Không có cơ sở khoa học về "bão mạnh cấp 12 đổ bộ Quảng Ninh đầu tháng 5"
Trước luồng thông tin gây hoang mang dư luận về một cơn bão lớn sắp đổ bộ vào Quảng Ninh, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia lên tiếng bác bỏ. Các yếu tố khí hậu, số liệu quan trắc, và thống kê lịch sử đều cho thấy điều này không thể xảy ra.
Thông tin lan truyền gần đây cho rằng một cơn bão mạnh có thể đổ bộ vào Quảng Ninh từ ngày 04-05/05 hoặc sớm hơn, với khả năng suy yếu khi tiến gần đất liền do ma sát địa hình và thay đổi ẩm khí quyển.
Chiều 20/04, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia - khẳng định: "Dựa trên hiểu biết chung về quy luật khí hậu, các điều kiện cần thiết cho sự hình thành bão mạnh, số liệu thống kê lịch sử, và quan trọng là các số liệu quan trắc và dự báo xa hiện nay từ các cơ quan khí tượng của Việt Nam và quốc tế (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Australia, cơ quan khí tượng châu Âu), thông tin về việc một cơn bão mạnh (cấp 12) xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh vào thời điểm đầu tháng 5/2025 là không có cơ sở khoa học".
Ông Hưởng cho biết, dữ liệu quan trắc trong 30 năm qua chưa từng ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh vào thời điểm đầu tháng 5. Thời gian bão hoạt động mạnh nhất tại khu vực Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương thường rơi vào khoảng tháng 6 đến tháng 11. Các cơn bão có cường độ mạnh, đặc biệt là những cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ như Quảng Ninh, thường tập trung vào giai đoạn giữa và cuối mùa bão, từ tháng 7 đến tháng 10.
Theo chuyên gia này, điều kiện khí quyển vào đầu tháng 5 không hội tụ đủ các yếu tố để hình thành xoáy thuận nhiệt đới đạt cấp bão mạnh như cấp 12. Do đó, kịch bản bão mạnh đổ bộ Quảng Ninh trong thời gian này là không có khả năng xảy ra.
Dù vậy, ông Hưởng lưu ý, thời tiết luôn có tính bất định. Trong tháng 5, không loại trừ khả năng xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh hoặc mưa lớn cục bộ.
Liên quan đến mùa thiên tai năm 2025, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính, và nhiều khả năng sẽ duy trì từ tháng 5 đến tháng 7 với xác suất từ 70-90%.
Dựa trên các số liệu hiện có, Trung tâm dự báo mùa bão năm nay trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ANTĐ), trong đó 4-5 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Bão có xu hướng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão.
Về tình hình nắng nóng, tháng 5 có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Từ tháng 6, nắng nóng giảm dần ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy nhiên, tại Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng sẽ còn kéo dài đến khoảng tháng 8 và suy yếu từ tháng 9. Cường độ nắng nóng được đánh giá tương đương trung bình nhiều năm.
Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, các đợt mưa vừa và mưa to có thể xuất hiện tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tổng lượng mưa trong giai đoạn này dự kiến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 5 có thể ghi nhận lượng mưa cao hơn trung bình từ 5-20%.
Tùng Phong