Kế hoạch TikTok của Trump “phá sản” vì thuế đối ứng
Tổng thống Donald Trump gần như đã đạt được thỏa thuận với công ty mẹ của TikTok, ByteDance, để cứu ứng dụng phổ biến này khỏi lệnh cấm tại Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị phá vỡ sau khi Trung Quốc từ chối phê duyệt do thông báo áp thuế mới trong tuần này, theo một nguồn tin thân cận.
Sau nhiều tháng đàm phán, các quan chức Mỹ đã tiến gần đến một thỏa thuận trong ngày 02/04, theo đó sẽ ra mắt một phiên bản TikTok đặt tại Mỹ, do phần lớn các nhà đầu tư Mỹ sở hữu và vận hành. Đề xuất này yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu của ByteDance xuống dưới 20% để tuân thủ luật pháp Mỹ, vốn yêu cầu công ty có trụ sở tại Bắc Kinh phải thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng này sẽ bị cấm tại Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng đã lên kế hoạch để Trump ký một sắc lệnh hành pháp phê duyệt đề xuất này – vốn đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư và ByteDance – và mở ra thời hạn 120 ngày để hoàn tất giao dịch, theo nguồn tin thân cận. Thông báo dự kiến sẽ được đưa ra trước thời hạn ngày 05/04 nhằm tránh lệnh cấm TikTok.
Tuy nhiên, kế hoạch nhanh chóng gặp trở ngại chỉ một ngày sau đó, khi Trump quyết định áp thuế quá cao lên các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả mức thuế nâng tổng mức thuế áp với hàng Trung Quốc lên 54%. Trong ngày 03/04, đại diện từ ByteDance cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ không phê duyệt cho đến khi có các cuộc đàm phán về thuế quan – vấn đề đã khiến Trung Quốc tức giận và dẫn đến các biện pháp trả đũa chống lại Mỹ.
Trong bối cảnh bất ổn mới xuất hiện, Trump đã thông báo rằng ông sẽ gia hạn thêm 75 ngày để đạt được thỏa thuận, trong khi ByteDance lần đầu tiên xác nhận công khai về các cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ liên quan đến TikTok. Công ty cho biết vẫn còn nhiều vấn đề trọng yếu cần giải quyết và bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được phê duyệt theo luật pháp Trung Quốc.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Trump nhấn mạnh mong muốn Trung Quốc hỗ trợ đàm phán việc bán TikTok và gợi ý rằng Mỹ có thể giảm thuế để đổi lấy sự chấp thuận từ Bắc Kinh.
“Chúng tôi hy vọng tiếp tục làm việc thiện chí với Trung Quốc, dù tôi hiểu rằng họ không hài lòng với các mức thuế đối ứng của chúng tôi”, Trump viết. “Chúng tôi không muốn TikTok ‘tắt ngấm’. Chúng tôi mong chờ làm việc với TikTok và Trung Quốc để hoàn tất thỏa thuận”.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Bắc Kinh trước đó đã nêu rõ lập trường về TikTok.
“Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và phản đối những hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường cũng như gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, người phát ngôn Liu Pengyu tuyên bố. “Lập trường phản đối việc áp đặt thêm thuế quan của Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng”.
Theo luật được ký năm ngoái bởi cựu Tổng thống Joe Biden, ByteDance buộc phải thoái vốn khỏi đơn vị TikTok tại Mỹ trước ngày 19/01. Tuy nhiên, công ty đã do dự trong việc bán đi một doanh nghiệp sinh lời cao, vốn được định giá từ 20 tỷ USD đến 150 tỷ USD tùy thuộc vào điều khoản và công nghệ đi kèm.
Lệnh của Trump đánh dấu lần gia hạn thứ hai mà ông đưa ra nhằm có thêm thời gian đạt được thỏa thuận để giữ ứng dụng hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, lần gia hạn mới nhất vượt quá giới hạn của luật “thoái vốn hoặc cấm” (divest-or-ban) vốn chỉ cho phép Tổng thống gia hạn “một lần không quá 90 ngày”.
Để đảm bảo đạt được thỏa thuận, Trump đã giao nhiệm vụ cho một số quan chức cấp cao trong chính quyền hỗ trợ đánh giá các nhà đầu tư tiềm năng. Phó Tổng thống JD Vance cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz chịu trách nhiệm chính trong việc này.
Trump và các quan chức cấp cao khác đã xem xét một đề xuất vào ngày 02/04 từ một nhóm nhà đầu tư Mỹ bao gồm Oracle, Blackstone, và công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz – nhóm này nổi lên như là ứng viên hàng đầu mua lại TikTok.
Theo nguồn tin thân cận, trong thỏa thuận tiềm năng này, các nhà đầu tư mới bên ngoài sẽ sở hữu 50% hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ trong một đơn vị tách biệt khỏi ByteDance. Các nhà đầu tư hiện tại của ByteDance tại Mỹ cũng sẽ sở hữu khoảng 30% doanh nghiệp này, giảm tỷ lệ sở hữu của ByteDance xuống dưới 20%.
Đề xuất này dự kiến Oracle sẽ nắm giữ cổ phần thiểu số trong hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ và cung cấp đảm bảo an ninh cho dữ liệu người dùng. Theo kế hoạch này, thuật toán lõi của ứng dụng sẽ vẫn thuộc sở hữu của ByteDance – giải pháp giúp loại bỏ trở ngại để nhận được sự chấp thuận từ công ty và chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lập luận rằng việc để thuật toán nằm trong tay Trung Quốc không tuân thủ luật “thoái vốn hoặc cấm” và có thể cho phép Trung Quốc truy cập thông tin người dùng. Việc cho phép ByteDance hoặc Trung Quốc giữ thuật toán sẽ không giải quyết được lo ngại rằng TikTok có thể bị sử dụng để tuyên truyền – những cáo buộc mà ByteDance và chính quyền Bắc Kinh trước đây đều bác bỏ.
Sự ủng hộ của Trump đối với TikTok đánh dấu sự thay đổi so với nhiệm kỳ đầu tiên khi ông cố gắng cấm ứng dụng này vào năm 2020 vì lo ngại an ninh quốc gia. Trong chiến dịch tranh cử trở lại Nhà Trắng năm ngoái, ông đã tận dụng ứng dụng này để tiếp cận cử tri trẻ tuổi và tuyên bố rằng nó giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Năm 2020, Oracle từng là lựa chọn ban đầu của Trump để mua lại TikTok từ ByteDance trong một nhóm liên danh bao gồm cả Walmart. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã thất bại vào những tháng cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông do các thách thức pháp lý từ ByteDance và đại dịch Covid-19 lan rộng.
Tuần này, Amazon.com Inc. đã tham gia cuộc đua bằng cách gửi thư đề xuất mua lại tới Nhà Trắng thông qua Phó Tổng thống Vance và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Tuy nhiên, theo nguồn tin quen thuộc với vấn đề, đề xuất này không được chính quyền coi trọng.
Các đề nghị công khai khác bao gồm nhóm do tỷ phú Frank McCourt và đồng sáng lập Reddit Alexis Ohanian dẫn dắt; một nhóm khác có sự tham gia của doanh nhân công nghệ Jesse Tinsley và ngôi sao YouTube MrBeast; đề xuất sáp nhập bởi Perplexity AI có trụ sở tại San Francisco; cũng như một đề nghị từ AppLovin Corp.
Quốc An (Theo Bloomberg)