Khi lời hứa an toàn của fintech tan vỡ (kỳ 1): Người tiết kiệm mắc kẹt giữa ngân hàng và công nghệ
Adam Moelis và Ben Doyle đã nảy ra một ý tưởng kinh doanh độc đáo: Nhiều người Mỹ gặp khó để hình thành thói quen tiết kiệm, trong khi lại rất thích chơi xổ số. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ kết hợp một tài khoản ngân hàng với chương trình rút thăm trúng thưởng, biến việc tiết kiệm thành một trải nghiệm thú vị hơn?
Hai doanh nhân này đã phát triển ý tưởng với sự hỗ trợ từ Y Combinator, một vườn ươm công nghệ danh tiếng, nơi các nhà sáng lập có thể hoàn thiện ý tưởng và tiếp cận những nhà đầu tư mạo hiểm.
Xu hướng “game hóa” các sản phẩm, dịch vụ
Năm 2020, Moelis và Doyle ra mắt ứng dụng tài chính Yotta. Với mỗi 25 USD người dùng gửi vào Yotta, họ sẽ nhận được một vé rút thăm trúng thưởng ảo thay vì lãi suất thông thường. Giải thưởng dao động từ 10 cent đến 10 triệu USD, với các buổi quay số diễn ra hàng tuần nhằm khuyến khích người dùng quay lại sử dụng ứng dụng. Ứng dụng gửi tiền trực tuyến Yotta Technologies Inc. đã sớm nhận được vốn đầu tư từ các quỹ như Base10 Partners, Core Innovation Capital, nhà quản lý quỹ phòng hộ Cliff Asness, cùng cha của Moelis là Ken – tỷ phú và nhà sáng lập ngân hàng đầu tư Moelis & Co.
Chỉ hai tháng đầu tiên, Yotta đã thu hút 6,500 khách hàng gửi tổng cộng 40 triệu USD và trao thưởng trị giá 125,000 USD. Thời điểm ra mắt của Yotta được đánh giá là rất thuận lợi. Xu hướng “game hóa” các sản phẩm, dịch vụ đang rất được ưa chuộng trong giới công nghệ, lĩnh vực tài chính hành vi cũng ngày càng phổ biến (tài chính hành vi nơi ý tưởng tận dụng cảm xúc để giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn).
Tại Anh, mô hình tiết kiệm gắn với giải thưởng do Chính phủ vận hành cũng rất được ưa chuộng. “Tôi nghĩ mọi người rất hào hứng vì đây là một ý tưởng tài chính hành vi thực sự thú vị”, Moelis – cựu CEO Yotta trước khi chuyển giao quyền điều hành cho Doyle hồi tháng 2 – chia sẻ. Hiện ông là thành viên hội đồng quản trị của công ty.
Quy mô tăng trưởng của fintech (Đvt: tỷ USD) Nguồn: Fed/Bloomberg |
Và dĩ nhiên, 2020 cũng là năm đại dịch COVID-19 bùng phát. Mọi người phải ở nhà, có nhiều thời gian hơn để chơi game và lướt mạng xã hội tìm kiếm các ý tưởng kiếm tiền. Yotta thậm chí còn tặng cổ phần cho những người ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá ứng dụng. Lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục cũng là một lợi thế, bởi người dùng gần như không phải hy sinh khoản lãi nào khi gửi tiền vào Yotta để tham gia rút thăm trúng thưởng. Họ cũng không phải đánh cược với số tiền gốc của mình. Toàn bộ số tiền tiết kiệm đều được gửi vào tài khoản do Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC - Federal Deposit Insurance Corp.) bảo trợ, với mức bảo hiểm lên tới 250,000 USD.
“Được gắn nhãn FDIC khiến tôi cảm thấy yên tâm”, Alex Lee, một nha sĩ ở Los Angeles đã tham gia Yotta từ năm 2020 và tiết kiệm được hơn 200,000 USD, chia sẻ. “Tôi nghĩ, chắc là an toàn, không có gì phải lo lắng cả”.
Mọi thứ bất ngờ sụp đổ
Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2024, mọi thứ bất ngờ sụp đổ – và nhãn FDIC không còn đủ để bảo vệ những người dùng Yotta như Lee. Tiền tiết kiệm của khách hàng Yotta bị đóng băng. Nguyên nhân là Yotta không phải là một ngân hàng và thực tế chưa bao giờ trực tiếp giữ tiền của khách hàng. Thay vào đó, như đã giải thích trên website của Yotta, tiền của người dùng được gửi tại các ngân hàng có bảo hiểm FDIC. Vì không có ngân hàng nào trong số này phá sản, nên bảo hiểm FDIC không được kích hoạt.
Người gửi tiền rơi vào tình trạng pháp lý mập mờ vì Yotta còn hợp tác với một bên trung gian phần mềm là Synapse Financial Technologies Inc., công ty đảm nhận các hoạt động ngân hàng cơ bản cho ứng dụng và người dùng. Tháng 4/2024, Synapse – có trụ sở tại San Francisco – tuyên bố phá sản, để lại một mớ hồ sơ rối rắm và khoản thiếu hụt lên tới 95 triệu USD. Không ai rõ ai nợ ai, hay làm thế nào để xác định số tiền bị mất. Người dùng của một số ứng dụng tài chính khác cũng hợp tác với Synapse, như sàn giao dịch tiền mã hóa Juno và nền tảng đầu tư Yieldstreet cũng bị ảnh hưởng.
Theo thời gian, một số người đã lấy lại được một phần hoặc toàn bộ số tiền, nhưng vẫn còn nhiều người khác đang chờ đợi. Việc đóng băng này gây khó khăn cho người dùng Yotta, những người chủ yếu sử dụng dịch vụ để tiết kiệm và dễ dàng rút tiền khi cần. “Tôi không đầu tư số tiền đó”, Aaron McFarland, một nhân viên công nghệ thông tin doanh nghiệp ở Colorado, người có 7,000 USD bị đóng băng gần một năm, cho biết. “Nếu chấp nhận đầu tư mạo hiểm, tôi đã đầu tư vào tiền mã hóa rồi”.
Vụ việc Synapse kéo dài tại tòa án phá sản, và trong một vụ kiện tại tòa án liên bang California, Yotta cáo buộc ngân hàng Evolve Bank & Trust (trụ sở tại Arkansas) đã thông đồng với Synapse để chiếm dụng hoặc làm thất lạc tiền của khách hàng. Evolve là một trong những ngân hàng chính giữ tiền của người dùng Yotta. Người sáng lập Synapse, Sankaet Pathak, cho rằng mọi vấn đề đều do lỗi của ngân hàng. Evolve phủ nhận mọi sai phạm và cho rằng Yotta đang cố gắng bắt họ chịu trách nhiệm thay cho những thất bại của Synapse – công ty hiện đã phá sản.
![]() Nhà khởi nghiệp Sankaet Pathak - Ảnh: Tim Pannell/The Forbes Collection/Getty Images |
Giống như Yotta và Synapse, Evolve cũng đang tìm cách khẳng định vị thế trong ngành fintech (công nghệ tài chính) đang phát triển mạnh mẽ. Từng là một ngân hàng nhỏ phục vụ nông dân, Evolve đã mở rộng cung cấp các dịch vụ ngân hàng, cùng với sự bảo trợ quan trọng từ FDIC, cho khách hàng của Synapse và các ứng dụng tài chính khác, hứa hẹn những cách mới để tiết kiệm và chi tiêu tiền.
Hỗn độn phơi bày những rủi ro
Toàn bộ sự việc có thể được xem là một thất bại đơn lẻ của nhóm nhà đổi mới fintech đầy tham vọng. Tuy nhiên, mớ hỗn độn này cũng phơi bày những rủi ro mới và lỗ hổng trong việc bảo vệ người tiêu dùng khi vốn đầu tư mạo hiểm, các ngân hàng và thung lũng Silicon cùng nhau tìm cách thay đổi lĩnh vực tài chính cá nhân – thậm chí là cả những tài khoản tiết kiệm cơ bản nhất.
Năm ngoái, FDIC đã bắt đầu xây dựng các quy định nghiêm ngặt hơn về lưu trữ hồ sơ khi các ngân hàng hợp tác với các công ty fintech. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng của các nhà đầu tư mạo hiểm tại Washington ngày càng lớn. Marc Andreessen, đồng sáng lập quỹ Andreessen Horowitz – đơn vị từng rót vốn vào Synapse và nắm giữ một ghế trong hội đồng quản trị, đã quyên góp 2.5 triệu USD cho một siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ Trump, đồng thời là người ủng hộ mạnh mẽ việc nới lỏng các quy định về tài chính và công nghệ.
Tháng 11/2024, Andreessen xuất hiện trên podcast của Joe Rogan và chỉ trích Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB - Consumer Financial Protection Bureau), cho rằng cơ quan này đang “khủng bố bất kỳ ai cố gắng đổi mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính”. Đại diện Andreessen Horowitz từ chối bình luận về vấn đề này.
Dưới thời Trump, CFPB đã bị thu hẹp đáng kể. Đây chỉ là một trong nhiều cơ quan quản lý tài chính tại Washington, nhưng sau sự cố của Synapse, giám đốc khi đó là Rohit Chopra đã kêu gọi tăng cường bảo vệ người dùng fintech. Ông đề xuất các ứng dụng cần cảnh báo rõ ràng hơn cho người tiêu dùng về rủi ro khi gửi tiền vào các tổ chức phi ngân hàng. Theo những người am hiểu, CFPB dưới thời Chopra đã cân nhắc các biện pháp thực thi pháp luật liên quan đến việc đóng băng tài khoản. Nhưng Trump đã sa thải Chopra vào tháng 2/2025.
Yotta, Synapse và Evolve là một phần của hệ sinh thái tài chính mới – nơi các ứng dụng linh hoạt thu hút người dùng, các ngân hàng được quản lý giữ tiền và phần mềm đảm nhận vai trò kết nối. Những ý tưởng mới thường đi kèm rủi ro mới, mức độ rủi ro càng lớn khi liên quan đến tiền gửi ngân hàng.
“Đây là hạ tầng tài chính thực sự”, Logan Allin, nhà đầu tư fintech và sáng lập Fin Capital – người từng hai lần từ chối đầu tư vào Synapse, nhận định. “Không có chỗ cho sai sót trong những trường hợp như vậy”.
Quốc An (Theo Bloomberg)