Hàng Trung Quốc khó vào Mỹ, chìa khoá nào giúp dệt may Việt Nam vượt rào cản thuế quan để thay thế?

date
21/04/2025 08:24

Hàng Trung Quốc khó vào Mỹ, chìa khoá nào giúp dệt may Việt Nam vượt rào cản thuế quan để thay thế?

Giữa tâm bão thương chiến Mỹ - Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) Trần Như Tùng cho rằng việc giải quyết được bài toán truy xuất nguồn gốc chính là chìa khóa để ngành dệt may Việt Nam vượt qua rào cản thuế quan từ Mỹ. Nếu làm tốt, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nhận được thị phần mà Trung Quốc từng nắm giữ tại Mỹ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của TCM, Chủ tịch Trần Như Tùng đã dành thời gian chia sẻ về vấn đề đang được cổ đông đặc biệt quan tâm hiện nay: tác động của thuế quan Mỹ đối với ngành dệt may Việt Nam và lợi thế TCM đang có để vượt qua rào cản thuế quan này.

Vị thế hàng dệt may Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu sang Mỹ

Theo vị Chủ tịch, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD. Kế hoạch năm 2025 là xuất khẩu 48 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 10%. Đây là con số đã được xây dựng từ tháng 12/2024, trước thời điểm ngày 02/04/2025 – mốc đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện vẫn chưa được điều chỉnh, do phía Việt Nam chưa có đủ thông tin rõ ràng về tác động cụ thể từ các chính sách mới.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may. Trong khi giai đoạn trước 2023, tỷ trọng xuất khẩu của khối này duy trì ở mức 58-59%, thì đến năm 2024 đã tăng lên 62%. Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump từng đề cập đến mối liên hệ trong chuỗi cung ứng dệt may giữa Trung Quốc, Việt Nam và thị trường Mỹ.

Xét về quy mô toàn cầu, Trung Quốc vẫn là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch 314 tỷ USD, theo sau là nhóm 27 nước EU (218 tỷ USD), Bangladesh (45 tỷ USD) và Việt Nam (44-45 tỷ USD). Dù kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh gần bằng Việt Nam, nhưng quốc gia này chưa phải là đối thủ cạnh tranh quá lớn của Việt Nam trong ngành.

Mỹ hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu; theo sau là Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tỷ trọng nhập khẩu dệt may của Mỹ đạt đỉnh vào năm 2022, kéo theo sự khởi sắc mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam trong nửa đầu năm này. Tuy nhiên, do lượng hàng nhập khẩu quá lớn, Mỹ rơi vào tình trạng tồn kho lớn trong năm 2023. Phải đến cuối 2023, lượng hàng tồn mới được giải phóng, khiến nhập khẩu nhích tăng trở lại vào quý 1/2024.

Trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu tổng cộng khoảng 407 tỷ USD hàng dệt may, với nhóm hàng may mặc chiếm từ 40% đến hơn 50%. Tổng khối lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ đạt khoảng 12.5 triệu tấn, đơn giá bình quân 7.8 triệu USD/kg, cho thấy đây là thị trường nhập khẩu rất lớn đối với ngành dệt may toàn cầu. Hiện nay, hơn 98% quần áo bán tại các trung tâm thương mại ở Mỹ cũng là hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đã xảy ra sau ngày 02/04/2025 khi Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế lên hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Trong số đó, Campuchia dù có tỷ trọng xuất khẩu nhỏ nhưng bị áp thuế cao nhất, tiếp đến là Việt Nam và Trung Quốc.

Mới đây, chỉ cách vài ngày, Mỹ đã áp mức thuế lên đến 245% với một số hàng hóa Trung Quốc – mức thuế khiến hoạt động giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bị đóng băng.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào Mỹ, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn giá trung bình hàng may mặc của Việt Nam vào Mỹ đã liên tục giảm, từ mức 3.8 USD/m2 năm 2022 xuống còn 3.26 USD/m2 năm 2024. Trong khi đó, chi phí sản xuất gia tăng nhưng giá bán không thay đổi, gây áp lực không nhỏ lên doanh nghiệp dệt may.

Dệt may Việt Nam đứng giữa hai đầu cân thương mại Mỹ - Trung

Để đạt được con số kim ngạch xuất khẩu dệt may 44 tỷ USD, Việt Nam cũng phải nhập khẩu tới 24.8 tỷ USD nguyên liệu đầu vào như vải, sợi và bông – trong đó vải chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đáng chú ý, 50–60% lượng vải này được nhập từ Trung Quốc, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ quốc gia này.

Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Điều này đặt Việt Nam vào thế khó, nếu không có Trung Quốc, doanh nghiệp Việt khó đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào với chi phí và chất lượng phù hợp; nhưng nếu không còn đầu ra tại Mỹ, hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức. Rõ ràng, cả Trung Quốc và Mỹ đều là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam.

Với mức thuế Mỹ áp lên, khả năng hàng Trung Quốc vào Mỹ gần như bị chặn đứng. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. “Miếng bánh” hàng chục tỷ USD hàng dệt may từng thuộc về Trung Quốc phải dịch chuyển sang các nước khác, và Việt Nam là điểm đến tiềm năng.

Nếu Mỹ áp thuế cao đồng loạt lên tất cả nước, Việt Nam cũng không quá lo ngại vì “cao thì cùng cao”. Lo ngại lớn nhất là Việt Nam chịu thuế cao còn nước khác thấp hơn thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Hơn nữa, dù người tiêu dùng Mỹ có thể thắt chặt chi tiêu nếu thuế quan cao ảnh hưởng lên giá cả hàng dệt may, nhu cầu vẫn còn lớn, họ không thể không mặc quần áo. Nếu trước đây họ mua 12 bộ/năm thì nay có thể giảm còn 5–8 bộ, nhưng vẫn là một thị trường rất đáng kể”, lãnh đạo TCM nhận định.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tốt cho việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, một yếu tố hải quan Mỹ kiểm soát rất chặt. Nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế khác, còn nếu từ Việt Nam hoặc nước thứ ba thì sẽ có mức thuế thấp hơn.

Lợi thế riêng của TCM để vượt qua rào cản thuế quan

So với nhiều doanh nghiệp khác trong nước, TCM có mô hình khép kín từ sợi, vải đến may mặc, giúp Công ty chủ động hơn về nguyên liệu. Đặc biệt, TCM chủ yếu nhập khẩu bông và chiếm tỷ trọng nhỏ để sản xuất sợi, còn lại đều sản xuất nội địa. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam khác vẫn phụ thuộc vào vải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Hiện nay, Mỹ đang siết chặt kiểm soát với hàng hóa gắn nhãn "Made in Vietnam" nhưng sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc. Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã có động thái yêu cầu kiểm soát chặt hơn lượng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong ngành dệt may.

Nếu Việt Nam đàm phán thành công với Mỹ về cơ chế thuế suất dựa trên tỷ lệ nội địa hóa, thì TCM sẽ là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi rõ rệt. Lý do là khi thuế cao đánh vào nguyên liệu từ Trung Quốc, nhu cầu mua vải của Việt Nam sẽ tăng, và TCM là doanh nghiệp có bán vải.

Một lợi thế quan trọng khác của Việt Nam là đã ký 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó nổi bật là EVFTA và CPTPP. Từ năm 2025, phần lớn hàng xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, EVFTA yêu cầu xuất xứ từ nguyên liệu trở đi, tức là doanh nghiệp phải mua vải trong nước nếu muốn tận dụng ưu đãi thuế, một lần nữa khẳng định lợi thế của TCM trong việc cung ứng vải nội địa.

Trên thực tế, những ngày gần đây, các khách hàng quốc tế đã bắt đầu tìm đến các nhà cung cấp tại Việt Nam thay vì Trung Quốc, do lo ngại thương chiến Mỹ - Trung còn kéo dài. Đây là tín hiệu tích cực cho Việt Nam nói chung và TCM nói riêng. Tuy nhiên, TCM cũng có thể đối mặt với áp lực mới khi các nhà máy Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi TCM đang có tỷ trọng xuất khẩu lớn (Mỹ chiếm khoảng 30%, tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản). Do đó, trong khi mở rộng thị phần tại châu Âu, TCM cần sẵn sàng cạnh tranh tại các thị trường truyền thống của mình.

Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng các sản phẩm đơn giản hay giá rẻ, vì các quốc gia đi sau như Bangladesh có chi phí lao động thấp hơn nhiều và lợi thế trong phân khúc đó. Do đó, chiến lược của TCM là tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đi kèm với việc mở rộng tập khách hàng mới và nâng cao năng lực kiểm soát chi phí, phát triển bền vững.

Trong dài hạn, TCM đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp dệt may trong nước đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý và vận hành sản xuất. Sau khi hoàn tất việc chuyển đổi số, chúng tôi đã tích lũy được một lượng dữ liệu lớn, chuẩn hóa và có chất lượng cao – đây là nền tảng quan trọng để tích hợp AI vào chuỗi giá trị.

Khi triển khai AI, chúng tôi kỳ vọng giải quyết được nhiều bài toán trong quản trị và trải nghiệm khách hàng. Chẳng hạn, khách hàng có thể truy cập hệ thống và biết chính xác nếu đặt 100,000 sản phẩm thì sau bao lâu sẽ được giao hàng – mà không cần gửi email, gọi điện, trao đổi nhiều lần với bộ phận bán hàng. Tất cả sẽ được tự động hóa, minh bạch và nhanh chóng. Để đạt được điều này, chúng tôi cần một hệ thống ERP vững chắc, đồng bộ toàn diện các dữ liệu từ sản xuất, bán hàng đến hậu cần. Chúng tôi hướng tới việc hoàn thành dự án chuyển đổi số vào năm 2025”, ông Tùng nhấn mạnh.

Khang Di

FILI - 07:22:00 21/04/2025