở kim chi cũng đề xuất hợp tác về đóng tàu, năng lượng và giải quyết mất cân bằng thương mại với Mỹ. Theo ông Park, Mỹ cần phải gỡ bỏ thủ tục hành chính rườm rà để tạo điều kiện cho hợp tác song phương trong lĩnh vực đóng tàu, đặc biệt là Đạo luật Jones - quy định hàng hóa vận chuyển giữa các cảng Mỹ phải được chở bằng tàu đóng trong nước và do thủy thủ Mỹ vận hành.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán cử phái đoàn đến Alaska để đánh giá tính khả thi của dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 44 tỷ USD. Đây là dự án mà Washington đang tìm kiếm nguồn đầu tư từ các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Để thúc đẩy tiến trình, Hàn Quốc dự kiến thành lập khoảng 6 nhóm công tác với Mỹ theo ba lĩnh vực chính: Miễn trừ thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, an ninh kinh tế, và hợp tác đầu tư. Các cuộc họp có thể bắt đầu ngay từ tuần tới. Riêng vấn đề chính sách tiền tệ - lĩnh vực thứ tư trong chương trình nghị sự - sẽ được các cơ quan tài chính hai nước thảo luận riêng biệt.
Vũ Hạo (Theo Reuters)