Kinh tế trưởng SSI: Mức thuế 46% có thể là mức trần để Việt Nam đàm phán với Mỹ nhằm giảm thuế

date
03/04/2025 12:50

Kinh tế trưởng SSI: Mức thuế 46% có thể là mức trần để Việt Nam đàm phán với Mỹ nhằm giảm thuế

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký ngày 02/04 (giờ Mỹ).

Trong Chương trình livestream do CTCP Chứng khoán SSI tổ chức sáng 03/04, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI đã có nhiều bình luận về tác động của sự kiện này tới kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán.

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI

Ông Hưng đánh giá thông tin chi tiết về thời điểm áp dụng thuế cơ bản 10% và thuế đối ứng vẫn chưa rõ ràng, dự kiến khoảng một hai tuần nữa sẽ có thêm thông tin. Danh sách mặt hàng bị ảnh hưởng cũng chưa cụ thể. Trong đó, mức thuế này chỉ áp dụng với những sản phẩm bị coi là đe dọa an ninh kinh tế Mỹ.

Ông cho rằng thị trường không quá bất ngờ về danh sách quốc gia bị đánh thuế vì trước đó Mỹ đã công bố báo cáo đánh giá thương mại quốc gia. Tuy nhiên, mức thuế cao áp cho Việt Nam (46%) là bất ngờ. Ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam có thể khá lớn. Theo ước tính ban đầu, việc đánh thuế cao có thể kéo tăng trưởng GDP xuống dưới 7%, cao hơn so với mức tác động ước tính 1 - 1.5% GDP khi thuế còn thấp. Tuy nhiên, bên cạnh con số cụ thể thì rủi ro khác là việc áp thuế có tác động lan rộng ra toàn cầu, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới.

Điểm tích cực duy nhất đấy là đối với thị trường là nguồn thu từ nước ngoài của doanh nghiệp niêm yết chiếm tỷ trọng không cao, vào khoảng 20%. Phần còn lại 80% vẫn đến từ nội địa và nếu mà chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh được các chính sách kích cầu nội địa, đầu tư công và tăng trưởng năm nay đến từ bên trong chứ không đến từ bên ngoài thì ảnh hưởng đến thị trường chỉ ảnh hưởng khoảng tầm 20% doanh thu của các doanh nghiệp mà đang niêm yết.

Ông Hưng cho rằng mức thuế 46% có thể là mức trần để Việt Nam đàm phán với Mỹ nhằm giảm thuế. Việt Nam đã có nhiều động thái thể hiện thiện chí trong việc xử lý quan hệ thương mại, như giảm thuế cho 14 mặt hàng. Việt Nam cũng đang sửa đổi các chính sách liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ và mở cửa hơn cho nông sản Mỹ. Trong ngắn hạn, thông tin này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trong dài hạn, ông Hưng tin rằng tình hình sẽ bình thường hóa thông qua đàm phán, và mức thuế có thể giảm xuống, thậm chí về mức 10%.

Kinh tế trưởng SSI dự báo quyết định thuế quan sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Đối với ngành thủy sản, mức thuế cao tương tự một hình thức thuế chống bán phá giá.

Ngược lại, các doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ thị trường nội địa có thể ít bị ảnh hưởng hơn. Nếu chính phủ tiếp tục đẩy mạnh kích cầu nội địa và đầu tư công, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đến từ bên trong. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có doanh thu nội địa lớn khi thị trường điều chỉnh. Trong đó, ông Hưng chỉ ra ngành điện được xem là một lựa chọn thú vị và an toàn.

Việc Mỹ áp thuế có thể dẫn đến các quốc gia khác trả đũa, gây ra chiến tranh thương mại leo thang và làm tăng rủi ro lạm phát. Điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam nếu Fed khó khăn trong việc giảm lãi suất.

Áp lực tỷ giá có thể gia tăng khi đồng USD mạnh lên do thuế cao. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ suy yếu, đồng USD có thể yếu đi. Ông Hưng nhắc đến lý thuyết "nụ cười đồng đô la" và cho rằng giai đoạn Mỹ vượt trội đã qua, dòng tiền có thể tìm đến các thị trường mới nổi có tăng trưởng nội địa tốt.

Trong bối cảnh rủi ro bên ngoài tăng cao, nhà đầu tư nên giảm bớt rủi ro, chọn các giải pháp an toàn hơn, ưu tiên cổ phiếu có liên quan đến tiêu dùng nội địa hoặc sản xuất phục vụ nội địa. Nên đa dạng hóa danh mục và tìm kiếm cổ phiếu giá trị.

Đối với nhà đầu tư dài hạn, đây có thể là một cơ hội mua vào khi thị trường điều chỉnh. Quan trọng là quản lý rủi ro và duy trì vị thế hợp lý.

Đối với ngành thép, ông Hưng cho rằng mặc dù có thông tin tích cực về chống bán phá giá thép từ Trung Quốc và Hàn Quốc, việc Mỹ áp thuế có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tôn mạ có tỷ trọng xuất khẩu cao. Tuy nhiên, xuất khẩu thép của Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá lớn trong doanh thu chung, và ngành thép toàn cầu có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều. Điểm lo ngại nhất vẫn tiếp tục đến từ Trung Quốc khi công suất dư thừa có thể sẽ ảnh hưởng đến cái mức giá chung. Theo đó, chính sách bảo hộ ngành thép trong nước vẫn quan trọng.

Ngành bất động sản khu công nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng FDI mặc dù số đăng ký có thể không quá quan trọng bằng số giải ngân.

Trong ngắn hạn, ngành vận tải biển có thể hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu tăng trước khi thuế có hiệu lực. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần chờ xem tác động đến hệ thống thương mại toàn cầu. Xu hướng tăng cường tính chống chịu của chuỗi cung ứng có thể tạo cơ hội cho Việt Nam.

Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đến từ nội địa và tăng trưởng tín dụng, việc đẩy mạnh đầu tư công có thể tạo cơ hội cho ngân hàng cho vay các dự án cơ sở hạ tầng.

Chí Kiên

FILI - 11:48:11 03/04/2025