Lạm phát tại Nhật Bản tăng tốc khi giá gạo tăng mạnh nhất trong 50 năm

date
18/04/2025 17:33

Lạm phát tại Nhật Bản tăng tốc khi giá gạo tăng mạnh nhất trong 50 năm

Lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản đã tăng nhanh trong tháng 3, chủ yếu do giá gạo, một mặt hàng lương thực thiết yếu, tăng vọt ở mức chưa từng thấy trong nửa thế kỷ qua.

Diễn biến này góp phần củng cố quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về việc tăng lãi suất một cách thận trọng và từng bước, giữa lúc các chính sách thuế mới của Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu do Bộ Nội vụ công bố ngày 11/04, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 3.2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3% của tháng 2. Mức tăng này cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát. Một chỉ số khác phản ánh lạm phát cơ bản, loại trừ cả giá năng lượng, cũng tăng 2.9%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Số liệu này nhiều khả năng sẽ củng cố thêm sự tin tưởng của các quan chức BOJ về xu hướng tăng lãi suất, trong bối cảnh lạm phát đã vượt mục tiêu 2% suốt gần 3 năm liên tiếp. Thống đốc Kazuo Ueda tiếp tục giữ vững lập trường rằng các quyết định chính sách cần dựa trên xu hướng giá cả, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan đến thuế quan của Mỹ.

Bất chấp các khoản trợ cấp của Chính phủ nhằm kiềm chế giá điện, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Giá dịch vụ tăng nhẹ 1.4% so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm, một yếu tố chính thúc đẩy lạm phát, tăng 7.4%, giảm nhẹ so với mức 7.6% của tháng 2. Đáng chú ý, giá gạo đã tăng tới 92.1%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1971.

“Lạm phát thực phẩm là yếu tố chính đang thúc đẩy lạm phát”, ông Taro Saito, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định. “Dù giá nhập khẩu không tăng mạnh, nhưng giá thực phẩm vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp cảm thấy thoải mái khi điều chỉnh giá bán. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ còn tăng giá vượt mức chi phí thực tế. Xét theo quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, điều này phản ánh kỳ vọng lạm phát đang có sự dịch chuyển”.

So với tiêu chuẩn lịch sử tại Nhật Bản, nơi từng trải qua hơn một thập kỷ giảm phát, giá cả hiện vẫn ở mức cao. Việc giá gạo tăng vọt lần này gây lo ngại đặc biệt với Thủ tướng Shigeru Ishiba, người đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2024, theo kết quả thăm dò do đài NHK thực hiện. Cùng lúc đó, niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, trong khi kỳ vọng giá cả của người dân vẫn tiếp tục tăng, dựa trên số liệu từ Chính phủ và BOJ.

Dữ liệu mới công bố cho thấy, Nhật Bản vẫn là quốc gia có tốc độ lạm phát nhanh nhất trong nhóm G7, và cũng là nước duy nhất trong nhóm này đang đối mặt với thuế quan từ Mỹ giữa lúc lạm phát có xu hướng đi lên. Bên cạnh ảnh hưởng từ các sắc thuế, chi phí sinh hoạt tăng cao đã làm dấy lên các cuộc tranh luận trong Quốc hội về việc có nên tung ra các gói hỗ trợ tiền mặt hoặc cắt giảm thuế trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 7, theo các báo cáo từ truyền thông trong nước. Thủ tướng Ishiba có thể sẽ khó phớt lờ những yêu cầu này khi đang tìm cách củng cố sự ủng hộ cho Chính phủ thiểu số của mình.

Trong những tháng tới, lạm phát tại Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao, khi nhiều chủ doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực chi phí gia tăng do tình trạng thiếu lao động, giá nguyên liệu đầu vào leo thang và sự suy yếu kéo dài của đồng yên, và họ đang ngày càng sẵn sàng chuyển phần chi phí đó sang người tiêu dùng.

“Tùy theo tiến triển của các cuộc đàm phán về thuế quan, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ tăng lãi suất, nhưng ở thời điểm hiện tại thì khả năng đó đã giảm đi đáng kể”, ông Keiichi Iguchi, chiến lược gia cấp cao tại Resona Holdings nhận định. “Ngay cả khi chỉ số CPI tăng mạnh, thì cũng khó kỳ vọng đồng yên sẽ tăng giá”.

Ngay sau khi báo cáo được công bố, tỷ giá đồng yên biến động quanh mức 142.40 yên đổi một USD.

Theo khảo sát của Teikoku Databank đối với các doanh nghiệp thực phẩm lớn, số lượng mặt hàng thực phẩm tăng giá trong tháng 4 sẽ vượt mốc 4,000 lần đầu tiên trong vòng 18 tháng qua.

“Dữ liệu lần này cho thấy rõ ràng rằng lạm phát tại Nhật Bản đã diễn biến đúng với kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương cho đến khi các biện pháp thuế quan được đưa ra”, ông Saito từ NLI bình luận. “Các mức thuế mới chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực lên nền kinh tế. Trước đây tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất khoảng mỗi 6 tháng một lần, như họ từng đề cập, nhưng giờ đây quan điểm đó cần được điều chỉnh lại”.

Quốc An (Theo Bloomberg)

FILI - 16:31:58 18/04/2025